Tiền Việt mất giá tối đa 6%?
Người Việt Nam đang lo ngại sâu sắc về USD trong bối cảnh hệ thống tài chính của nước Mỹ tiếp tục ngập sâu trong rắc rối.

Trong các ngân hàng thương mại, vài ngày nay chỉ có Vietcombank niêm yết giá mua thấp hơn giá bán 2 đồng, còn ở các ngân hàng thương mại cổ phần lớn khác, giá mua và bán vẫn bằng nhau ở mức 17.782 đồng/USD. “Tình hình mua vào ngoại tệ vẫn không khá hơn trước”, giám đốc khối ngoại hối của một ngân hàng cho biết. Tỷ giá mua bán trên thị trường liên ngân hàng, dù hạ nhiệt so với hai tuần trước, vẫn nằm ở mức “nóng” 18.050 đồng/USD.

Tỷ giá năm 2009 biến động tới đâu? Theo ngân hàng Đầu tư và phát triển (BIDV), trong bối cảnh nguồn ngoại tệ ròng vào Việt Nam dương hơn 1,2 tỉ USD trong bốn tháng đầu năm, yếu tố chính khiến tỷ giá tăng mạnh là yếu tố đầu cơ găm giữ ngoại tệ. Đặc biệt khi chương trình hỗ trợ lãi suất góp phần thu hẹp chênh lệch lãi suất VND và USD, người dân chuyển từ tiền gửi VND sang tiền gửi ngoại tệ, khiến số dư tiền gửi ngoại tệ trong hệ thống ngân hàng cuối tháng 4 tăng khoảng 4,52% so với cuối năm 2008, số dư tiền vay ngoại tệ giảm 1,6% tương ứng.

Dựa trên số liệu ước đoán về xuất, nhập khẩu, khả năng thâm hụt thương mại của Việt Nam năm nay khoảng 6,9 tỉ USD, giảm 60% so với năm trước. Giá trị giải ngân dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài ước đạt 5 tỉ USD. Lượng vốn đầu tư gián tiếp nước ngoài tại Việt Nam ước tính chỉ còn khoảng 2,5 tỉ USD, rất nhỏ so với 20 tỉ USD năm 2007. Vì vậy, khả năng về hoạt động rút vốn dồn dập của các nhà đầu tư nước ngoài trong năm để tạo ra sức ép lên tỷ giá là khó xảy ra.

Nguồn vốn giải ngân ODA dự kiến đạt mức 1 tỉ USD, kiều hối giảm xuống mức 3 tỉ USD do khó khăn của nền kinh tế toàn cầu có thể bù đắp được các khoản trả nợ vay nước ngoài đến hạn khoảng 1,5 tỉ USD.

Như vậy, xét trên tổng thể cán cân lớn của nền kinh tế, năm 2009 tốt hơn rất nhiều so với năm 2008 với mức thâm hụt cán cân thanh toán chỉ ở mức khoảng 1 tỉ USD. Ngoại trừ tâm lý đầu cơ găm giữ ngoại tệ, những vấn đề của năm 2008 như tình hình kinh tế vĩ mô, lạm phát, thâm hụt cán cân thương mại, sự rút vốn của dòng tiền “nóng” không còn là mối lo ngại lớn trong năm 2009.

BIDV cho rằng, khả năng cân đối ngoại tệ của nền kinh tế là hoàn toàn khả thi, các biến động bất thường về dòng ngoại tệ ra – vào nền kinh tế là có thể ước đoán được. Do vậy, với lượng dự trữ ngoại hối quốc gia là 20 tỉ USD hiện nay, khả năng bình ổn thị trường ngoại hối là hiện thực với mức mất giá tối đa của VND trong năm không vượt quá 5 – 6%.

Hồng Sương
 

Hai trong một

Lý giải hiện tượng doanh nghiệp găm giữ ngoại tệ, tiến sĩ Vũ Thành Tự Anh lưu ý đặc thù ở Việt Nam là doanh nghiệp xuất khẩu đồng thời cũng là doanh nghiệp nhập khẩu lớn. Vì vậy, nếu chính sách tỷ giá không phản ánh đầy đủ theo quy luật thị trường, thì doanh nghiệp có phản ứng thích hợp.

Ông Ngô Trân, tổng giám đốc công ty may mặc ở  Tân Bình nói: “Hầu hết các công ty lớn trong ngành đều tự mình xuất khẩu sản phẩm và nhập khẩu nguyên liệu.  Chính vì vừa xuất, doanh nghiệp thu được ngoại tệ vào thì giữ trên tài khoản để có thể thanh toán nhanh, gọn, và nhất là tránh tình trạng bị mất vì chênh lệch tỷ giá”. Vị này khẳng định: “Của mình mình xài, thì đâu thể coi là găm giữ ngoại tệ”.

Chủ một công ty sản xuất giày dép và xuất nhập khẩu nguyên liệu nhựa ở Tân Phú cho biết vừa bị thiệt gần 160 triệu đồng vì chưa kịp xuất hàng thu USD về, mà đã phải chi ra mua nguyên liệu vào đầu tháng 5.2009. Ông kể: “Theo quy định, tôi có thể mua USD với giá khoảng 17.800 đồng/USD, nhưng ngân hàng bảo không có. Tôi phải mua hơn 400.000 USD chợ đen với giá 18.200đ/USD, sau đó ngân hàng hỗ trợ tôi làm các thủ tục cần thiết để nhập lô hàng gấp”.

B.T


Nguồn: Báo điện tử Sài Gòn tiếp thị