Tình hình sản xuất kinh doanh ngành công nghiệp tháng 03 và ba tháng đầu năm 2008.
Người Việt Nam đang lo ngại sâu sắc về USD trong bối cảnh hệ thống tài chính của nước Mỹ tiếp tục ngập sâu trong rắc rối.

1. Tình hình chung:

Quý I/2008 GTSXCN ước đạt 162.470 tỷ đồng tăng 16,3% nhưng chưa đạt kế hoạch đề ra cho cả năm 2008 (17,3%), trong đó khu vực quốc doanh tăng 6,7% và có tỷ trọng tiếp tục giảm trong GTSXCN cả nước (chỉ còn 22,5%), khu vực ngoài quốc doanh tăng 22,4% và có tỷ trọng so toàn ngành tiếp tục tăng chiếm 35,2%, khu vực có vốn đầu tư nước ngoài tăng 17,1% chiếm tỷ trọng 42,3% toàn ngành. Nguyên nhân tăng trưởng cao ở khu vực ngoài quốc doanh một phần là do các doanh nghiệp nhà nước đang tiếp tục chuyển đổi sang mô hình cổ phần và tư nhân hoá.

Quý I các sản phẩm chiếm tỷ trọng lớn trong GTSXCN đạt mức tăng trưởng cao hơn kế hoạch đề ra cho toàn ngành (17,3%) là thủy hải sản chế biến tăng 21,3%; dầu thực vật tinh luyện tăng 30,5%; sơn hóa học các loại tăng 25,8%; lốp ô tô, máy kéo các loại tăng 37,3%; điều hòa nhiệt độ tăng 68,4%; tủ lạnh, tủ đá tăng 35,6%; máy giặt tăng 32,5%; tivi các loại tăng 26,3%; xe chở khách tăng 106,1%; xe tải tăng 111,3% so cùng kỳ năm trước.

Các sản phẩm có mức tăng trưởng thấp hơn mức kế hoạch ngành gồm: than đá (than sạch) tăng 3,2%; dầu mỏ thô khai thác tăng 0,5%; khí đốt thiên nhiên dạng khí tăng 1,2%; khí hóa lỏng (LPG) tăng 9,8%; sữa bột tăng 15,8%; đường kính tăng 9,2%; bia các loại tăng 6,2%; vải dệt từ sợi bông tăng 14,8%; quần áo mặc thường cho người lớn tăng 19,9%; giày, dép, giày thể thao tăng 16,1%; phân hóa học tăng 14,3; lốp ô tô, máy kéo các loại tăng 4,9%; săm các loại tăng 9,6%; gạch xây bằng đất nung các loại tăng 15,3%; gạch lát ceramic tăng 16,3%; xi măng tăng 15,2%; thép tròn các loại tăng 15,6%; que hàn tăng 6,4%; biến thế điện tăng 7,9%; xe máy tăng 9,2%; điện sản xuất tăng 15,2%; nước máy thương phẩm tăng 16,2%so cùng kỳ.

Một số sản phẩm giảm so với cùng kỳ có thuốc lá điếu đạt 97,2%; vải dệt từ sợi tổng hợp hoặc sợi nhân tạo đạt 98,8%; giày, dép, ủng bằng da giả cho người lớn đạt 69,2%; xà phòng giặt các loại đạt 96,8%; kính thủy tinh đạt 96,2%; bình đun nước nóng đạt 99,4% so cùng kỳ.

Theo vùng lãnh thổ quý I năm 2008 các tỉnh, thành phố đạt mức tăng trưởng GTSXCN so cùng kỳ cao hơn kế hoạch toàn ngành (17,3%) gồm: Hải phòng tăng 18,4%; Vĩnh Phúc tăng 37,7%; Hà Tây tăng 23,3%; Hải Dương tăng 36,3%; Phú Thọ tăng 18,6%; Bình Dương tăng 23%; Đồng Nai tăng 20,4%; Cần Thơ tăng 19,5%. Một số tỉnh, thành phố chiếm tỷ trọng lớn đạt tỷ lệ tăng trưởng thấp hơn kế hoạch toàn ngành gồm: Tp. Hồ Chí Minh tăng 13%; Hà Nội tăng 15,2%; Đà Nẵng tăng 16,5%; Thanh Hoá tăng 11,3%; Khánh Hoà tăng 16%, Bà Rịa – Vũng Tàu bằng mức cùng kỳ năm trước.

Một số nhận xét chung:

Tốc độ tăng trưởng của toàn ngành trong quý I là cao nhưng vẫn chưa đạt mức kế hoạch đề ra cho năm 2008 (17,3%) do một số nguyên nhân sau:

– Giá cả nhiều loại vật tư hàng hóa trên thị trường thế giới liên tục tăng (so với cùng kỳ năm 2007: xăng dầu tăng 51,2%, phôi thép tăng 43,5%, phân bón tăng từ 14,57-18,8%, chất dẻo tăng 12%, cao su tăng 27,25%…) làm tăng chi phí đầu vào, ảnh hưởng đến tiến độ thi công của nhiều dự án lớn.

– Giá Đô la Mỹ giảm cùng nguy cơ suy thoái của nền kinh tế Mỹ cũng gây ảnh hưởng đến tình hình xuất khẩu của Việt Nam.

– Về các sản phẩm công nghiệp: các sản phẩm công nghiệp chính được thống kê đạt mức tăng trưởng cao hơn so kế hoạch đề ra cho toàn ngành có 10/38 sản phẩm liệt kê, 22/38 sản phẩm có tăng trưởng nhưng thấp hơn kế hoạch toàn ngành và chỉ có 6/38 sản phẩm giảm so cùng kỳ. Như vậy việc tăng trưởng cao của toàn ngành có thể được giải thích do sự tăng trưởng của các chủng loại sản phẩm có giá trị cao và mức tăng trưởng cao trong cùng một dòng sản phẩm (như xe chở khách tăng 106,1%; xe tải tăng 111,3%; lốp ô tô, máy kéo các loại tăng 37,3%; xe tải tăng 11,1%; … hay điều hòa nhiệt độ tăng 68,4%; tủ lạnh, tủ đá tăng 35,6%; máy giặt tăng 32,5%; tivi các loại tăng 26,3%; …) và ở các chủng loại sản phẩm chưa đưa vào danh mục sản phẩm công nghiệp chính thống kê hàng tháng (máy vi tính, kết cấu thép, gia công cơ khí, đóng tàu,…).

– Theo vùng lãnh thổ: nhiều tỉnh, thành phố chiếm tỷ trọng GTSXCN lớn đều đạt tốc độ tăng trưởng cao hơn kế hoạch đề ra cho toàn ngành (với 8/14 tỉnh). Tuy nhiên, 6/15 tỉnh, thành phố có tỷ trọng GTSXCN lớn vẫn có mức tăng thấp hơn kế hoạch toàn ngành so cùng kỳ, đặc biệt là Tp. Hồ Chí Minh chiếm trên 1/4 GTSXCN cả nước chỉ đạt mức tăng 13%; Hà Nội tăng 15,2%; Đà Nẵng tăng 16,5%; và Bà rịa – Vũng tàu (tỷ trọng chiếm 10%) cũng chỉ đạt bằng cùng kỳ.

2. Tình hình cụ thể các ngành:

– Quý I/2008 điện sản xuất ước đạt gần 17 tỷ kwh tăng 15,2% so cùng kỳ. Trong tháng 3/2008 do tình hình thiếu điện vào mùa khô, nên ngành điện đã triển khai biện pháp cắt điện luân phiên khu vực dân cư, tuy nhiên vẫn cố gắng đảm bảo điện cho khu vực sản xuất.

– Dầu thô khai thác đạt gần 4 triệu tấn tăng 0,5% so cùng kỳ. Khí thiên nhiên đạt gần 2 tỷ m3 tăng 1,2% so cùng kỳ, khí hoá lỏng đạt 85,4 nghìn tấn tăng 9,8% so cùng kỳ.

– Than sạch khai thác đạt gần 10 triệu tấn tăng 3,2% so cùng kỳ.

– Xi măng đạt 7,9 triệu tấn tăng 15,2% so cùng kỳ.

– Phân hoá học (chưa tính phân NPK) đạt 654 nghìn tấn tăng 14,3% so cùng kỳ.

– Thép tròn các loại đạt 947 nghìn tấn tăng 15,6% so cùng kỳ.

– Thuốc lá điếu đạt trên 1 tỷ bao giảm 2,8% so cùng kỳ.

– Bia các loại đạt 350 triệu lít tăng 6,2% so cùng kỳ.

3. Về xuất nhập khẩu:

a. Xuất khẩu:

Kim ngạch xuất khẩu cả nước trong quý I năm 2008 ước đạt 13 tỷ USD tăng 22,7% so cùng kỳ. Một số mặt hàng công nghiệp xuất khẩu chủ yếu gồm: dầu thô đạt 3,5 triệu tấn giảm 9,9%; than đá đạt 4,7 triệu tấn giảm 42,1%; hàng dệt may đạt 1,9 tỷ USD tăng 21,8%; hàng giày dép đạt trên 1 tỷ USD tăng 16,7%; sản phẩm gỗ đạt 691 triệu USD tăng 20%; hàng điện tử, vi tính và linh kiện đạt 532 triệu USD tăng 14,9%; túi xách, vali, mũ và ô dù đạt 171 triệu USD tăng 27%; dây và cáp điện đạt 230 triệu USD tăng 25%; sản phẩm nhựa đạt 194 triệu USD tăng 35,3%; xe đạp và phụ tùng đạt 26 triệu USD giảm 4,8%; thủy sản chế biến đạt 798 triệu USD tăng 0,8%; gạo đạt 859 nghìn tấn tăng 4,2%; cà phê đạt 398 nghìn tấn giảm 27,2%; cao su đạt 123 nghìn tấn giảm 9,8%; hàng rau quả đạt 85 triệu USD tăng 10,4%; hạt điều đạt 144 triệu USD tăng 37,3%; hạt tiêu đạt 55 triệu USD tăng 27,9%; chè các loại đạt 20 nghìn tấn giảm 2,9% so cùng kỳ.

Mặt hàng than đá xuất khẩu giảm nhiều cho thấy việc áp dụng mức thuế xuất khẩu 10% đã góp phần làm giảm lượng xuất khẩu, đồng thời lượng than tiêu thụ trong nước đã tăng so với mọi năm để đáp ứng nhu cầu của các nhà máy nhiệt điện mới đầu tư xong.

b. Nhập khẩu:

Kim ngạch nhập khẩu cả nước trong ba tháng đầu năm 2008 ước đạt 20 tỷ USD tăng 62,5% so cùng kỳ chủ yếu là nguyên liệu và máy móc thiết bị phục vụ sản xuất trong nước, và đặc biệt là do việc nhập khẩu ô tô nguyên chiếc các loại và linh kiện ô tô tăng đột biến trong thời gian này. Một số mặt hàng công nghiệp nhập khẩu chủ yếu gồm: xăng dầu các loại đạt 3,6 triệu tấn tăng 18,1%; phân bón đạt 999 nghìn tấn tăng 16,6% (trong đó phân urê đạt 160 nghìn tấn tăng 23,1%); thép các loại đạt 3,4 tỷ tấn tăng 109,6% (trong đó phôi thép 958 nghìn tấn tăng 87,3%); bông các loại 69 nghìn tấn tăng 19%; sợi các loại 104 nghìn tấn tăng 8,3%; ôtô nguyên chiếc 15423 cái tăng 555,2%; linh kiện ôtô 321 triệu USD tăng 234,4%; linh kiện xe máy 152 triệu USD tăng 8,2%; chất dẻo nguyên liệu 417 nghìn tấn tăng 14,6%; giấy các loại 265 nghìn tấn tăng 49,3%; máy tính và linh kiện điện tử tăng 47,9%; máy móc, thiết bị và phụ tùng 3,5 tỷ USD tăng 47,4%; hóa chất các loại 446 triệu USD tăng 46,7%; nguyên liệu dệt may da 470 triệu USD tăng 10,1%; vải các loại 787 triệu USD tăng 3,8%.

Nguyên nhân nhập khẩu nguyên liệu, vật tư tăng cao nhằm đáp ứng nhu cầu cho sản xuất trong nước tăng trưởng cao của các ngành cán thép, lắp ráp ôtô, xe máy, giấy, lắp ráp điện tử, sản phẩm nhựa. Tuy nhiên, việc nhập khẩu của ôtô nguyên chiếc các loại tăng đột biến 555,2% một phần do xe lắp ráp trong nước có giá thành cao, khả năng cạnh tranh thấp so với xe nhập khẩu, ngoài ra lượng xe nhập khẩu nhiều cũng dẫn đến một số vấn đề khó khăn liên quan như: cơ sở hạ tầng không đủ đám ứng lưu lượng xe tăng nhanh gây ùn tắt giao thông, tăng nhập khẩu xăng dầu và nhiều vấn đề liên quan khác.

4. Tình hình thực hiện một số dự án đầu tư lớn ngành công nghiệp như sau:

– Nhà máy Lọc dầu Dung Quất: Đang khắc phục và lấy lại tiến độ đã bị chậm, tuy nhiên có một số điều kiện phải chấp nhận như vận chuyển, huy động nhân lực tại công trình, phần do nhà thầu TechNip đảm nhận (mua sắm thiết bị, chế tạo thiết bị) chậm. Do vậy, khả năng dự án chậm 3-4 tháng.

– Dự án Khí Điện Đạm Cà Mau: Hoàn thành đúng tiến độ hầu hết các hạng mục trừ hạng mục Điện Cà Mau 2 bị chậm.

– Dự án Thủy điện Sơn La đang khắc phục sự chậm trễ để đẩy nhanh tốc độ thi công nhằm bù khối lượng bị chậm 2 tháng.

– Dự án Nhà máy sản xuất phân bón Diamon phốt phát (DAP) (công suất 330.000 tấn DAP/năm): tiến độ chung của dự án vẫn không ảnh hưởng nhiều mặc dù các gói thầu trong nước đều bị chậm tiến độ do giá thép tăng (nhà thầu yêu cầu hổ trợ), dự kiến hoàn thành đầu tư, chạy thử trong Quý IV/2008.

– Nhà máy giấy Bãi Bằng đang trong giai đoạn chuyển tiếp, đã thực hiện xong phần đấu thầu tư vấn.

– Nhà máy bột giấy Long An đã lắp ráp máy, dự kiến hoàn thành chạy thử trong Quý IV/2008.

– Nhà máy giấy Thanh Hóa cũng đang trong giai đoạn chuyển tiếp, ngừng quyết định cũ, đang xây dựng lại dự án mới.

– Nhà máy Bia Vĩnh Phúc đang trong giai đoạn xây dựng nhà xưởng, thiết bị đã bắt đầu nhập về cảng.

– Một số dự án công nghiệp lớn hoàn thành trong Quý I năm 2008, đã đưa vào sản xuất là: Dự án Điện Cà Mau 1 (công suất 750 MW), dự án Điện Nhơn Trạch 1 (công suất 280 MW), Tổ máy 2 Thủy điện Tuyên Quang; Nhà máy Bia Sài Gòn Củ Chi (công suất 200 triệu lít/ năm) đã kết thúc giai đoạn 1 (100 triệu lít/năm), hoàn thành 70% khối lượng công việc của giai đoạn 2 (dự kiến sẽ hoạt động toàn bộ vào tháng 10/2008); Nhà máy Gang Thép Nghi Sơn đã hoàn thành xong giai đoạn 2 của dự án (công suất 2.250 triệu tấn/năm).

– Một số dự án công nghiệp mới: Khởi công mới Dự án Nhiệt Điện Cẩm Phả 2 (Công suất 300 MW), phê duyệt Quy hoạch Trung tâm Nhiệt Điện Duyên hải Trà Vinh, Trung tâm Nhiệt Điện Sóc Trăng; Phê duyệt Dự án Đầu tư Cải tạo Mở rộng Phân đạm Hà Bắc, Dự án Nhà máy Đạm Ninh Bình đã chuẩn bị các điều kiện và dự kiến sẽ khởi công trong quý II/ 2008.

Nguồn: Vụ Kinh tế Công Nghiệp – Bộ Kế hoạch và Đầu tư