Tình hình thị trường Braxin và quan hệ thương mại song phương Việt Nam – Braxin trong tháng 10 và 10 tháng năm 2008
Người Việt Nam đang lo ngại sâu sắc về USD trong bối cảnh hệ thống tài chính của nước Mỹ tiếp tục ngập sâu trong rắc rối.

Dưới đây là tổng hợp tình hình thị trường Braxin và quan hệ thương mại Việt Nam – Braxin do Thương vụ Việt Nam tại Braxin và Vụ Thị trường Châu Mỹ tổng hợp.

I- Tình hình chính trị, kinh tế và xã hội

1.Tình hình kinh tế:

– Mặc dù chịu tác động ảnh hưởng của khủng hoảng tài chính thế giới, nhưng chính phủ Braxin đã có nhiều cố gắng để duy trì ổn định sản xuất, đặc biệt là trong lĩnh vực sản xuất công nghiệp có hiện tượng suy thoái. Chính phủ đã có những biện pháp kiểm soát nhằm kiềm chế lạm phát, khắc phục tình trạng ảnh hưởng của sự suy thoái từ nền kinh tế Mỹ.

– Trong thực tế sự khủng hoảng của nền tài chính Mỹ cũng đã lan toả và ảnh hưởng tới tình hình tài chính và tiền tệ của Braxin. Trong vài tháng qua, chính phủ cũng đã phải bơm thêm tiền cho các ngân hàng nhằm cố gắng giữ sự ổn định giá trị đồng bản địa so với đồng ngoại tệ, tuy nhiên đồng tiền Rêal vẫn tiếp tục bị mất giá so với đồng USD .

– Do thiếu tín dụng nên SX nói chung, nhất là nông nghiệp cũng bi ảnh hưởng.

– Nhằm kìm sự mất giá của đồng bản địa, Ngân hàng TƯ đã phải bơm thêm trên 50 tỷ USD cho các ngân hàng và hỗ trợ nhu cầu xuất khẩu.

– Dự báo tăng trưởng GDP của Braxin năm 2008 sẽ đạt hơn 4% , năm 2009 dự báo ở mức 3,2 % do bị hậu quả của suy thoái kinh tế thế giới.

2. Tình hình chính trị :

Tại Braxin cuối tháng 10 và đầu tháng 11 năm 2008 diễn ra bầu cử cấp Thị trưởng các thành phố tại tất cả các tiểu bang, do đó thời gian Quí IV vừa qua các đảng phái tập trung cho việc vận động và giới thiệu người của đảng mình ra tranh cử chức Thị trưởng Thành phố. Đến nay đã kết thúc, tại bang Sao Paulo là bang chiếm tỷ trọng kinh tế lớn (trên 30 % GDP của cả nước), theo sự đánh giá của các chuyên gia kinh tế thì sự ảnh hưởng của Sao Paulo sẽ có tác động lan toả kinh tế phạm vi tới 3000 km, Thị trưởng Thành phố Sao Paulo, ông Kasab thuộc Đảng Dân chủ vẫn tái đắc cử.

II- Tình hình quan hệ thương mại:

1. Quan hệ Thương mại Braxin với thế giới tháng 10/2008 như sau:

– Kim ngạch XK đạt 18,51 tỷ USD, tăng 17,5% so với cùng kỳ năm trước

– Kim ngạch NK đạt 17,30 tỷ USD, tăng 40,30 % so với cùng kỳ năm trước .

Tổng KN hai chiều đạt 35,81 Tỷ USD, tăng 27,40 % so với cùng kỳ năm trước.

-Cán cân thương mại : Bra. xuất siêu 1,21 tỷ USD, ít hơn mức xuất siêu cùng kỳ năm 2007 (3,43 tỷ USD).

Như vậy 10 tháng tổng kim ngạch của Braxin với thế giới đạt 317,92 tỷ USD, trong đó xuất khẩu 169,37 tỷ, nhập khẩu là 148,55 tỷ USD, xuất siêu 20,82 tỷ USD.

Về nhập khẩu từ tháng 5 đến nay, tốc độ tăng trưởng nhanh, do đồng USD giảm giá, có thời điểm 1 USD chỉ = 1,5 R$, nhiều doanh nghiệp đã đẩy mạnh việc nhập khẩu. Theo một số nhà Kinh tế gia bình luận để đảm bảo sự cân bằng thì tỷ giá đồng USD phải là 1,6- 1,8, tại thời điểm này giá trị đồng USD đang được đẩy dần lên.

2. Quan hệ thương mại với Việt Nam tháng 10/2008

– Kim ngạch Xuất khẩu Việt Nam sang Braxin tháng 10/2008 đạt 13,8 triệu USD, giảm 7% so với tháng 9/2008.Kim ngạch Nhập khẩu của VN từ Braxin đạt 21,9 triệu USD, giảm 36% so với tháng 9 (tháng 9 Việt Nam nhập 34,4 triệu USD. Tổng kim ngạch đạt 35,79 triệu USD, giảm 27% so với tháng 9.

– Dự báo kim ngạch XK trong tháng 11 và 12/2008 có thể bị ảnh hưởng do tác động của cuộc khủng hoảng tài chính thế giới, mặt khác tháng 12 cuối năm, bạn có nhiều ngày lễ hội như lễ Nôel và chuẩn bị đón năm mới, dự kiến kim ngạch xuất khẩu 2 tháng có thể đạt khoảng 35 đến 36 triệu USD, và kim ngạch nhập cũng duy trì ở mức tương đương, do ta có biện pháp hạn chế nhập siêu và xiết chặt tài chính, quản lý tín dụng, Mặt khác đồng Real tiền bản địa bị mất giá nên nhập khẩu của Bạn cũng có bị ảnh hưởng nhất định.

Kim ngạch 10 tháng năm 2008 giữa Việt Nam- Braxin

Kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang Braxin 10 tháng đạt 153,9 tr USD, Kim ngạch nhập khẩu của Việt Nam 10 tháng đạt 317 tr.USD. Tổng kim ngạch thương mại hai chiều đạt 471 tr.USD.

Các sản phẩm xuất khẩu chính của Việt nam là Máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện, cao su, giày dép các loại, than đá, hàng dệt may. Trong đó giày dép là mặt hàng có kim ngạch xuất khẩu lớn nhất (35, 2 triệu USD, chiếm 23% tổng kim ngạch), tiếp theo là máy tính, sản phẩm điện tử và linh kiện (27,6 triệu USD).

Mặt hàng nhập khẩu chủ yếu của Việt Nam vẫn là các nguyên phụ liệu cho sản xuất: nguyên phụ liệu dệt may da (kim ngạch khoảng 90 triệu USD), tiếp theo là phôi thép, thức ăn gia súc và nguyên phụ liệu chế biến. 

Nguồn: Vụ Châu Mỹ,  Bộ Công thương