Tình trạng tàu cá Việt Nam vi phạm vùng biển nước ngoài “diễn biến phức tạp”
Người Việt Nam đang lo ngại sâu sắc về USD trong bối cảnh hệ thống tài chính của nước Mỹ tiếp tục ngập sâu trong rắc rối.

Từ cuối năm 2015 đến nay, tình hình tàu cá và ngư dân Việt Nam vi phạm khai thác hải sản trái phép ở vùng biển nước ngoài đã gia tăng trở lại và diễn biến phức tạp.

Đó là nhận định được nêu tại báo cáo kết quả giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật đối với cá nhân, tổ chức khai thác, nuôi trồng, chế biến hải sản trong phát triển kinh tế biển gắn với bảo đảm quốc phòng, an ninh giai đoạn từ năm 2011 đến năm 2016.

Đã được Uỷ ban Thường vụ Quốc hội gửi đến các vị đại biểu Quốc hội, báo cáo nêu cụ thể, từ 2010 đến cuối 2016, đã có 1.071 vụ với 1.774 tàu cá và 13.937 ngư dân Việt Nam bị phía nước ngoài bắt giữ, xử lý.

Một số địa phương được gắn với hai chữ “đặc biệt” của tình hình này là các tỉnh Quảng Ngãi, Kiên Giang, Cà Mau, Bình Định, Bà Rịa – Vũng Tàu, Bình Thuận, Bến Tre, Tiền Giang.

Tình trạng trên, theo đoàn giám sát đã gây ảnh hưởng xấu đến hình ảnh của Việt Nam trên trường quốc tế, tác động xấu đến việc xuất khẩu thủy sản của Việt Nam vào thị trường thế giới.

Báo cáo giám sát cũng cho biết, tàu cá Việt Nam bị bắt do vi phạm vùng biển các nước, xảy ra đối với Thái Lan, Malaysia, Indonesia, Philippines Campuchia và các nước, quốc đảo Thái Bình Dương như Úc, PaLau, Papau New Guinea…, phần lớn xuất phát từ lợi ích kinh tế, khiến một số ngư dân cố tình vi phạm vùng biển các nước để đánh bắt hải sản trái phép, đồng thời xuất hiện đường dây môi giới để đưa ngư dân đi khai thác trái phép.

Trong một diễn biến khác, theo báo cáo của Tổng cục Kiểm ngư thì “tình trạng tàu cá Trung Quốc xâm phạm vùng biển Việt Nam, đánh bắt trộm thuỷ sản diễn ra thường xuyên, liên tục, ngày càng nhiều, gây khó khăn cho ngư dân ta, một số trường hợp đe dọa cả tính mạng và tài sản”.

Tổng cục Kiểm ngư nêu cụ thể, “năm 2015, các lực lượng chức năng đã phát hiện 5.236 lượt chiếc tàu cá Trung Quốc hoạt động tại khu vực vùng biển vịnh Bắc Bộ (2.485 tàu), miền Trung (877 tàu), khu vực Trường Sa và phía Nam (1.874 tàu); tính đến tháng 9/2016 đã phát hiện 15.516 lượt tàu cá, trong đó khu vực Trường Sa và phía Nam là 10.265 lượt chiếc”.

Trong kiểm tra, thanh tra và xử lý vi phạm nói chung, kết quả giám sát cho biết, lực lượng cảnh sát biển từ năm 2011 đến nay đã phát hiện, đấu tranh, tuyên truyền, yêu cầu 4.266 lượt/chuyến tàu cá nước ngoài, 24 lượt/chiếc giàn khoan, tàu khảo sát, nghiên cứu, thăm dò (từ tháng 5/2014 đến nay)… vi phạm ra khỏi vùng biển Việt Nam.

Ngoài ra còn tập trung chỉ đạo việc phát hiện, xử lý tàu cá Việt Nam vi phạm pháp luật, tình trạng môi giới ngư dân đi đánh bắt ở nước ngoài, làm rõ tình trạng cải hoán tàu cá nhằm chở hàng cấm, hàng lậu. Từ năm 2011 đến 2016, đã tiến hành kiểm tra và xử lý 18 vụ giả dạng hoặc cải hoán tàu cá vi phạm, trong đó khởi tố 3 vụ, bàn giao cho cơ quan chức năng xử lý 1 vụ và xử lý hành chính 14 vụ.

Một trong những hạn chế, bất cập được chỉ ra sau giám sát là hợp tác quốc tế và phối hợp các lực lượng trong giải quyết các xung đột về ngư trường, về việc tàu cá và ngư dân Việt Nam bị nước ngoài bắt trên vùng biển nước ngoài và ngay trong vùng biển Việt Nam, việc tàu cá và ngư dân nước ngoài xâm phạm vùng biển Việt Nam khai thác hải sản trái phép còn nhiều hạn chế, chưa kịp thời, hiệu quả.

Đoàn giám sát cũng đánh giá, trong xử lý vi phạm chế tài xử phạt còn nhẹ, một số vi phạm chưa được điều chỉnh trong luật, dẫn đến tính răn đe không cao, nhất là những vi phạm của tàu cá nước ngoài xâm phạm vùng biển Việt Nam.

Chỉ ra không ít nguyên nhân chủ quan của những hạn chế, báo cáo giám sát nêu rõ: quản lý Nhà nước về ngành, lĩnh vực trong quan hệ kết hợp kinh tế với quốc phòng – an ninh, quốc phòng – an ninh với kinh tế chưa thực sự hiệu quả. Việc xem nhẹ mối quan hệ kết hợp phát triển kinh tế với bảo đảm quốc phòng, an ninh là khá phổ biến trong xây dựng quy hoạch, kế hoạch, chương trình, đề án.

Báo cáo của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội cũng nhấn mạnh, vị trí địa chiến lược của biển Đông tạo cho Việt Nam có nhiều cơ hội để phát triển những ngành kinh tế mũi nhọn, trong đó có khai thác, nuôi trồng, chế biến hải sản.

Nhưng đồng thời, cũng tạo ra những thách thức rất lớn trong việc bảo vệ chủ quyền của Việt Nam trên biển Đông, đặc biệt là chủ quyền đối với hai quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa, trong bối cảnh Trung Quốc ngày càng quyết liệt thực hiện các biện pháp để chiếm giữ trái phép hai quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa của Việt Nam.