Toàn cảnh bức tranh kinh tế 2010
Người Việt Nam đang lo ngại sâu sắc về USD trong bối cảnh hệ thống tài chính của nước Mỹ tiếp tục ngập sâu trong rắc rối.

‘Virus’ nợ công lây lan ở châu Âu

Công cuộc hồi phục kinh tế toàn cầu đứng trước nguy cơ bị “trật đường ray” khi châu Âu bùng phát “căn bệnh nợ nần”.

Bắt đầu từ tháng 4, các tổ chức xếp hạng tín dụng Standard & Poor’s, Moody’s và Fitch Rating hạ bậc trái phiếu Chính phủ Hy Lạp xuống các mức rủi ro cao, đồng thời cảnh báo các nhà đầu tư có thể mất 30 – 50% giá trị các khoản đầu tư trong trường hợp Hy Lạp mất khả năng thanh toán.

Liên minh châu Âu (EU) và IMF nhất trí dành cho Hy Lạp gói cứu trợ 110 tỷ euro trong thời hạn ba năm, đồng thời kích hoạt Quỹ bình ổn Eurozone trị giá 750 tỷ euro, nhằm ngăn cuộc trạng khủng hoảng nợ Hy Lạp lây lan sang các nước khác.

Tuy nhiên, điều mà giới chức châu Âu lo sợ thực sự xảy ra. 6 tháng sau khi các nước thành viên EU giải cứu Hy Lạp, nền kinh tế khu vực Eurozone vốn đang “suy nhược” vì khủng hoảng nợ công lại hầm hập lên “cơn sốt” trước nguy cơ Ireland sẽ lao theo vết xe Hy Lạp.

Dù Ireland được cung cấp một gói cứu trợ tài chính trị giá khoảng 85 tỷ euro nhưng nguy cơ lây lan khủng hoảng nợ vẫn đe dọa châu Âu, đặc biệt Bồ Đào Nha, Tây Ban Nha.

Nguy có cuộc chiến tiền tệ

Năm 2010 đánh dấu những diễn biến khác thường về tỷ giá của USD, euro, yen Nhật – những đồng tiền quan trọng trên thế giới.

Lần đầu tiên trong hơn 6 năm qua, Nhật Bản can thiệp vào thị trường hối đoái và là lần can thiệp mạnh tay nhất từ trước tới nay. Ngày 15/9, Nhật Bản đơn phương can thiệp vào thị trường tiền tệ nhằm giảm tỷ giá đồng yen/USD, với việc bán ra khoảng 1.000 tỷ yen (trị giá khoảng 20 tỷ USD).

Ngày 5/10, Ngân hàng trung ương Nhật Bản quyết định tiếp tục nới lỏng chính sách tiền tệ, bằng cách hạ lãi suất cơ bản từ mức 0,1% hiện nay xuống 0-0,1%. Đây là lần đầu tiên kể từ tháng 12/2008, Ngân hàng Trung ương Nhật hạ tỷ lệ lãi suất.

Khoảng một tháng sau đó, Ủy ban thị trường mở liên bang (FOMC), cơ quan quyết sách hàng đầu của Ngân hàng dự trữ liên bang Mỹ (FED) ngày 3/11 nhất trí bơm 600 tỷ USD vào nền kinh tế nước này. Một loạt nước khác cũng tìm cách can thiệp vào thị trường tiền tệ nhằm hạ giá đồng nội tệ để gia tăng khả năng cạnh tranh và khuyến khích xuất khẩu.

Động thái trên của các ngân hàng châm ngòi cho một loạt cảnh báo của giới phân tích về một “cuộc chiến” giảm giá tiền tệ, tương tự như cuộc chiến góp phần gây ra sự lụi bại của nền thương mại toàn cầu trong thập niên 1930.

Giá vàng không ngừng “nổi sóng”

Kinh tế châu Âu lao đao, những đồng tiền quan trọng trên thế giới mất giá, giới đầu tư dường như chỉ còn biết “nương tựa” vào vàng, kênh đầu tư an toàn trong bối cảnh kinh tế rối ren.

Nhờ đó, giá vàng không ngừng lên đỉnh. Từ đầu năm đến nay, giá vàng tăng gần 30%. Đặc biệt, giá vàng tăng tới 8% kể từ khi FED đưa ra kế hoạch in thêm tiền mua 600 tỷ USD trái phiếu để vực dậy nền kinh tế Mỹ.

Sau khi vượt ngưỡng 1.400 USD một ounce hôm 8/11, giá kim loại quý thiết lập kỷ lục cao nhất mọi thời đại 1.424,60 USD một ounce trên thị trường London.

Giá lương thực ‘leo thang’

“Lũ lụt thế kỷ” ở Pakistan làm hàng triệu người bị biến thành vô gia cư, “hạn hán thế kỷ” và cháy rừng ảnh hưởng tới 1/5 diện tích trồng lúa mì của nước Nga… chính là hậu quả của biến đổi khí hậu và đẩy giá lương thực thế giới leo cao. Giá lúa mì trên sàn giao dịch Chicago ngày 3/8  tăng 42% và là mức tăng cao nhất trong vòng 50 năm trở lại đây.

Theo Viện nghiên cứu chính sách lương thực quốc tế (IFPRI), giá lương thực có thể tăng gấp đôi vào năm 2050. Trong giai đoạn từ 2010 – 2050, biến đổi khí hậu sẽ thu hẹp đáng kể diện tích đất nông nghiệp trên thế giới và giảm năng suất cây trồng, nhất là ở các nước đang phát triển. Điều đó sẽ kéo theo giá lương thực tăng vọt: giá ngô có thể tăng 42- 131%, giá gạo tăng 11- 78% và giá lúa mì tăng 17- 67%.

IPO toàn cầu trên đà lập kỷ lục

Theo Tập đoàn Kế toán quốc tế Ernst & Young (E&Y), tổng số tiền thu được từ các cổ phiếu lần đầu được chào bán ra công chúng (IPO) trên toàn cầu năm nay đang trên đường thiết lập kỷ lục cao, bất chấp việc làn sóng biến động của thị trường làm gián đoạn nhiều kế hoạch.

Theo tập đoàn này, được thúc đẩy nhờ sự bùng nổ từ thị trường châu Á, nơi chiếm khoảng 64% tổng giá trị IPO, giá trị toàn cầu trong năm nay đạt 255,3 tỷ USD.

“Hưởng lợi từ tỷ lệ lãi suất thấp tại các thị trường phát triển và khả năng thanh khoản dồi dào, các nhà đầu tư toàn cầu trong năm qua say sưa tìm kiếm cơ hội phát triển tại châu Á và các thị trường mới nổi khác”, Ericksen, phó Chủ tịch thị trường phát triển chiến lược toàn cầu của E & Y cho biết. 

Sự bứt phá ngoạn mục của kinh tế Trung Quốc

Quý 2 năm 2010 đánh dấu sự soán ngôi ngoạn mục khi Trung Quốc chính thức “vượt mặt” Nhật Bản để giành ngôi vị nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới.

GDP của Trung Quốc trong quý 2 đạt 1.337 tỷ USD, trong khi con số của Nhật Bản chỉ là 1.288 tỷ USD. Dù trong quý 3, Tokyo giành lại được ngôi vị á quân kinh tế này nhưng các nhà phân tích kinh tế Nhật Bản cho rằng, với xu hướng tăng trưởng như hiện nay, “không sớm thì muộn”, Trung Quốc cũng sẽ “qua mặt” Nhật Bản. Không những thế, nếu tính GDP theo sức mua, Bắc Kinh vượt Tokyo từ lâu.

Bước ngoặt của nhân dân tệ

Sau hàng loạt sức ép từ phía Chính phủ Mỹ, ngày 19/6/2010, Trung Quốc bắt đầu bỏ chế độ neo tỷ giá đồng nhân dân tệ vào đồng USD. Từ đó đến nay, đồng tiền này tăng giá 2,4%. Đặc biệt, tháng 11 vừa qua, đồng nhân dân tệ tăng giá mạnh nhất so với các đồng tiền khác tại châu Á.

Tuy nhiên, song hành với việc nâng giá nhân dân tệ, Trung Quốc cũng tiến tới việc quốc tế hóa đồng nội tệ của mình. Chính phủ nước này cho phép 20 tỉnh, thành thực hiện các giao dịch thương mại quốc tế bằng đồng nhân dân tệ, ký các thoả thuận trao đổi tiền tệ với Hàn Quốc, Hong Kong, Malaysia, Indonesia, Belarus, Argentina và thanh toán thương mại song phương với Nga bằng đồng ruble và nhân dân tệ.

Đây là bước quan trọng để đồng NDT nâng vai trò của mình trên thị trường tài chính. Nhờ vậy, giao dịch hàng ngày của đồng nhân dân tệ tăng từ con số 0 lên tới 400 triệu USD trong vài tháng qua.

Sự cố tràn dầu trên vịnh Mexico

Theo số liệu của Chính phủ Mỹ, kể từ khi xảy ra sự cố nổ giàn khoan Deeperwater Horizon ngày 20/4/2010 đến khi giếng bị rò rỉ được đóng lại vào ngày 15/7, ước tính có khoảng 4,9 triệu thùng dầu bị tràn ra tại vịnh Mexico.

Trong khi đó, đến nay mới chỉ khoảng 800.000 thùng dầu được dọn và hút vào các tàu chứa. Dầu tràn trở thành “kẻ phá hủy” môi trường sinh thái và “ngốn” của BP tới 21,1 tỷ USD tiền bồi thường cho 4,9 triệu thùng dầu.

Để giải quyết hậu quả của thảm họa này, giới chức BP phải rao bán hàng loạt tài sản và phải chi tới 6,1 tỷ USD trong việc giải quyết sự cố.

Giới siêu giàu “dốc túi”

Bản thân ông Buffet và Gates cũng đều tham gia tích cực vào các hoạt động từ thiện. Từ năm 2006, ông Buffet cam kết cho đi 99% tài sản để làm từ thiện. Còn vợ chồng ông Gates đến nay đóng góp hơn 28 tỷ USD vào quỹ từ thiện mang tên họ.

Hưởng ứng lời kêu gọi từ chiến dịch từ thiện mang tên “Cam kết cho đi” của hai tỷ phú Mỹ Warren Buffet và Bill Gates, đến nay có hơn 57 “đại gia” Mỹ công khai cam kết dành ít nhất một nửa gia tài để làm từ thiện.

Tỷ phú trẻ tuổi Mark Zuckerberg, một trong hai nhà sáng lập mạng xã hội Facebook là người mới đây nhất đưa ra cam kết hiến tặng tài sản. Anh chia sẻ: “Người ta hay đợi về già mới cho từ thiện. Tại sao phải đợi lâu như vậy. Có rất nhiều thứ có thể làm ngay từ bây giờ”.

Ông Doug White, Giám đốc Trung tâm Từ thiện và Gây quỹ Heyman nhấn mạnh: “Không chỉ là chuyện tiền, vấn đề là người ta đang cố gắng vì cộng đồng và mỗi người đều cố gắng làm theo khả năng của mình”.

Trong khi đó, theo Global Times, tuy việc hiến tặng tài sản làm từ thiện còn khá mới mẻ và chưa phổ biến ở Trung Quốc, nhưng hoạt động này cũng đang trong chiều hướng gia tăng. Nhà triệu phú hảo tâm nổi tiếng của Trung Quốc Chen Guangbiao, Giám đốc điều hành một công ty vật liệu tái chế ở tỉnh Giang Tô, hồi tháng 9 cam kết hiến tặng tài sản của mình (ước tính trên 700 triệu USD) để làm từ thiện sau khi ông qua đời. Ông Chen cho biết, sau khi ông đưa ra cam kết trên, hơn 100 người giàu có ở Trung Quốc liên hệ với ông và cũng đưa ra những cam kết tương tự.

Bích Diệp (tổng hợp)
Nguồn: Báo Đất Việt điện tử