Tổng giám đốc Sabeco không ngừng nhắc đến hành vi cạnh tranh không lành mạnh từ đối thủ
Người Việt Nam đang lo ngại sâu sắc về USD trong bối cảnh hệ thống tài chính của nước Mỹ tiếp tục ngập sâu trong rắc rối.

Không nêu đích danh nhưng Tổng giám đốc Sabeco liên tục nhắc đến “đối thủ cạnh tranh không lành mạnh, buộc đại lý không trưng bày sản phẩm Saigon Chill” tại Đại hội thường niên được tổ chức sáng 28/4.

“Trọng tâm của năm 2021 là tăng doanh số bán hàng và giành lại thị phần”, ông Bennett Neo, Tổng giám đốc Tổng Công ty Cổ phần Bia – Rượu – Nước giải khát Sài Gòn (Sabeco, mã: SAB) nhấn mạnh tại Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2021 của công ty được tổ chức sáng 28/4.

Một doanh nhân dày dặn kinh nghiệm trên thương trường như Bennett đã không nêu đích danh đối thủ cạnh tranh, mà chỉ đưa ra dẫn chứng để bất kỳ cổ đông nào cũng có thể đoán đúng. 

“Khi ra mắt sản phẩm Saigon Chill vào tháng 10/2020, một đối thủ cạnh tranh đã tấn công một cách không lành mạnh, bằng cách buộc một số đại lý của chúng tôi không được trưng bày và bán Saigon Chill”, ông Bennett nhắc đến đối thủ và xem đây là 1 trong các nguyên nhân chính tác động đến hoạt động kinh doanh trong năm vừa qua. 

.
Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2021 của Sabeco được tổ chức sáng nay (Ảnh: DNCC).

Cùng với đó, trong một video trình chiếu tại Đại hội, Sabeco đã phát lại bản tin của Đài truyền hình Việt Nam xung quanh việc đại lý bị Heineken cắt hỗ trợ vì bán bia Sabeco.

Về vụ việc này, Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng (Bộ Công thương) đã có kết luận sơ bộ và công bố vào giữa tháng 04/2021, sau khi nhận được phản ánh của Sabeco và trên các phương tiện truyền thông về việc Công ty TNHH Nhà máy bia Heineken Việt Nam (Heineken Việt Nam) có chính sách hạn chế các đại lý bán/trưng bày các sản phẩm bia của Sabeco, đặc biệt là bia Saigon Chill. 

Theo đó, Heineken Việt Nam khẳng định Công ty không có chính sách cũng không chỉ đạo nhân viên thực hiện chính sách này. 

Tuy nhiên, Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng khẳng định, “một số đại lý xác nhận trên thực tế có hiện tượng nhân viên bán hàng của Heneiken Việt Nam yêu cầu đại lý thực hiện việc hạn chế này nhưng không có văn bản thông báo chính thức”. 

Ông Bennet Neo cho biết, sau khi kết luận trên được công bố, đối thủ đã dừng việc cạnh tranh không lành mạnh này và tăng thêm ngân sách cho hoạt động tiếp thị. 

“Đó là lý do vì sao chúng tôi cũng phải đầu tư hơn nữa vào quảng cáo, tiếp thị”, Tổng giám đốc Sabeco nói, đồng thời nhắc đến thách thức mà Tổng công ty này phải giải quyết là mức độ hiện diện thương hiệu của Saigon Chill- sản phẩm có “tiềm năng lớn về sản lượng và lợi nhuận cho Sabeco”.  

Khi cổ đông hỏi về doanh thu từng sản phẩm và khoản ngân sách dự kiến mà Sabeco dự chi trong năm nay cho hoạt động quảng bá tiếp thị, ông Bennett từ chối trả lời con số cụ thể, phần vì đối thủ sẽ tiếp cận được thông tin này, trong khi Sabeco thì không.

Bổ sung câu trả lời, ông Teo Hong Keng, Phó Tổng giám đốc phụ trách tài chính của Sabeco cho biết, tỷ lệ chi phí quảng cáo tiếp thị trên tổng doanh thu của Sabeco sẽ tăng nhưng tỷ lệ này “vẫn tốt so với thị trường nước ngoài” và họ sẽ đẩy mạnh cải thiện chi phí hoạt động, sản xuất để phần nào bù cho chi phí tiếp thị quảng cáo nhằm bảo vệ biên độ lợi nhuận.   

.
Nhân viên tiếp thị Saigon Chill trò chuyện với khách hàng bên lề một sự kiện được tổ chức tại TP.HCM.

Cả Sabeco và Heineken sẽ chi nhiều tiền hơn vào vào quảng cáo, tiếp thị.

Tại sự kiện ra mắt đại sứ thương hiệu cho nhãn hàng Larue được tổ chức gần đây, đại diện phụ trách ngành hàng bia phổ thông của Công ty TNHH nhà máy bia Heineken Việt Nam chia sẻ với baodautu.vn rằng, họ sẽ tổ chức chuỗi các sự kiện tại các tỉnh thành (đặc biệt khu vực miền Tây) để gia tăng độ phủ cho thương hiệu Larue. 

Larue là sản phẩm thuộc ngành hhàng bia phổ thông của Heineken Việt Nam và vị này tiết lộ, trong cùng phân khúc, Larue đang đứng thứ nhất khu vực Đà Nẵng, Quảng Nam, Tây Nguyên và miền Tây xét về sản lượng chai. 

Trong khi đó, Sabeco sẽ dồn lực cho Saigon Chill- sản phẩm được đưa vào nhóm cận cao cấp.

Theo một bài viết đăng vào cuối tháng 03/2021 của Just- Drinks (Tạp chí chuyên về thị trường đồ uống có trụ sở chính tại Anh), Heineken đã dẫn đầu thị trường bia Việt Nam với 37% thị phần vào năm 2020, kết thúc 4 năm thống trị của Sabeco dù sản lượng được tiêu thụ ít hơn Sabeco khoảng 22%. Trong khi đó, Sabeco chỉ có 35% thị phần, Tổng Công ty cổ phần Bia rượu nước giải khát Hà Nội (Habeco) với 11% và Carlsberg là 4%.

Còn trong Báo cáo thường niên năm ngoái của Heineken, tại Việt Nam, sản lượng bia của họ được tiêu thụ ổn định trong khi thị trường chung giảm hai con số. 

“Chúng tôi đã trở thành công ty dẫn đầu thị trường trong năm nay, nhờ sự thành công liên tục của chiến lược kép trong phân khúc cao cấp và phổ thông. Theo xu hướng chủ đạo, Larue đã tăng trưởng hai con số và chúng tôi cho ra đời bia Việt”, Báo cáo thường niên năm 2020 của Heineken viết.

Về giải pháp sản xuất, kinh doanh ứng phó với các diễn biến dịch bệnh trong nước có thể xảy ra, khi làn sóng này đang diễn biến phức tạp tại các nước láng giềng như Campuchia, Thái Lan và Lào, lãnh đạo Sabeco cho biết, họ đã có các kế hoạch phòng vệ từ những bài học trong năm vừa qua và sẵn sàng ứng phó cho mọi tình huống có thể xảy ra.

Cùng với đó, doanh nghiệp này tự tin vào thế mạnh từ hệ thống 26 nhà máy rộng khắp trên cả nước. 

“Nếu điều gì không may xảy ra với một nhà máy thì 25 nhà máy còn lại hỗ trợ. Đối thủ chúng tôi không có nhiều nhà máy như vậy”, Tổng giám đốc Sabeco chia sẻ. 

Kế hoạch doanh thu thuần cùng lợi nhuận sau thuế năm 2021 tăng lần lượt 20% và 7% so với kết quả năm vừa qua đã được Đại hội đồng cổ đông thường niên của Sabeco thông qua.

Tuy nhiên, các con số này đều được đưa ra vào đầu năm nay, khi Việt Nam chưa ghi nhận thêm ca nhiễm Covid-19 như hiện nay. 

Đây cũng là lý do khiến ông Teo Hong Keng cho rằng, “ở thời điểm này thì để tăng trưởng doanh thu 20% như kế hoạch là không hề dễ dàng. Tuy nhiên, ban lãnh đạo cam kết giữ và thực hiện như kế hoạch”.