Tổng quan về tình hình xuất khẩu nhóm hàng nông sản, thủy sản Việt Nam năm 2013
Người Việt Nam đang lo ngại sâu sắc về USD trong bối cảnh hệ thống tài chính của nước Mỹ tiếp tục ngập sâu trong rắc rối.

Một số mặt hàng nông sản của Việt Nam hiện nay đang chiếm giữ vị thế cao trên thị trường quốc tế như hạt điều, hạt tiêu (đứng thứ nhất); gạo, cà phê (đứng thứ hai); chè (đứng thứ sáu), v.v… Các mặt hàng khác cũng đang có tiềm năng tăng trưởng xuất khẩu trong tương lai như các loại rau, củ, quả, hoa tươi, v.v…


Nếu như năm 2001 chỉ có mặt hàng thủy sản đạt kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỷ USD thì đến năm 2013 đã có 7 mặt hàng đạt kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỷ USD với tổng kim ngạch xuất khẩu là 18,7 tỷ USD, chiếm 94,6% tổng kim ngạch xuất khẩu của cả nhóm hàng nông sản, thủy sản. Cụ thể là thủy sản với kim ngạch xuất khẩu năm 2013 đạt 6,72 tỷ USD (chiếm 34% trong tổng xuất khẩu của cả nhóm), tiếp theo là gạo đạt 2,93 tỷ USD (chiếm 15%), cà phê đạt 2,72 tỷ USD (chiếm 14%), cao su đạt 2,49 tỷ USD (chiếm 13%), hạt điều đạt 1,65 tỷ USD (chiếm 8%), sắn và các sản phẩm từ sắn đạt 1,10 tỷ USD (chiếm 6%). Mặt hàng hạt tiêu và mặt hàng chè tuy đều tăng trưởng dương so với năm 2012 nhưng kim ngạch xuất khẩu lại chưa cán mốc 1 tỷ USD, kim ngạch xuất khẩu lần lượt tương ứng là 890 triệu USD và 230 triệu USD.


Số lượng thị trường xuất khẩu nhóm hàng này của Việt Nam trong 5 năm qua đã tăng khá nhanh, cụ thể năm 2008, các mặt hàng nông sản của nước ta mới có mặt tại 107 thị trường trên toàn cầu, năm 2010 là 117 thị trường thì đến hết năm 2013, con số này đã tăng tới 129 thị trường. Điều này chứng tỏ rằng Chính phủ cũng như cộng đồng doanh nghiệp xuất khẩu nhóm hàng này trên cả nước đã có nỗ lực rất lớn trong việc giữ ổn định thị phần và tìm kiếm thêm bạn hàng mới trên các thị trường truyền thống, thâm nhập và mở rộng thị trường mới ở khắp các châu lục trên phạm vi toàn cầu (kể cả các thị trường có dung lượng nhỏ và có khoảng cách địa lý xa Việt Nam).


Trung Quốc hiện vẫn là thị trường xuất khẩu nông sản lớn nhất của Việt Nam. Năm 2013, xuất khẩu nhóm hàng nông sản, thủy sản của Việt Nam sang Trung Quốc (bao gồm cả gạo) đạt 4,14 tỷ USD, giảm 4,7% so với năm 2012. Xuất khẩu nhóm hàng này chiếm tỷ trọng 31,2% trong tổng kim ngạch xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam sang Trung Quốc và chiếm tỷ trọng 20,9% trong tổng kim ngạch xuất khẩu nhóm hàng này của cả nước. Xuất khẩu một số mặt hàng có tăng trưởng dương so với năm 2012 là thủy sản (tăng 54,8%), rau quả (tăng 38,7%), hạt điều (tăng 3,8%). Bên cạnh đó, các mặt hàng nông sản có kim ngạch xuất khẩu giảm là cà phê (giảm 26,2%), sắn và các sản phẩm từ sắn (giảm 19,8%), cao su (giảm 14,3%), chè (giảm 2,1%), v.v… Nguyên nhân chủ yếu là do nguồn cung trên thế giới tăng kéo theo giá xuất khẩu giảm hoặc do nhu cầu tiêu thụ của Trung Quốc giảm mạnh đối với cao su, sắn nên kim ngạch xuất khẩu sụt giảm so với năm trước.


Tiếp theo là thị trường Hoa Kỳ, xuất khẩu nhóm hàng nông sản, thủy sản sang thị trường này năm 2013 đạt 2,64 tỷ USD, tăng 15,1% so với năm 2012, chiếm 13,3% tổng kim ngạch xuất khẩu nhóm hàng này của cả nước. Hầu hết các mặt hàng thuộc nhóm này xuất khẩu sang Hoa Kỳ đều tăng trưởng dương cụ thể là thủy sản (tăng 25,3%), rau quả (tăng 29,1%), hạt điều (tăng 32,8%), chè (tăng 31,5%), cao su (tăng 1,9%)… trừ cà phê (giảm mạnh 34,2%).


Xuất khẩu nhóm này sang thị trường Nhật Bản năm 2013 đạt 1,4 tỷ USD, tăng 2,2% so với năm 2012. Các mặt hàng chủ yếu thuộc nhóm này xuất khẩu sang Nhật Bản là thủy sản (tăng 2,9% so với năm 2012), tiếp theo là hạt tiêu (tăng 30%), rau quả (tăng 13%). Mặc dù luôn được coi là một trong những ngành hàng có thế mạnh trong xuất khẩu của Việt Nam, tuy nhiên xuất khẩu của nhóm hàng này sang thị trường Nhật Bản còn hạn chế, thị phần không đáng kể so với tiềm năng của Việt Nam. Một số mặt hàng nông sản của nước ta (như chè, gạo, hạt điều, v.v…) chưa đáp ứng được các tiêu chuẩn về vệ sinh an toàn thực phẩm theo quy định của Luật vệ sinh an toàn thực phẩm Nhật Bản nên lượng và kim ngạch xuất khẩu vào thị trường Nhật chưa nhiều. Tuy nhiên, bên cạnh đó, một số mặt hàng khác như hạt tiêu, hạt điều đã vượt qua hàng rào chất lượng khắt khe của Nhật Bản và dành được sự tin dùng của người Nhật. Sau nhiều năm nỗ lực đáp ứng các tiêu chuẩn kiểm định, hiện nay quả thanh long của Việt Nam đã được phía Nhật Bản chấp nhận cho nhập khẩu và tiêu thụ trên thị trường.


Đối với khu vực thị trường EU, xuất khẩu thủy sản năm 2013 sang khu vực này đạt gần 1,15 tỷ USD, tăng 1,6% so với năm 2012. Một số mặt hàng nông sản xuất khẩu chính của Việt Nam sang EU là cà phê, chè, hạt tiêu, rau quả… cụ thể trong năm 2013, cà phê xuất khẩu sang khu vực này đạt gần 1,1 tỷ USD, hạt điều đạt gần 285 triệu USD, hạt tiêu đạt 240 triệu USD, rau quả đạt 44 triệu USD. EU hiện có 27 thành viên với khoảng 500 triệu người tiêu dùng, sức mua bình quân đầu người khoảng 32.700 USD/năm. Đây được xem là một thị trường rộng lớn và đầy hấp dẫn đối với các doanh nghiệp và hàng hóa Việt Nam, đặc biệt là các loại mặt hàng nông sản. Tuy nhiên, hàng nông sản khi xuất khẩu sang khu vực EU phải đáp ứng được các tiêu chuẩn, quy định kỹ thuật khắt khe do khu vực này đưa ra nhằm bảo vệ tốt nhất sức khỏe con người, bảo vệ môi trường sinh thái và phát triển bền vững, v.v… Doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam trong thời gian tới sẽ phải đối mặt với sự cạnh tranh ngày càng khốc liệt do nhiều nước xuất khẩu nông sản chủ lực trên thế giới đều muốn tăng thị phần trên khu vực đầy tiềm năng này.


Nguồn: Cục Xuất nhập khẩu – Bộ Công thương