Trả lương qua tài khoản: Cơ hội cho giao dịch điện tử
Người Việt Nam đang lo ngại sâu sắc về USD trong bối cảnh hệ thống tài chính của nước Mỹ tiếp tục ngập sâu trong rắc rối.

Ai đã sẵn sàng, ai chưa?

Theo chỉ thị của Thủ tướng, từ 1/1/2008, các Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, UBND các tỉnh, thành tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán, mở rộng việc trả lương qua tài khoản cho cán bộ, công chức làm việc tại Hà Nội, TP HCM và một số tỉnh, thành. Từ 1/1/2009 sẽ mở rộng việc trả lương qua tài khoản cho cán bộ, công chức trên phạm vi cả nước.

Trước sự hối thúc đó, theo thông tin từ các ngân hàng, số lượng tài khoản được mở vài tháng qua tăng gấp đôi, gấp ba bình thường. Nước đến chân, các ngân hàng nhanh chóng đa dạng loại hình thẻ thanh toán và rút tiền.

Nhiều cơ quan và cả người dân hồ hởi hưởng ứng điều này vì những thuận tiện đã được chỉ rõ và đây cũng là xu hướng chung của thế giới. Xem như “thời của thẻ” bắt đầu “vào mùa” tại Việt Nam.

Điều tra mới đây của một tờ báo về việc “Bạn có sẵn sàng với việc nhận lương qua tài khoản?”, kết quả cho thấy: 90% của tổng số 7.200 ý kiến trả lời là “có”.

Tuy nhiên, nhu cầu thực tế đã rõ ràng, nhưng với đa số người dân hiện nay, việc có tài khoản ngân hàng vẫn chỉ dùng vào một công dụng duy nhất: rút tiền (khi có lương sẽ ra máy ATM nhận tiền thay cho việc lĩnh trực tiếp từ cơ quan).

Điều này khiến tác dụng của việc thiết lập tài khoản ngân hàng không đáng là bao: ngân hàng không coi đó là khoản vốn ổn định để đầu tư còn người dân vẫn giao dịch chủ yếu bằng tiền mặt và chưa được những tiện lợi của việc giao dịch qua thẻ, qua mạng.

Điều này cần phải thay đổi.

Thay đổi thói quen, liên thông hệ thống

Hệ thống ngân hàng nói riêng và nền kinh tế nói chung cần nhanh chóng có những bước chuyển đổi để theo kịp yêu cầu khi hiện nay chưa có nhiều dấu hiệu rõ ràng cho thấy cơ sở hạ tầng thông tin mà chúng ta đang có đã sẵn sàng cho quy trình giao dịch “phi tiền mặt”. 

Việc đặt chỗ, mua vé máy bay của Pacific Airlines trong tương lai sẽ chỉ đơn giản là ngồi tại nhà hoặc cơ quan và sử dụng các tiện ích đã đăng ký với ngân hàng

Điệp khúc “sẽ liên thông hệ thống” của các ngân hàng vẫn lặp đi lặp lại. Ra khỏi các thành phố lớn thì việc rút tiền hay thanh toán qua tài khoản trở nên khó khăn, còn các bậc phụ huynh ở nông thôn muốn “nuôi” con học xa, gửi tiền qua tài khoản đành phải… chờ đợi.

Cần tăng số lượng máy ATM và các cửa hàng, trung tâm thương mại chấp nhận thanh toán qua thẻ. Ngay tại thành phố, rất dễ gặp cảnh chầu trực, xếp hàng trước máy rút tiền. Những sự cố của việc thanh toán, rút tiền vẫn lặp đi lặp lại.

Sự “thông minh” trong giao dịch phải được thiết lập. Không thể như hiện tại, ngân hàng kêu ca khách hàng chỉ biết dùng thẻ để rút tiền, nhưng ngay việc rút tiền cũng thường xuyên gặp trục trặc, phiền phức. Hỏi một vài khách hàng sử dụng thẻ ATM bất kỳ chắc chắn sẽ được cho biết hiện tượng máy ATM thường xuyên báo hiệu “ngưng phục vụ” hoặc “lỗi thiết bị”.

Những vấn đề không hề nhỏ như vậy cần được khắc phục nhanh chóng vì đó là nền tảng để tạo nên thói quen sử dụng thẻ và thanh toán qua tài khoản của người dân.

Một điểm nữa cần tránh là sự “độc quyền” trong giao dịch. Nếu một cơ quan, doanh nghiệp A trả lương qua tài khoản cho người lao động qua ngân hàng B thì dễ xảy ra tình trạng “bao sân”, khách hàng chỉ có thể giao dịch qua hệ thống của ngân hàng đó. Vô hình chung như vậy lại gây khó khăn, phiền phức. Điều này cho thấy việc các ngân hàng cần mau chóng liên thông để chủ tài khoản được thuận lợi hơn là cần thiết.

Khi người dân có tài khoản ngày càng nhiều như hiện nay và nền kinh tế sẵn sàng cho việc giao dịch qua thẻ, qua mạng, thì những bước đi cần thiết của việc trả lương qua tài khoản, giao dịch qua thẻ mới thực sự có thêm một ý nghĩa quan trọng khác: góp phần phòng chống tham nhũng, minh bạch hóa các khoản thu, chi của công chức.

Những tín hiệu từ thị trường cho thấy đang có thêm nhiều cửa hàng, trung tâm mua sắm gắn bảng chấp nhận thanh toán quá thẻ.

Người dân đã sẵn sàng, chỉ chờ những chuyển đổi kịp thời để hy vọng sớm có một tương lai tốt đẹp cho giao dịch điện tử tại Việt Nam.

Nguồn: VNN