Tranh chấp thương mại: Thành, bại là do doanh nghiệp
Người Việt Nam đang lo ngại sâu sắc về USD trong bối cảnh hệ thống tài chính của nước Mỹ tiếp tục ngập sâu trong rắc rối.

Theo VCCI, hơn 10 năm qua, thế giới có hơn 4.000 vụ kiện chống bán phá giá, chống trợ cấp và tự vệ, trong đó có 31 vụ kiện liên quan tới doanh nghiệp Việt Nam. Nguy cơ bị khởi kiện tiềm ẩn ở hầu hết các mặt hàng lớn, như: mặt hàng thủy sản có cá tra, cá ba sa, tôm; Các mặt hàng công nghiệp có giày da, xe đạp, đèn huỳnh quang… Thế nhưng, nhiều doanh nghiệp, ngành hàng trong nước vẫn chưa chú trọng tới việc tìm hiểu luật pháp quốc tế và các vụ tranh chấp thương mại, hiểu biết về luật pháp chưa đầy đủ dẫn đến bị động và thua thiệt trước hầu hết các vụ kiện.
      Kinh nghiệm cho thấy, ngành hàng nào mà hiệp hội và doanh nghiệp hiểu biết về luật pháp quốc tế, tham gia tích cực vụ kiện đều chứng minh được mặt hàng của mình không bán phá giá, hoặc nếu có thì cũng chịu mức thuế thấp hơn, tổn hại ít và ngược lại, vụ kiện mặt hàng bật lửa gas của Việt Nam vào thị trường Thổ Nhĩ Kỳ mới đây là bài học lớn cho các ngành hàng khác. Ngay trong quá trình Thổ Nhĩ Kỳ điều tra chống bán phá giá mặt hàng này, cùng với sự tham vấn và hỗ trợ kỹ thuật của Cục Quản lý Cạnh tranh, của Bộ Công Thương Việt Nam, các doanh nghiệp xuất khẩu bật lửa gas đã tích cực, chủ động và tự tin tham gia vào quá trình giải quyết vụ việc với tinh thần hợp tác tốt, đầy đủ với Cơ quan điều tra Thổ Nhĩ Kỳ. Căn cứ trên các thông tin, nội dung trả lời câu hỏi, tài liệu chứng minh của công ty cung cấp cho Cơ quan điều tra và kết quả thẩm tra tại chỗ đối với các doanh nghiệp này, Tổng cục Ngoại thương Thổ Nhĩ Kỳ đã có thông báo kết luận doanh nghiệp phía Việt Nam không có hành vi gian lận thương mại và sẽ không bị áp thuế chống bán phá giá đối với mặt hàng bật lửa gas bỏ túi khi xuất khẩu vào thị trường Thổ Nhĩ Kỳ. 
      
Rõ ràng, yếu tố quan trọng mang tính quyết định đến thành công của mỗi vụ tranh chấp, kiện tụng chính là sự tham gia tích cực của doanh nghiệp vào quá trình giải quyết vụ việc cũng như sự hợp tác đầy đủ của các cơ quan quản lý Nhà nước với phía đối tác. Sự hợp tác này cũng cho thấy tính chủ động và tích cực của các cơ quan quản lý Nhà nước trong việc bảo vệ quyền lợi hợp pháp của doanh nghiệp nước mình, tiếp tục giữ chân khách hàng cũng như thị trường xuất khẩu. Trưởng ban Pháp chế, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam Trần Hữu Huỳnh cho rằng, hiệp hội mỗi ngành hàng cần phổ biến kiến thức pháp luật quốc tế cho doanh nghiệp, thậm chí chủ động tìm hiểu các vụ kiện, tranh chấp thương mại để nghiên cứu, lấy kinh nghiệm cho chính mình. 
     
 Mới đây, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam đã ra mắt Hội đồng tư vấn về chống bán phá giá, chống trợ cấp, tự vệ nhằm mục đích hỗ trợ các hiệp hội và cộng đồng doanh nghiệp đối phó với nguy cơ bị kiện ở nước ngoài cũng như sử dụng các công cụ này ở trong nước. Trung tâm sẽ tư vấn trực tiếp, hỗ trợ cụ thể và có tính hệ thống cho các hiệp hội, doanh nghiệp trong các vụ kiện hoặc nguy cơ bị kiện chống bán phá giá, chống trợ cấp, tự vệ ở nước ngoài và trong nước; Trực tiếp thực hiện các hướng dẫn triển khai các hoạt động nâng cao nhận thức, kỹ năng phản ứng, hành động trong các vụ kiện thương mại quốc tế, qua đó góp phần giảm thiểu rủi ro cho các doanh nghiệp trong các cuộc tranh chấp thương mại.

Nguồn: Báo Người Đại biểu nhân dân