Triển khai các giải pháp chống lạm phát: Làm tốt, 3 tháng sẽ có kết quả
Người Việt Nam đang lo ngại sâu sắc về USD trong bối cảnh hệ thống tài chính của nước Mỹ tiếp tục ngập sâu trong rắc rối.

Trước những “cú sốc” trên, Chính phủ đã có “một giải pháp đồng bộ” thông qua Công văn 319 ngày 3-3 vừa qua. Liệu công cuộc chống lạm phát, đảm bảo tốc độ tăng trưởng kinh tế có thành công trong bối cảnh hiện nay? PV Báo SGGP đã có cuộc trao đổi với PGS-TS Trần Hoàng Ngân, thành viên của Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính, tiền tệ quốc gia, về vấn đề này.

Chính phủ đã rút ra bài học kinh nghiệm

– PV: Thưa ông, dù Chính phủ đã đồng loạt đưa ra nhiều biện pháp thắt chặt tiền tệ để chống lạm phát, nhưng giá tiêu dùng vẫn tiếp tục tăng cao, trong khi các hoạt động sản xuất kinh doanh có nguy cơ bị đình đốn vì lãi suất ngân hàng tăng vọt, nhiều doanh nghiệp không được cho vay vốn… Nhiều ý kiến cho rằng, Chính phủ ta đã quá lúng túng, yếu kém trong điều hành kinh tế vĩ mô?

PGS-TS Trần Hoàng Ngân: Tôi cho rằng ý kiến nhận xét đó là chưa chính xác. Phải thừa nhận là cách điều hành kinh tế của Chính phủ trong thời gian qua là có lúng túng. Tuy nhiên, chúng ta phải thấy một thực tế là thời gian qua có quá nhiều khó khăn đổ dồn vào một lúc: trong nước thì vừa thiên tai lũ lụt, vừa rét đậm rét hại kéo dài; kinh tế thế giới, kinh tế Mỹ thì suy thoái, giá xăng dầu tăng… Chúng ta thì đã gia nhập WTO, nên giá cả phải theo hướng thị trường. Do vậy, Chính phủ có giỏi cỡ nào cũng phải lúng túng.

– Ông nhận xét như thế nào về một loạt biện pháp chống lạm phát “gây sốc” vừa qua?

Việc ưu tiên chống lạm phát của Chính phủ là đúng. Tuy nhiên, lẽ ra các biện pháp đưa ra không nên dồn dập, mà phải dãn ra để không gây sốc cho nền kinh tế. Bây giờ thì Chính phủ đã nhận ra điều đó và đã rút ra bài học kinh nghiệm.

– “Bài học kinh nghiệm” đó là gì, thưa ông?

Đó là những gì Chính phủ thể hiện qua công văn số 319 ngày 3-3 vừa qua. Chính phủ đã lắng nghe ý kiến đóng góp của các chuyên gia, của người dân, để có được cái nhìn toàn diện hơn, xây dựng được một kịch bản khá đồng bộ, hoàn hảo để kiềm chế lạm phát và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Từ sự nhìn nhận đúng đắn: kiềm chế lạm phát là trách nhiệm không phải của riêng ai, nên Chính phủ đã có sự phân công cho các bộ ban ngành và cả chính quyền địa phương các cấp phối hợp thực hiện một cách đồng bộ.

Đáng chú ý, để chống lạm phát hiệu quả, Chính phủ đã đi vào trọng tâm là đặt nặng vấn đề xem xét lại việc sử dụng vốn đầu tư công, mạnh dạn đình hoãn các công trình chưa cần thiết, chấp nhận tăng trưởng chậm để đảm bảo hiệu quả sử dụng vốn đầu tư. Việc tập trung thắt chặt chi tiêu ngân sách để nâng cao hiệu quả sử dụng nguồn vốn này là điều mà người dân mong mỏi bấy lâu nay. Bởi vì, chỉ khi người dân nhận thấy được ích lợi của việc đóng thuế, thấy được tính hiệu quả của việc chi tiêu ngân sách, họ mới an tâm và tự nguyện đóng thuế.

Trong 2 tháng tới, phải giảm lãi suất ngân hàng

– Một vấn đề đang rất bức xúc hiện nay là tác động của việc chống lạm phát đến thị trường tiền tệ. Việc ngân hàng nhà nước “hút” tiền đồng về đồng thời buộc các ngân hàng tăng tỷ lệ dự trữ bắt buộc dẫn đến “cuộc đua” lãi suất, ảnh hưởng nghiêm trọng đến hoạt động sản xuất kinh doanh?

Đối với ngân hàng, trong những năm qua tốc độ tăng trưởng dư nợ ở mức quá cao. Lượng cung tiền tăng ở tỷ lệ rất lớn – trên 40%, cho nên việc ngay từ đầu năm Chính phủ có những động thái thắt chặt tiền tệ, tăng kiểm soát tín dụng là đúng. Tuy nhiên từ những bài học trước đây, tôi cho rằng trong thời gian tới chúng ta phải điều hành công cụ tài chính tiền tệ linh hoạt hơn, tức phải bám sát từng bước đi, tín hiệu thị trường.

Sau khi đã nắm bắt được tín hiệu thị trường, kiểm soát được giá cả thì phải nhanh chóng giảm tỷ lệ dự trữ bắt buộc để góp phần giảm lãi suất ngân hàng. Cụ thể, phải làm thế nào để trong vài tháng tới thực hiện được việc này, nếu không nền kinh tế sẽ tiếp tục bị ảnh hưởng.

– Thưa ông, tỷ giá USD đang xuống rất thấp so với tiền VN, và điều này đang ảnh hưởng nghiêm trọng đến hoạt động xuất khẩu của VN đồng thời làm tăng nguy cơ nhập siêu. Phải làm gì để đối phó với tình trạng này?

Đây cũng là bài toán nan giải. Thời gian qua, tín hiệu vui là luồng ngoại tệ vào VN rất lớn, thông qua đầu tư trực tiếp (FDI) – dự kiến chỉ chục tỷ USD nhưng thực tế lên tới trên 20 tỷ, đã giải ngân trên 7 tỷ. Rồi đầu tư gián tiếp cũng tăng cao – khoảng 5-6 tỷ USD, chưa kể nguồn kiều hối. Tuy nhiên, trước lượng cung ngoại tệ lớn như vậy chúng ta lại đối phó chậm nên giá ngoại tệ bị rớt, giá nội tệ tăng cao khiến xuất khẩu bị ảnh hưởng. Điều này đưa đến nguy cơ tăng nhập siêu.

Thực tế năm rồi VN nhập siêu 14 tỷ USD, năm nay khả năng trên 20 tỷ. Như vậy cán cân vãng lai thâm hụt khoảng trên 6%, trong khi 5% là đã ở mức báo động. Do vậy, tôi đồng tình với việc Chính phủ chấp nhận tỷ giá dao động trong năm 2008 ở mức ± 2%, để góp phần giữ tỷ giá ngoại tệ ở mức vừa phải.

Tuy nhiên, chung quanh chuyện ngoại tệ còn một vấn đề nữa phải đặc biệt lưu ý là nguồn đầu tư gián tiếp, vì nó hàm chứa yếu tố Allez – retour (khứ hồi), tức tiền nó vào rồi nó sẽ ra. Nguồn đầu tư gián tiếp vào VN rất lớn nhưng nó mang yếu tố đầu cơ để hưởng chênh lệch về lãi suất – khi lãi suất trái phiếu cao mà giá ngoại tệ giảm người ta sẽ đầu cơ vào trái phiếu và ngược lại.

Do đó, Ngân hàng Nhà nước phải lưu ý tăng dự trữ ngoại tệ để không chỉ phục vụ cho nhập siêu mà còn để đối phó với tình trạng dòng vốn đảo chiều. Kinh nghiệm ở Thái Lan, Malaysia, Philippines vào năm 1997 cho chúng ta nhiều bài học: nước nào quản lý ngoại tệ yếu sẽ dễ dẫn đến khủng hoảng kinh tế khi nguồn vốn đảo chiều.

Thị trường sẽ ổn định trong 3 tháng nữa

– Theo ông, với những biện pháp mới mà Chính phủ đưa ra, liệu năm nay chúng ta có đạt được mục tiêu tăng trưởng và chống lạm phát đã đặt ra?

Theo cá nhân tôi, trong bối cảnh hiện nay, việc đạt được tốc độ tăng trưởng trên 8,5% và kiềm chế lạm phát được dưới tốc độ này như Quốc hội đã đề ra là rất khó. Tuy nhiên, chúng ta vẫn có thể đảm bảo tốc độ tăng trưởng kinh tế trên 8%, còn lạm phát, chỉ cần làm sao kéo giảm xuống dưới 12% – tức thấp hơn năm rồi là đã thành công. Vì chống lạm phát phải làm trong thời gian dài, còn nếu vội vã nó có thể gây sốc cho nền kinh tế.

Với Công văn 319, tôi cho rằng, giải pháp là đã khá hoàn chỉnh. Nếu được triển khai nhanh và đồng bộ, các cơ quan chức năng thực hiện hết trách nhiệm của mình, chắc chắn nó sẽ giúp nền kinh tế VN ổn định và phát triển, đạt được mục tiêu tăng trưởng.

– Vậy “những việc phải làm ngay” bây giờ là gì và theo dự đoán của ông, trong bao lâu có thể thấy được hiệu quả?

Để các giải pháp có thể phát huy tác dụng nhanh nhất thì ngay từ bây giờ, các bộ, ngành Trung ương phải triển khai ngay Công văn 319 đến các sở, ngành, địa phương; lên ngay danh sách những việc mà các sở ngành cần làm một cách hết sức cụ thể: cần phải cắt giảm, đình hoãn công trình nào, đồng thời có văn bản hướng dẫn chi tiết cho chính quyền các địa phương là tiết kiệm, thắt chặt chi tiêu ở những khoản nào.

Tôi cho rằng với tình hình ở VN chúng ta, nếu triển khai tốt, trong khoảng 3 tháng sau, nghĩa là từ cuối tháng 6-2008, tình hình sẽ ổn định trở lại, giá cả sẽ giảm, kinh tế sẽ tiếp tục tăng trưởng và ổn định…

Nguồn: Báo Sài Gòn Giải phóng