Trọng tài thương mại: Ế khách vì phán quyết khó thực thi
Người Việt Nam đang lo ngại sâu sắc về USD trong bối cảnh hệ thống tài chính của nước Mỹ tiếp tục ngập sâu trong rắc rối.

Theo ông Nguyễn Bích Đạt, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư, cùng với việc Việt Nam gia nhập WTO, số vụ tranh chấp thương mại đầu tư ngày càng gia tăng và nội dung tranh chấp ngày càng phức tạp hơn. Tuy nhiên, khi có tranh chấp, các doanh nghiệp Việt Nam thường lựa chọn tòa án kinh tế để giải quyết thay vì lựa chọn các trung tâm trọng tài thương mại. Điều này khiến cho các toà án kinh tế rơi vào quá tải, thời gian giải quyết các vụ việc kéo dài, gây tốn kém cho doanh nghiệp. Một luật sư của Đoàn Luật sư Hà Nội đưa ra ví dụ: “Tôi đã “dính” một vụ tranh chấp giữa một doanh nghiệp Việt Nam và doanh nghiệp Nhật Bản, kéo dài từ tháng 4.2004 đến tháng 9.2006 mới xử được sơ thẩm. Sau 3 tháng, vụ này mới giải quyết xong án phúc thẩm. Thế nhưng, cho đến tận hiện nay (4.2008), nghĩa là sau khi xảy ra tranh chấp 4 năm, vụ án vẫn chưa giải quyết xong vì bên thua vẫn cố tình trì hoãn. Trong khi đó, nếu đưa ra trọng tài thương mại, vụ việc có thể giải quyết chỉ trong vài tuần”.  
      
Tại sao các khách hàng thờ ơ với các trung tâm trọng tài thương mại khi hình thức giải quyết tranh chấp này được cho là khá hiệu quả với những ưu điểm: Giải quyết nhanh, bí mật, linh hoạt, dân chủ; Doanh nghiệp có quyền được chọn quy tắc tố tụng, địa điểm, ngôn ngữ, thời gian tiến hành các hoạt động tố tụng của trọng tài; Quyết định của trọng tài có giá trị chung thẩm và có hiệu lực cưỡng chế ngay…
      
Trả lời câu hỏi này, ông Nguyễn Bình An, Trưởng Văn phòng Luật sư Ngọn lửa Việt đưa ra một thực tế khiến nhiều người giật mình: “Có những doanh nghiệp mặc dù có đăng ký sử dụng dịch vụ trọng tài thương mại. Tuy nhiên, khi xảy ra tranh chấp, đến với chúng tôi, chúng tôi đã khuyên là nên vô hiệu điều khoản sử dụng trọng tài mà nên kiện ra toà án. Bởi vì, khi chúng tôi đưa hồ sơ đến trung tâm trọng tài, nhiều trọng tài viên chưa đọc hồ sơ, chưa biết đối tượng của mình như thế nào mà đã nói ngay câu đầu tiên là: “Đưa tiền đây”. Hơn thế nữa, chúng tôi thấy, phán quyết của trọng tài cũng chưa đủ hiệu lực thi hành, bởi ngay cả phán quyết của toà án cũng còn tồn đọng quá nhiều”.
      
Chủ tịch Trung tâm Trọng tài quốc tế Việt Nam (VIAC) Nguyễn Minh Chí cho rằng, những trường hợp ông An nhắc tới, nếu có cũng chỉ là những “con sâu bỏ rầu nồi canh”. Còn về phán quyết của trọng tài, trước năm 2003, phán quyết của trọng tài khó thực thi vì còn phải trình toà án xem xét. Nhưng từ khi có Pháp lệnh trọng tài 2003, hiệu lực thi hành của phán quyết trọng tài cũng giống như phán quyết của toà án. 
      
Tuy nhiên, thực tế, 90% số trường hợp thua kiện đều không tự nguyện thi hành nghiêm túc phán quyết của toà án nên việc chậm thi hành phán quyết của trọng tài cũng không có gì đáng ngạc nhiên. 
      
Một nguyên nhân khác khiến doanh nghiệp chưa mấy mặn mà với trọng tài thương mại là Pháp lệnh về trọng tài thương mại của nước ta còn quá cứng nhắc. Ông Phạm Tuấn Anh, Chánh tòa Kinh tế Hà Nội cho hay: “Vấn đề phức tạp đặt ra là các trung tâm trọng tài thương mại còn ít, chủ yếu tập trung ở Hà Nội và TP Hồ Chí Minh, trong khi đó các đương sự có thể ở nhiều địa phương khác nhau. Do vậy, việc yêu cầu thực hiện biện pháp đảm bảo rất khó khăn cho các đương sự, dẫn đến việc chậm trễ trong áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời. Chúng tôi thấy nên chăng các Trung tâm trọng tài nên đặt thêm các văn phòng đại diện tại một số tỉnh, thành phố khác để tạo điều kiện cho các đương sự dễ dàng khởi kiện và đưa đơn yêu cầu áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời”. 
      
Ông Tuấn Anh đưa ra dẫn chứng về vụ tranh chấp hợp đồng mua bán giữa doanh nghiệp tư nhân Trường Phát có trụ sở tại TP Hồ Chí Minh với một doanh nghiệp của ấn Độ. Phía nguyên đơn yêu cầu Toà án kinh tế Hà Nội áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời dừng việc thanh toán L/C. Sau khi yêu cầu VIAC thụ lý, bên yêu cầu đã đến Tòa án Hà Nội yêu cầu áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời nhưng vì mọi tài khoản của nguyên đơn đều mở tại TP Hồ Chí Minh họ phải nộp tiền vào tài khoản ở TP Hồ Chí Minh, sau đó phải làm thủ tục chuyển ra Hà Nội, rất mất thời gian. 
      
Chính vì những bất cập đó, ông Chí cho rằng, cần phải xây dựng Luật về Trọng tài thương mại thay cho Pháp lệnh trọng tài thương mại. Được biết, Luật này đang được soạn thảo và sẽ được sớm trình lên Quốc hội xem xét.

Nguồn: Báo Người Đại biểu nhân dân