Trước thềm Hội nghị Quốc tế về Kinh tế Đối ngoại 2008: Các nhà tài trợ nói gì về kinh tế VN?
Người Việt Nam đang lo ngại sâu sắc về USD trong bối cảnh hệ thống tài chính của nước Mỹ tiếp tục ngập sâu trong rắc rối.

Ông Justin Wood, Giám đốc Corporate Network, và là chuyên gia về Đông Nam Á của Economist Intelligence Unit bình luận: “Triển vọng nền kinh tế Việt Nam rất khả quan với tỷ lệ tăng trưởng năm 2007 khoảng 8% và dự đoán tốc độ này sẽ được duy trì trong những năm tới. Về ngắn hạn, phát triển bắt nguồn từ nhiều nguồn lực, đáng kể là sự mở rộng của nền công nghiệp và cũng chính sự phát triển đã củng cố vững chắc cho nền tảng công nghiệp quốc gia khi Việt Nam tiếp tục tiến trình mở cửa và hội nhập môi trường thương mại toàn cầu. Xuất khẩu, không tính dầu thô, tăng mạnh; đầu tư thiết yếu đối với các nhà máy và cơ sở hạ tầng đang được triển khai nhanh chóng; viễn cảnh tiêu dùng – dưới tác động của phát triển việc làm và việc mở rộng tiếp cận đến các nguồn tài chính tiêu dùng – cũng đầy hứa hẹn“.

Ảnh minh họa

Ông Justin Wood. Ảnh:L.Q

Về tương lai ông Justin Wood nhận định: “Về dài hạn, Việt Nam có rất nhiều nhân tố tích cực để có thể duy trì tốc độ tăng trưởng tốt, đó là một lực lượng lao động trẻ và đang phát triển, chi phí nhân công thấp hơn các nước láng giềng và trình độ công nghệ của họ ngày càng tăng. Cam kết của Chính phủ về việc tự do hóa nền kinh tế và việc đưa ra các cải cách trên nền tảng thị trường, nhất định sẽ đem lại những tác dụng tích cực”.

Ông Charles Goddard, Trưởng ban Biên tập khu vực châu Á – Thái Bình Dương của Economist Intelligence Unit, và là đồng Chủ tọa Hội nghị cũng nhận xét: “Tuy nhiên, Việt Nam cũng phải đối mặt với nhiều thách thức. Tỷ lệ lạm phát cao là một điều đáng lo ngại. Những hạn chế về cơ sở hạ tầng vẫn sẽ tiếp tục là vấn đề nan giải, mặc dù đã có nhiều đầu tư lớn cho lĩnh vực này. Môi trường pháp lý chưa hoàn thiện vẫn là một mối quan ngại lớn. Một vấn đề nữa là sự thiếu hụt nhân lực chuyên môn và quản lý; Và tham nhũng, dù Chính phủ đã có rất nhiều nỗ lực hạn chế sự lan tràn của vấn nạn này và những bất ổn xã hội do tham nhũng gây ra”.

Theo ông Thomas Tobin – TGĐ HSBC Việt Nam:” Tôi tin rằng GDP Việt Nam sẽ đạt mức 8,5% vào năm 2008 do nhu cầu tiêu dùng và đầu tư đều có xu hướng gia tăng mạnh. Chúng tôi thật sự lạc quan về tương lai của Việt Nam. Tôi tin chắc sẽ có những thay đổi đáng kể và tích cực trong thời gian tới. Chỉ trong năm qua thôi chúng ta đã thấy rất nhiều thay đổi lớn trong chính sách của Chính phủ, kết quả của quá trình tự do hóa thị trường ở Việt Nam. Hiện nay các tổ chức nước ngoài đã được phép nắm giữ cổ phần tại các ngân hàng nội địa với tổng mức cổ phần nắm giữ lên đến 30%. Chúng tôi trông đợi năm 2008 và những năm kế tiếp sẽ là một năm bùng nổ cho ngành tài chính ngân hàng với những cải cách không ngừng của Chính phủ”.

Ảnh minh họa
Ông Thomas Tobin – TGĐ HSBC Việt Nam. Ảnh:L.Q

Tuy nhiên, ông Tobin chũng cho rằng, song song với những triển vọng tốt đẹp đối với Việt Nam nói chung và khu vực tài chính nói riêng, vẫn còn đó không ít những thách thức mà một trong số đó là sự khan hiếm nguồn nhân lực có chuyên môn cao. Số lượng nhân viên ngân hàng có chuyên môn và kinh nghiệm vẫn còn hạn chế. Phải mất nhiều thời gian và công sức cho đào tạo và phát triển để có được một chuyên viên ngân hàng thực thụ và chuyên nghiệp và chúng ta sẽ còn chứng kiến sự thiếu hụt lực lượng chuyên viên ngân hàng ngày càng rõ rệt hơn trong những năm sắp tới. Cơ sở hạ tầng vẫn còn là một trở ngại không nhỏ khi mà hệ thống đường sá, cơ sở vật chất và các dự án xây dựng đang chịu một áp lực không nhỏ để theo kịp đà phát triển nhanh chóng cũng như tăng trưởng kinh tế cao hiện nay.

Đến từ Indochina Capital, ông Peter R Ryder – Giám đốc điều hành của hãng này đã rất tự tin cho rằng:”Tôi luôn luôn tin Việt Nam sẽ là một cường quốc kinh tế ở Đông Nam Á. Hai năm qua, chúng ta đã chứng kiến sự phát triển mạnh mẽ của quốc gia này. Cùng với việc gia nhập WTO và việc Việt Nam có một đội ngũ lãnh đạo trẻ của Chính phủ, tốc độ tiêu dùng tăng cao sẽ là những yếu tố tích cực cho phát triển tiếp theo”.

Trả lời câu hỏi: Liệu Việt Nam có thể là một Trung Quốc tiếp theo, với con số phát triển của nền kinh tế trong thời gian dài đạt mức 2 con số? Ông Ryder cho biết, Việt Nam sẽ không là một Trung Quốc tiếp theo, nhưng sẽ là một Hàn Quốc hoặc Nhật Bản thứ hai, vì Việt Nam có sự phát triển bền vững”.

Hội nghị Quốc tế về Kinh tế Đối ngoại 2008 diễn ra tại Trung tâm Hội nghị Quốc gia Hà Nội, với sự phối hợp tổ chức của Bộ Ngoại giao Việt Nam, báo Thế Giới và Việt Nam; tài trợ chính bởi HSBC và Nokia Siemens Networks cùng các nhà đồng tài trợ VinaCapital và IndoChinaCapital.

Theo Chương trình, Hội nghị Quốc tế về Kinh tế Đối ngoại 2008 sẽ có một số nội dung nổi bật:

– Diễn văn chính thức và thảo luận với Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng.

– Trình bày và thảo luận Hướng tới một tương lai thịnh vượng – Cải cách và phát triển vững mạnh ngân hàng – ông Nguyễn Văn Giàu, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam.

– Định vị Việt Nam trên bản đồ toàn cầu – tiến hành những cải cách quan trọng nhằm đảm bảo một tương lai kinh tế thịnh vượng – với phần chủ trì của Phó Thủ tướng Chính phủ Phạm Gia Khiêm.

– Chương trình “Gặp gỡ doanh nghiệp với doanh nghiệp”.

– Tổng quan hoạt động kinh doanh và sức mạnh của Việt Nam – Ông Justin Wood, Giám đốc Corporate Network, và là chuyên gia về Đông Nam Á củaEconomist Intelligence Unit.

– Mở cửa cho các cơ hội đầu tư mới – Chủ trì phiên thảo luận là Bộ trưởng Bộ KHĐT Võ Hồng Phúc.

– Phát triển các nguồn lực và nguồn lao động của Việt Nam để hướng tới tăng trưởng bền vững – Với sự chủ trì của Bộ trưởng Bộ LĐTBXH, bà Nguyễn Thị Kim Ngân.

– Gặp gỡ giữa doanh nghiệp và Chính phủ: Phát triển các lĩnh vực tăng trưởng then chốt tại Việt Nam – với sự chủ trì của ông Vũ Huy Hoàng, Bộ trưởng Bộ Công thương.

– Vấn đề vốn hoá trong môi trường tài chính đang phát triển mạnh mẽ của Việt Nam – với sự chủ trì của Bộ trưởng bộ Tài chính Vũ Văn Ninh.

Nguồn: Báo điện tử VnMedia