Truy thu thuế nguyên liệu dệt may: Đã thấu tình, đạt lý?
Người Việt Nam đang lo ngại sâu sắc về USD trong bối cảnh hệ thống tài chính của nước Mỹ tiếp tục ngập sâu trong rắc rối.

Theo đánh giá của hải quan thì thực chất đây là hành vi gian lận thương mại. Trong bản kiến nghị lên Thủ tướng và các ngành liên quan, Chi hội Dệt may Đông Bắc cho rằng, trong hoạt động sản xuất của ngành, chiều dài các cuộn vải thường không mặc nhiên chia hết cho mỗi sơ đồ mẫu cắt, phần còn thừa lại được gọi là đầu tấm, đầu mảnh. Hoặc trong quá trình trải vải, nếu phải cắt bỏ phần lỗi ở giữa cuộn thì cũng là nguyên nhân sinh ra đầu tấm, đầu mảnh. Khi phần đầu tấm, đầu mảnh không còn khả năng đưa vào sản xuất sản phẩm nữa sẽ được gọi là phế liệu. Qua thực tế sản xuất của ngành, tỷ lệ đầu tấm, đầu mảnh được xác định trong khoảng từ 3 đến 5%.

Với quan niệm “thợ may ăn giẻ”, các DN dệt may từ trước đến nay mặc nhiên coi phần phế liệu 3-5% đó hoàn toàn thuộc quyền sở hữu của mình. Bà Trần Thị Sinh Duyên – Chủ tịch Chi hội Dệt may Đông Bắc – cho biết: “Từ khi bắt đầu có phương thức gia công cho nước ngoài (năm 1955 đến nay), DN dệt may chúng tôi luôn tin tưởng rằng chúng tôi hoàn toàn có quyền được thụ hưởng phần “giẻ” phế liệu. Trên thực tế thì từ trước tới nay, nhà nước vẫn cho ngành dệt may được “ăn giẻ” mà không có bất cứ động thái nào ngăn chặn hay phê phán”. Vốn quan niệm như vậy, nhiều năm qua, các DN mặc sức định đoạt số phế liệu đó mà không bị ai quản lý. Sự mặc nhiên trong quan niệm đó đã khiến nhiều DN “mải mê” với phế liệu, bởi DN tự khai báo số lượng nguyên liệu nhập khẩu và định mức tiêu hao. Chính vì vậy, nhiều DN đã không ngần ngại đầu tư dây chuyền, thiết bị hiện đại cùng đội ngũ công nhân có tay nghề cao để tận dụng tối đa, nhằm “nâng cao giá trị của phế liệu, góp phần vào việc nâng cao đời sống của người lao động, thêm chút tiền bồi dưỡng sức khoẻ…” – như lời bà Duyên nói. Chỉ đến khi cơ quan hải quan tiến hành kiểm tra sau thông quan và đưa ra nhận định đây là hành vi gian lận thương mại và tiến hành truy thu thuế thì nhiều DN mới “bị sốc” bởi số tiền truy thu quá lớn và cho rằng đó là những bất hợp lý. Các DN đều khẳng định, nếu không coi sự tồn tại của 3% đầu tấm, đầu mảnh là phế liệu, khách hàng nước ngoài sẽ là người hưởng lợi trên sự sáng tạo và công sức của người Việt Nam. Điều đó không phù hợp với tập quán của ngành dệt may.

Mặt khác, đầu tấm, đầu mảnh là tập hợp của rất nhiều chủng loại khác nhau trong những thời điểm khác nhau, khó có thể xác định được là đâu là phế liệu của loại nguyên liệu nào khi nhập khẩu gốc. Do đó, áp giá cho phế liệu trong trường hợp không kết nối được mối liên hệ giữa gốc nguyên liệu nhập khẩu và phế liệu tồn là thiếu cơ sở pháp lý. Bên cạnh đó, từ nguyên liệu chuyển sang phế liệu thì giá trị của nó đã giảm đi rất nhiều, các DN tiêu thụ đầu tấm, đầu mảnh là tiêu thụ với giá của phế liệu. Nếu áp thuế nhập khẩu vào phế liệu đó thì thuế sẽ cao hơn giá bán, như vậy DN thà đem hủy còn hơn. Nhưng nếu huỷ, lại phát sinh sự lãng phí lớn. Bà Duyên cho biết thêm, khi 3-5% phế liệu đó được tái sản xuất, DN đã phải chịu 10% thuế VAT. Khi sản phẩm bán ra thị trường nếu có lãi, DN lại phải đóng góp thêm 28% thuế thu nhập DN.

Như vậy, nếu cơ quan hải quan truy thu lần nữa sẽ làm khó cho DN bởi Quyết định 55/QĐ-TTg về “Hỗ trợ ngành dệt may” của Chính phủ đã bị bãi bỏ thì các DN coi việc được hưởng phần phế liệu là một phần thưởng họ được hưởng. Theo quy định về thủ tục hải quan đối với hàng hóa gia công với thương nhân nước ngoài (ban hành kèm theo Quyết định số 69/2004/QĐ-BTC ngày 24.8.2004 của Bộ Tài chính) nêu rõ: “Đối với những hợp đồng gia công có nguyên liệu dư thừa, phế liệu, phế phẩm, máy móc, thiết bị mượn, thủ tục hải quan thực hiện theo một trong 5 phương thức: Xuất nhập khẩu tại chỗ; tái xuất ra nước ngoài; chuyển sang hợp đồng gia công khác; biếu tặng; tiêu hủy. Khi thực hiện những phương thức đó, DN phải xin phép Bộ Thương mại, khai báo với hải quan, nộp thuế theo quy định. Sau khi DN đã hoàn thành các bước trên thì hải quan tiến hành xác nhận hoàn thành thủ tục thanh khoản. Xác nhận ghi rõ, nguyên liệu thừa đã chuyển sang hợp đồng gia công nào, đã tái xuất hay đã tiêu thụ nội địa, huỷ, biếu, tặng theo tờ khai nào…”. Thế nhưng, một thực tế từ trước đến nay, các DN dệt may, sau khi gia công cho đối tác, phần phế liệu đều tự ý sử dụng mà không hề khai báo với cơ quan hải quan – ông Phạm Thế Luân, Chi cục trưởng Chi cục Kiểm tra sau thông quan, Cục Hải quan Hải Phòng – khẳng định như vậy.

Theo kết quả kiểm tra của cơ quan hải quan, nhiều DN dệt may đã lợi dụng chính sách này, “núp bóng” dưới danh nghĩa phế liệu để trốn thuế. Nhiều DN có biểu hiện khai tăng định mức gia công, số nguyên liệu nhập thừa đem bán mà không nộp thuế nhập khẩu cho Nhà nước. Thực tế là Hải quan Hải Phòng đã kiểm tra 6 DN dệt may ở các địa phương: Hải Phòng, Hưng Yên, Thái Bình… thì cả 6 DN đều sai phạm với số thuế truy thu lên tới hàng tỷ đồng/đơn vị. Như Công ty Cổ phần may Hưng Yên, khi cơ quan hải quan tiến hành kiểm tra 63 hồ sơ thanh khoản hợp đồng, phát hiện 19 hồ sơ thể hiện công ty tự cung ứng vải chính và vải lót sản xuất quần áo bảo hộ lao động cho công nhân. Không cung ứng nguyên liệu sản xuất gia công xuất khẩu nhưng DN này đã đưa khống 289.627,95m2 vải để hợp lý hóa phần định mức đã khai cao hơn thực tế đối với các mã hàng trong số 19 hợp đồng nêu trên. Tương tự, Công ty Cổ phần may và dịch vụ Hưng Long, số thuế phải truy thu tới gần 1,5 tỷ đồng… Đặc biệt, có những DN sau khi ký hợp đồng gia công với đối tác nước ngoài đã bán ngay nguyên liệu cho đối tác khác trong nước mà không có bất kỳ hoạt động gia công nào.

Bởi vậy, một DN Dệt may tại tỉnh Hưng Yên, qua kiểm tra, cơ quan hải quan đã phát hiện nguồn thu từ phế liệu lên đến 15 tỷ đồng chỉ trong vòng vài năm đơn vị này thực hiện gia công cho đối tác nước ngoài (?). Ông Luân cho biết: “Chúng tôi có đủ căn cứ pháp lý để chứng minh được là các DN có vi phạm, cũng như có đầy đủ cơ sở pháp lý để kiến nghị các cấp có thẩm quyền ra quyết định xử lý, buộc truy thu thuế với doanh nghiệp”. Không sai, nếu cơ quan hải quan cứ gióng luật mà làm và như vậy, sẽ có không ít DN phải phá sản. Thế nhưng để dẫn đến cái sai hôm nay của các DN thì ở đó đã có sự ”lãng quên” trách nhiệm của cơ quan hải quan trong thời gian khá dài (!).

Sự sai phạm kéo dài đến mức ”ăn sâu vào tiềm thức” như vậy cũng xuất phát từ việc cơ quan chức năng biết mà không làm. Lý giải cho sự “lãng quên” đó, ông Luân cho rằng: “Hiện nay hải quan mới kiểm tra bởi trước đây… không đủ người. Hơn nữa, Luật Hải quan cho phép hải quan tiến hành kiểm tra hàng hóa sau thông quan trong thời hạn 5 năm sau khi nhập khẩu hàng hóa, DN phải có trách nhiệm lưu giữ giấy tờ, hồ sơ, làm thủ tục đầy đủ”. Cho đến thời điểm hiện tại, cơ quan hải quan vẫn đang lúng túng cho một giải pháp để xử lý việc này. Nếu truy thu theo luật, sẽ có cả trăm doanh nghiệp có thể phá sản và khoảng 5 vạn lao động mất việc làm. Nếu xử lý kiểu “giơ cao đánh khẽ” sẽ gây thất thu cho ngân sách Nhà nước và tạo tiền đề cho những sai phạm khác. Vấn đề giờ đã không còn là xử lý sai phạm mà là khắc phục hậu quả, bởi sự buông lỏng quản lý “1 ly”, sai phạm đã đi “1 dặm”.

Ông Luân cho biết sẽ đề xuất lên Tổng cục Hải quan, Bộ Tài chính đề nghị Chính phủ xem xét, có cơ chế, chính sách cụ thể, rõ ràng và hợp lý để giải quyết vấn đề bức xúc này.

Nguồn: Báo Thương mại