Truy thu thuế nhập khẩu phế liệu ngành dệt may – Bên “tình” bên “lý”, bên nào nặng hơn?
Người Việt Nam đang lo ngại sâu sắc về USD trong bối cảnh hệ thống tài chính của nước Mỹ tiếp tục ngập sâu trong rắc rối.

Bức xúc lớn từ tỷ lệ nhỏ
Trong gia công ngành DM, có những phần thừa phát sinh của cuộn vải trở thành phế liệu, gọi là đầu tấm, đầu mảnh, tỷ lệ khoảng 3-5%. Ngoài định mức kê khai phần nguyên liệu, DN cần phải tăng thêm 3% để bù cho phế liệu đầu tấm, đầu mảnh, việc này được coi là hợp pháp và chính đáng. Theo lý sự “thợ may ăn giẻ”, họ mặc nhiên coi tỷ lệ phế liệu 3% là phần “giẻ” và được sử dụng. Nhưng thông thường các DN khi gia công đều cố gắng tiết kiệm vải ở mức cao nhất, đầu tư mua máy móc thiết kế mẫu, lắp ghép các chi tiết sao cho hợp lý. Vì vậy, nhiều khi tỷ lệ “3% giẻ” có khi là cả những súc vải nguyên vẹn. Số phế liệu đó được bán ra, tạo nguồn quỹ tăng thu nhập cho người lao động, sản xuất sản phẩm tiêu thụ nội địa hoặc làm từ thiện. Khi bán sản phẩm, DN có nộp thuế VAT, bán có lãi thì nộp thuế thu  nhập…
 Mọi việc không còn đơn giản như vậy, kể từ khi hải quan tiến hành kiểm tra sau thông quan tại một loạt DN và kết luận các DN đã có hành vi gian lận thương mại, buộc họ phải nộp thuế nhập khẩu đối với số nguyên liệu – phế liệu đó. Theo lý lẽ của hải quan, DN được phép tự kê khai định mức gia công, như vậy, số sản phẩm và vải bán ra thị trường nội địa nằm ngoài định mức hao phí đã kê khai. Ðây thật sự là cú sốc lớn với hầu hết các DN, bởi nếu bị truy thu số thuế này, nhiều DN sẽ bị phá sản.
Bà Trần Sinh Duyên, Giám đốc Công ty cổ phần May Hai (Hải Phòng), Chủ tịch Chi hội DM đông bắc là người đại diện cho gần 100 DN thuộc chi hội có văn bản gửi Thủ tướng và các bộ, ngành về vấn đề trên, lập luận: Nếu cho rằng sự tồn tại của phế liệu là do khai báo định mức không chuẩn với phía đối tác nước ngoài, sẽ dẫn đến việc khi xây dựng định mức, DN sẽ không tính tỷ lệ 3% phế liệu nữa. Phía nước ngoài sẽ được hưởng lợi trên sự sáng tạo của công nhân Việt Nam, điều đó không phù hợp tập quán ngành DM. Mặt khác, phế liệu gồm rất nhiều chủng loại, tồn tại trong thời gian dài, rất khó xác định được đâu là phế liệu của nguyên liệu nào khi nhập khẩu gốc, áp giá cho phế liệu loại này là thiếu cơ sở pháp lý. Thêm nữa, khi thành phế liệu, giá trị giảm đi rất nhiều, DN tiêu thụ với giá thấp, nếu áp thuế nhập khẩu vào phế liệu thì thuế sẽ cao hơn giá bán, chỉ còn cách hủy phế liệu. Trong điều kiện đất nước còn nghèo, đây là sự lãng phí lớn. Nhiều DN chưa biết cách giải quyết rõ ràng đối với số phế liệu này, có được phép để lại không, hay phải xuất trả nước ngoài? Ngành hải quan có quản lý phế liệu này không? Doanh nghiệp muốn sử dụng phải làm cách nào? Có tính thuế nhập khẩu hay không? Cơ sở nào để  xác định giá tính thuế? Nếu muốn hủy thì phải làm thế nào?
Cần cách giải quyết thấu tình, đạt lý
 Tuy nhiên, phía hải quan khẳng định chắc như đinh đóng cột: Thời gian qua, nhiều DN có biểu hiện khai tăng định mức gia công, đem bán nguyên liệu thừa, không nộp thuế nhập khẩu cho Nhà nước. Hải quan Hải Phòng tiến hành kiểm tra bước đầu tại sáu DN phía bắc, cả sáu đều vi phạm, số thuế phải truy thu của mỗi DN theo tính toán lên tới hàng tỷ đồng. Trong đó, có thể điểm mặt một vài “anh tài” như Công ty cổ phần May Hưng Yên, Công ty cổ phần May và Dịch vụ Hưng Long (Hưng Yên), Công ty cổ phần May Bắc Giang (Bắc Giang), Công ty May Lanlan (Thái Bình)… Theo kết luận kiểm tra sau thông quan đối với Công ty cổ phần May Hưng Yên, tiến hành kiểm tra 63 hồ sơ thanh khoản hợp đồng, phát hiện 19 hợp đồng trong biểu mẫu thanh khoản, thể hiện công ty tự cung ứng một phần (gần 300 nghìn m2 vải) đối với vải chính và vải lót. Nhưng, kiểm tra hồ sơ hoàn thuế VAT từ năm 2003 đến 2006, lại thể hiện công ty chỉ mua vải trong nước để sản xuất quần áo bảo hộ lao động cho công nhân, không cung ứng sản xuất gia công xuất khẩu. Số lượng gần 300 nghìn m2 vải trên là công ty đưa khống vào để hợp lý hóa phần định mức đã khai cao hơn thực tế đối với các mã hàng trong số 19 hợp đồng nêu trên. Hải quan kết luận, công ty đã bán nguyên liệu nhập khẩu ra thị trường nhưng không khai báo, kê khai nộp thuế với hải quan. Lãnh đạo công ty phải công nhận những vi phạm này, đề nghị được nộp bổ sung thuế nhập khẩu còn thiếu đối với nguyên liệu, phế liệu đã tiêu thụ nội địa. Tại Công ty cổ phần May và dịch vụ Hưng Long, DN cũng mắc sai phạm tương tự, số thuế phải truy thu tới gần 1,5 tỷ đồng…
Như trên đã nói, DN được phép tự khai báo số lượng nguyên liệu nhập khẩu, tương ứng theo sản phẩm, khi gia công xong, thanh khoản hợp đồng, xuất hàng cho đối tác và khai báo với hải quan lượng phế liệu. Nhưng trên thực tế, nhiều DN đã bán phắt nguyên liệu ngay khi nhập khẩu về, chưa gia công chút nào và không DN nào chịu khai báo về số lượng “phế liệu” đó. Theo lý lẽ này, đương nhiên không thể coi là phế liệu khi chưa sản xuất xong sản phẩm, mà phải coi là nguyên liệu nhập khẩu, buộc DN phải nộp thuế. Việc không khai báo chính là hành vi gian lận thương mại, thậm chí có DN “tiết kiệm” từ phế liệu gấp đôi cả doanh thu – là sự vô lý khó có thể chấp nhận. Mọi băn khoăn của các DN nêu tại văn bản trên thực ra đã được quy định rõ tại các văn bản quy phạm pháp luật, việc không biết là lỗi của DN không nắm vững luật mà thôi.
Ông Phạm Thế Luân, Trưởng chi cục Kiểm tra sau thông quan (Cục Hải quan Hải Phòng) viện dẫn: Tại Ðiều 13, Nghị định 57/CP ngày 31-7-1998 của Chính phủ quy định “Ðịnh mức sử dụng, tiêu hao và tỷ lệ hao hụt nguyên liệu, phụ liệu, vật tư do các bên thỏa thuận trong hợp đồng gia công, giám đốc DN nhận gia công chịu trách nhiệm về việc sử dụng nguyên liệu phụ liệu, vật tư nhập khẩu vào đúng mục đích gia công, trường hợp vi phạm sẽ bị xử lý theo pháp luật”. Khi thanh khoản hợp đồng hàng hóa gia công, xử lý phế liệu thì thủ tục hải quan thực hiện theo một trong các phương thức: xuất, nhập khẩu tại chỗ nếu bên thuê gia công bán lại phế liệu cho DN, còn DN nhập khẩu tại chỗ phải nộp thuế như đối với hàng nhập khẩu từ nước ngoài; tái xuất ra nước ngoài; biếu tặng hoặc hủy. Khi thực hiện một trong các cách này, DN đều phải xin phép ngành chức năng, khai báo với hải quan, đối với hàng biếu tặng phải nộp thuế theo quy định… Ðầy đủ như vậy, hải quan mới xác nhận DN hoàn thành thủ tục thanh khoản. Ðiều này không mới và đã có quy định rõ, chỉ có điều DN chưa thực hiện đúng mà thôi.
Như vậy, căn cứ theo các đơn hàng, hóa đơn xuất nhập khẩu và khai báo của chính các DN, có thể khẳng định DN đã không chấp hành đúng quy định pháp luật. Về lý, không chấp hành quy định pháp luật cần phải xử lý nghiêm, nhưng về tình, việc truy thu số thuế khổng lồ này đồng nghĩa với việc tuyên “bản án tử hình” đối với hầu hết các DN ngành DM, tuy đóng góp cho đất nước giá trị xuất khẩu lớn, nhưng lại rất khó khăn.
Một câu hỏi được đặt ra là tại sao trong nhiều năm, vấn đề này không được nêu ra để bây giờ, các DN đã quen nếp cũ, uốn nắn lại không phải dễ dàng, ông Luân cho biết, Chi cục kiểm tra sau thông quan mới được thành lập, chưa kịp kiện toàn, củng cố lực lượng, mặt khác Luật Hải quan cho phép tiến hành kiểm tra hàng hóa sau thông quan trong thời hạn năm năm sau khi nhập khẩu hàng hóa, DN phải có trách nhiệm lưu trữ giấy tờ, hồ sơ, làm thủ tục đầy đủ.
Chúng tôi cho rằng, một thời gian dài buông lỏng quản lý của ngành chức năng đã khiến các chủ DN coi việc hưởng tỷ lệ 3% phế liệu như chuyện đương nhiên và không ý thức được vi phạm. Nếu xử lý mạnh tay trong thời điểm này, sẽ đẩy DN vào thế cùng quẫn, một loạt DN bị phá sản là nguy cơ nhãn tiền, phạm vi ảnh hưởng không chỉ dừng lại ở một DN hay một địa phương, mà chắc chắn sẽ tác động mạnh tới cả ngành DM và đời sống xã hội, với hơn hai triệu lao động làm nghề. Tuy không thể hiện trên hồ sơ, sổ sách, cũng dễ dàng thấy một phần lớn lượng “giẻ” không thuộc về hơn hai triệu lao động này, nhưng hậu quả thì họ buộc phải gánh chịu. Ngay cả phía hải quan cũng nhận định, tuy có đủ căn cứ pháp lý chứng minh các DN vi phạm, nhưng nếu buộc DN phải nộp thuế theo tính toán, sẽ là việc làm  thiếu tình người.
Tỷ lệ 3% tưởng như rất nhỏ, nhưng thực tế đã vượt quá khả năng giải quyết của ngành hải quan, đòi hỏi ở tầm cao hơn xem xét, cân nhắc, có cơ chế hợp lý để giải quyết vấn đề bức xúc này. Thay đổi phương thức quản lý, đưa hoạt động sản xuất, kinh doanh theo đúng quy định của pháp luật là biện pháp hữu hiệu để chuyên nghiệp hóa, hiện đại hóa trong quá trình hội nhập. Muốn uốn nắn phải đòi hỏi một quá trình, thời gian và cơ chế, chính sách cũng phải hoàn thiện rõ ràng hơn, không thể theo ý chủ quan của cá nhân nào.

Nguồn: Báo Nhân dân