TTCK – những tín hiệu tích cực từ nội tại
Người Việt Nam đang lo ngại sâu sắc về USD trong bối cảnh hệ thống tài chính của nước Mỹ tiếp tục ngập sâu trong rắc rối.

Kinh tế thế giới bắt đầu quá trình hồi phục

Để trả lời câu hỏi trên, xin nêu 5 dấu hiệu cho thấy kinh tế thế giới đã bắt đầu quá trình hồi phục, đặc biệt là nền kinh tế quan trọng nhất, đầu tàu của nền kinh tế thế giới: kinh tế Mỹ.

Thứ nhất, kinh tế Mỹ có dấu hiệu hồi phục khi hàng loạt chỉ báo của nền kinh tế trong tháng qua cho thấy những dấu hiệu tích cực như chỉ số về niềm tin tiêu dùng, chỉ số sản xuất công nghiệp, chỉ số bán lẻ… đều tăng so với kỳ trước, trong khi đó tỷ lệ lạm phát, thất nghiệp được duy trì và chỉ tăng nhẹ.

Thứ hai, giá dầu sau khi tăng mạnh lên trên mức 140 USD/thùng sau giai đoạn ổn định ở mức 120 – 130 USD/thùng từ tháng 3/2008, đã sụt giảm chỉ còn trên dưới 110 USD/thùng, làm giảm đáng kể quan ngại của thế giới về sự tăng chi phí đầu vào và lạm phát trên toàn thế giới.

Thứ ba, giá kim loại quý, đặc biệt là vàng đã có mức sụt giảm đáng kể, từ mức đỉnh hơn 1.030 USD/ounce đến nay chỉ còn trên dưới 800 USD/ounce. Điều này cho thấy, nền kinh tế Mỹ nói riêng, thế giới nói chung đã có sự tiến triển nhất định, rời xa vùng suy thoái và vàng không còn đóng vai trò là phương tiện cất giữ giá trị duy nhất như trong thời kỳ khủng hoảng nữa, mà đã được chuyển hóa ngược lại thành dòng vốn tiếp sức cho việc đầu tư và tăng trưởng trở lại của nền kinh tế.

Thứ tư, giá lương thực sau thời kỳ sốt nóng, điển hình là giá gạo tăng lên trên 1.200 USD/tấn, nay đã giảm xuống mức 700 USD/tấn và có xu hướng tiếp tục giảm vào cuối năm cho thấy, những dấu hiệu của suy thoái, khủng hoảng kinh tế đang dần được loại bỏ.

Thứ năm, các quỹ đầu tư, đầu cơ… đang quay trở lại với TTCK. Điều này cho thấy dấu hiệu phục hồi tốt của nền kinh tế. Nếu trong điều kiện kinh tế khó khăn, nguy cơ khủng hoảng cận kề, xu hướng của các quỹ này là sẽ dùng nguồn vốn của mình trú chân tại các mỏ tài sản chắc chắn như dầu, vàng, bạc, platinum…, thậm chí cả lương thực, thì nay, dưới điều kiện vĩ mô được cải thiện, các nền kinh tế phục hồi, họ lại có xu hướng rút vốn khỏi những tài sản mang nặng tính đầu cơ như dầu, vàng… và đổ vốn ngược lại thị trường tài chính, TTCK. Qua đó, gián tiếp bổ sung vốn cho các lực lượng kinh tế của nền kinh tế quốc dân, giúp quá trình hồi phục được nhanh hơn, mạnh hơn.

Kinh tế Việt Nam – bĩ cực sắp qua và thái lai sắp tới

Thời gian qua, nền kinh tế Việt Nam cùng chịu ảnh hưởng từ những khó khăn của nền kinh tế thế giới và phải đối mặt với rất nhiều vấn đề như lạm phát, nhập siêu, hiệu quả đầu tư suy giảm… Đứng trước tình hình đó, những chính sách nhanh, mạnh và quyết đoán của Chính phủ trong việc kiểm soát lạm phát, hạ thấp tăng trưởng mục tiêu, tăng cường hiệu quả đầu tư công, kiểm soát tỷ giá trên cơ sở đáp ứng nhu cầu nhập khẩu của nền kinh tế, tăng mạnh lãi suất cơ bản lên mức 14% từ mức 8,75%… đã có tác dụng tích cực đến nền kinh tế. Hiện nay, có 5 dấu hiệu cho thấy nền kinh tế Việt Nam đang trong quá trình hồi phục và tăng trưởng trở lại, đó là:

Thứ nhất, hệ thống ngân hàng, tín dụng ổn định. Ngân hàng Nhà nước bảo đảm tính thanh khoản cho các ngân hàng thương mại như một cam kết chắc chắn rằng, sẽ không thể có sự đổ vỡ từ hệ thống tín dụng. Hơn nữa, sau 6 tháng hoạt động trong điều kiện khó khăn, đại đa số các ngân hàng đều hoạt động tốt, tăng trưởng so với các năm trước.

Thứ hai, lãi suất có thể sẽ giảm. Lãi suất ngân hàng được hiểu là chi phí vốn vay của DN, lãi suất càng cao thì việc huy động vốn và tiếp cận nguồn vốn càng khó, ảnh hưởng trực tiếp đến hiệu quả hoạt động của DN và các dự án đã đang và dự kiến sẽ được triển khai.

Trong 3 đợt đấu thầu trái phiếu chính phủ tại HASTC gần đây, mặc dù có 2 đợt thất bại (ngày 16 và 31/7/2008) khi các trái phiếu kỳ hạn 5 – 10 năm đều không có ai trúng thầu, nhưng đợt đấu thầu trái phiếu kỳ hạn 2 năm và 5 năm mới đây, kết quả có khả quan hơn khi 500 tỷ đồng trái phiếu kỳ hạn 2 năm đã được bán hết với mức lãi suất trúng thầu là 17,5%. Đây là dấu hiệu cho thấy lãi suất cơ bản, lãi suất huy động và cho vay của khối ngân hàng có thể sẽ được điều chỉnh giảm (hiện nay, lãi suất huy động lên tới gần 20%). Một dấu hiệu tích cực khác là lãi suất qua đêm cũng đã giảm xuống mức 12-15%/năm so với mức đỉnh từ 24-40% trước đó. Các ngân hàng thương mại quốc doanh cũng như cổ phần đang đồng loạt giảm lãi suất cho vay với mức giảm từ 0,5% đến 2%.

Thứ ba, tỷ giá USD/VND được giữ ở mức ổn định. Sau thời kỳ sốt nóng (giá 1 USD trên thị trường tự do từng trên 19.000 đồng) do quan ngại về thiếu dự trữ USD cho nền kinh tế, hiện nay, tỷ giá USD/VND đã ổn định trở lại và giao dịch quanh tỷ giá chính thức công bố của các ngân hàng (ngày 13/8 là 16.653 USD/VND). Thị trường cũng đang tiếp nhận thông tin về việc bán hàng trăm triệu USD của các tổ chức, quỹ đầu tư nước ngoài, đây là dấu hiệu cho thấy, thời kỳ đầu tư vào nền kinh tế, lĩnh vực, ngành nghề kinh tế và DN Việt Nam đã bắt đầu…

Thứ tư, giá cả tiêu dùng, giá sắt, thép, xi măng, vật liệu xây dựng giảm mạnh. Trong 2 tháng qua, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) đã giảm ở mức đáng kể. Tháng 6, chỉ số CPI tăng ở mức 2,14% so với mức 3,91% của tháng 5; sang tháng 7, chỉ số này tăng ở mức 1,13% (chưa kể tăng giá xăng dầu) cho thấy kết quả khả quan của việc kiềm chế lạm phát của Việt Nam.

Thứ năm, tăng trưởng kinh tế đang có dấu hiệu được cải thiện. Từ những dấu hiệu trên có thể thấy, các biện pháp kiềm chế lạm phát, ổn định nền kinh tế vĩ mô của Chính phủ đã phát huy tác dụng. Mặc dù mục tiêu tăng trưởng 7% GDP trong năm nay khó đạt được, nhưng cũng có thể thấy sự khởi sắc của nền kinh tế trong những tháng cuối năm thông qua những dấu hiệu tương đối rõ ràng.

Thị trường tài chính – TTCK đã ổn định trở lại

Sau những nguy cơ về mất thanh khoản của hệ thống ngân hàng, ngân hàng khó khăn trong việc huy động vốn, DN khó khăn trong việc tiếp cận nguồn vốn thì đến nay có thể thấy những quan ngại trên dần dần được xóa bỏ. TTCK Việt Nam sau khi giảm mạnh, VN-Index từ mức gần 1.000 điểm vào đầu năm nay xuống dưới 350 điểm vào tháng 6 vừa qua, nay cũng đã phục hồi trở lại với những cổ phiếu chủ đạo tăng giá mạnh.

Khối ngân hàng và chứng khoán là hai khối bị ảnh hưởng mạnh mẽ nhất trong đợt sụt giảm vừa qua của thị trường tài chính, nay đang có dấu hiệu khởi sắc trở lại. Tính thanh khoản của nhiều ngân hàng được nâng cao, nguồn vốn cũng dồi dào hơn trước, nền kinh tế ổn định hơn, có thể giúp các ngân hàng vững tâm hơn trong việc tiếp tục giải ngân trong thời gian tới.

Dấu hiệu tích cực cho TTCK là nhiều công ty chứng khoán, ngân hàng đang khởi động tái cho vay đầu tư chứng khoán thông qua hình thức cầm cố, repo cổ phiếu. Điều này cho thấy, dấu hiệu của sự ổn định, tăng trưởng trở lại của nền kinh tế nói chung, DN nói riêng, thông qua đó cũng chứng tỏ rằng, TTCK đang hồi sinh và có thể bắt đầu giai đoạn mới, giai đoạn tăng trưởng và ổn định hơn.

Một tín hiệu tích cực nữa là tính thanh khoản của TTCK đang được nâng lên rõ rệt. Khi VN-Index giảm từ mức trên 800 điểm xuống 400 điểm, thị trường gần như mất thanh khoản khi tổng giá trị giao dịch trên hai sàn chỉ vào khoảng 100 – 200 tỷ đồng/phiên. Tuy nhiên, cùng với sự phục hồi của nền kinh tế, TTCK đang tăng điểm trở lại và tính thanh khoản được nâng lên rõ rệt khi mỗi phiên giao dịch có hàng chục triệu chứng khoán được mua bán với giá trị từ 400 – 1.000 tỷ đồng.

Về khối ngân hàng, ngày 7/8 vừa qua, Ngân hàng Nhà nước chính thức cho phép NHTM mua lại cổ phiếu của chính mình làm cổ phiếu quỹ. Đây là quy định mở tạo điều kiện cho các ngân hàng chủ động bình ổn giá cổ phiếu, đồng thời cũng là dấu hiệu cho thấy, niềm tin vào sự phục hồi của thị trường tài chính, TTCK của cơ quan quản lý là khá rõ ràng.

Tóm lại, dấu hiệu phục hồi của nền kinh tế thế giới nói chung, nền kinh tế Việt Nam nói riêng là căn cứ để chúng ta kỳ vọng cho sự ổn định và tăng trưởng của TTCK. Trong quý III năm nay, khả năng VN-Index đạt ngưỡng 500 – 550 điểm là hoàn toàn có cơ sở.

Nguồn: Báo Đầu tư Chứng khoán điện tử