Từ 15/3, nhiều quy định mới trong vay nợ có hiệu lực
Người Việt Nam đang lo ngại sâu sắc về USD trong bối cảnh hệ thống tài chính của nước Mỹ tiếp tục ngập sâu trong rắc rối.

Kể từ ngày 15/3 tới đây, một khách hàng không được vay tại một công ty tài chính tiêu dùng quá 100 triệu đồng (tổng dư nợ). Đồng thời, sự lòng vòng của “đảo nợ” cũng chính thức bị… cấm.

Công ty tài chính không được cho vay quá 100 triệu đồng/khách

Đây là điểm đáng chú ý trong Thông tư số 43/2016/TT-NHNN quy định cho vay tiêu dùng của công ty tài chính tiêu dùng được Thống đốc Ngân hàng Nhà nước ký ban hành ngày 30-12-2016 và có hiệu lực từ ngày 15/3/2017.

Theo đó, một khách hàng không được vay tại một công ty tài chính tiêu dùng vượt quá 100 triệu đồng (tổng dư nợ). Nhu cầu vay vốn này có thể để mua, sử dụng hàng hóa, dịch vụ, bao gồm mua phương tiện đi lại, đồ dùng, trang thiết bị gia đình, chi phí học tập, chữa bệnh, du lịch, văn hóa, thể dục thể thao, sửa chữa nhà ở. Song mức tổng dư nợ này không áp dụng đối với hình thức cho vay tiêu dùng để mua ô tô và sử dụng ô tô đó làm tài sản bảo đảm cho chính khoản vay đó.

Để “sòng phẳng” hơn với khách hàng, cơ quan quản lý yêu cầu các công ty tài chính phải ban hành quy định về mức lãi suất cho vay cao nhất, mức lãi suất cho vay thấp nhất đối với từng sản phẩm cho vay tiêu dùng để áp dụng thống nhất và phải gửi cho Ngân hàng Nhà nước để giám sát.

Thông tư cũng quy định công ty tài chính được mở điểm giới thiệu dịch vụ tại nơi cung ứng hàng hóa dịch vụ tiêu dùng để giới thiệu các sản phẩm cho vay tiêu dùng, thu thập thông tin về nhu cầu vay vốn của khách hàng. Công ty tài chính không được thực hiện hoạt động khác tại điểm giới thiệu dịch vụ của mình.

Các công ty tài chính phải ban hành quy định nội bộ về cho vay tiêu dùng để hướng dẫn việc thu thập, cập nhật, kiểm tra số liệu, quản lý thông tin khách hàng, nhận dạng thông tin sai lệch và ngăn ngừa gian lận, đồng thời kiểm soát khoản vay và thu hồi nợ vay, các biện pháp luôn đốc thu hồi nợ, các quy tắc chuẩn mực ứng xử trong cho vay tiêu dùng và các biện pháp để bảo đảm việc tuân thủ.

Thông tư cũng quy định chi tiết về hợp đồng cho vay tiêu dùng phải bao gồm các nội dung: thông báo cho khách hàng về lịch trả nợ gốc, lãi tiền vay khi có điều chỉnh, các biện pháp để đôn đốc thu hồi nợ phù hợp với pháp luật, chế tài áp dụng và biện pháp xử lý trong trường hợp khách hàng không trả nợ đúng hạn…

Các công ty tài chính phải cung cấp cho khách hàng dự thảo hợp đồng cho vay để khách hàng xem xét quyết định trước khi ký kết, phải giải thích chính xác đầy đủ trung thực các nội dung cụ thể hợp đồng khi có yêu cầu của khách hàng, phải công khai niêm yết hợp đồng theo mẫu, điều kiện giao dịch chung về cho vay tiêu dùng tại trụ sở và đăng tải trên trang thông tin điện tử của công ty.

Cấm cho vay đảo nợ

Đây là một trong những nội dung trong Thông tư số 39/2016/TT-NHNN quy định về hoạt động cho vay của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài đối với khách hàng (Thông tư 39) có hiệu lực từ ngày 15/03/2017.

Theo quy định tại BLDS 2015, chủ thể tham gia quan hệ dân sự chỉ bao gồm pháp nhân, cá nhân). Để thực hiện quy định mới này của Bộ luật dân sự, Thông tư 39 (khoản 3 Điều 2) quy định khách hàng vay vốn tại tổ chức tín dụng (TCTD) là pháp nhân, cá nhân.

Trường hợp vay phục vụ hoạt động kinh doanh, hoạt động khác, khách hàng vay là cá nhân có thể vay để đáp ứng nhu cầu vốn của chính cá nhân đó và nhu cầu vốn của hộ kinh doanh, doanh nghiệp tư nhân mà cá nhân đó là chủ hộ kinh doanh, chủ doanh nghiệp tư nhân.

Tuy vậy, trên cơ sở quy định tại Điều 466, 468 BLDS 2015 và quy định tại Điều 91 Luật các TCTD 2010, Thông tư 39 quy định cụ thể về lãi suất cho vay như sau:

Tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài (TCTD) và khách hàng thỏa thuận về lãi suất cho vay theo cung cầu vốn thị trường, nhu cầu vay vốn và mức độ tín nhiệm của khách hàng, trừ trường hợp cho vay ngắn hạn bằng đồng Việt Nam thì lãi suất thỏa thuận không vượt quá mức lãi suất cho vay tối đa do Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam quyết định trong từng thời kỳ nhằm đáp ứng một số nhu cầu vốn.

Như vậy, quy định về trần lãi suất chỉ áp dụng đối với trường hợp cho vay ngắn hạn bằng đồng Việt Nam thuộc các lĩnh vực ưu tiên quy định tại Thông tư 39.

Thông tư 39 đã bỏ quy định về đảo nợ tại Quy chế cho vay 1627 và quy định cụ thể một số nhu cầu vốn không được cho vay nhằm kiểm soát chặt chẽ chất lượng tín dụng, nhưng vẫn đảm bảo phù hợp với nhu cầu thực tế như:

Cho vay để trả nợ khoản nợ vay tại chính tổ chức tín dụng cho vay, trừ trường hợp cho vay để thanh toán lãi tiền vay phát sinh trong quá trình thi công xây dựng công trình, mà chi phí lãi tiền vay được tính trong dự toán xây dựng công trình được cấp có thẩm quyền phê duyệt theo quy định của pháp luật;

Cho vay để trả nợ khoản nợ vay tại tổ chức tín dụng khác và trả nợ khoản vay nước ngoài, trừ trường hợp cho vay để trả nợ trước hạn khoản vay đáp ứng đầy đủ các điều kiện sau đây: Là khoản vay phục vụ hoạt động kinh doanh; Thời hạn cho vay không vượt quá thời hạn cho vay còn lại của khoản vay cũ; Là khoản vay chưa thực hiện cơ cấu lại thời hạn trả nợ.

Song Nhi
Nguồn: Báo Diễn đàn Doanh nghiệp