Tư duy vượt trước trong quy hoạch cảng biển
Người Việt Nam đang lo ngại sâu sắc về USD trong bối cảnh hệ thống tài chính của nước Mỹ tiếp tục ngập sâu trong rắc rối.

Nếu không có gì thay đổi, trong tuần này, Bộ GTVT sẽ trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch tổng thể Phát triển hệ thống cảng biển Việt Nam thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Với vai trò là cửa ngõ thông thương chính của đất nước, cảng biển cần đi trước một bước để thúc đẩy các ngành kinh tế biển khác phát triển. 

Đây là lần thứ 4 trong vòng gần 2 năm, Dự thảo Quyết định phê duyệt Quy hoạch tổng thể Phát triển hệ thống cảng biển Việt Nam thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050 được trình cấp có thẩm quyền phê duyệt. Điều này cho thấy sự cẩn trọng của cơ quan chủ trì soạn thảo, cũng như sức ảnh hưởng của đồ án quy hoạch dự kiến góp phần thay đổi diện mạo của ngành kinh tế biển Việt Nam trong 30 năm tới.

Với hơn 90% lượng hàng hóa xuất nhập khẩu của cả nước được thông qua hàng năm, hệ thống cảng biển Việt Nam là cửa ngõ giao thương chính của đất nước, bởi chỉ cần nhìn sự tấp nập hay đìu hiu của hệ thống này là có thể “bắt mạch” chính xác “sức khỏe” của nền kinh tế. 

Trong hơn 10 năm qua, với nền tảng là Quy hoạch tổng thể Phát triển hệ thống cảng biển Việt Nam đến năm 2020, định hướng đến năm 2030 được phê duyệt vào năm 2009, cảng biển có tốc độ phát triển nhanh nhất trong số 5 chuyên ngành GTVT (gồm đường bộ, đường sắt, hàng không, hàng hải và đường thủy nội địa).

Nhờ được mở cửa đón dòng vốn đầu tư nước ngoài từ rất sớm, nên cảng biển là lĩnh vực thu hút vốn đầu tư nước ngoài tốt nhất trong lĩnh vực hạ tầng giao thông trong 10 năm trở lại đây. Với sự xuất hiện của nhiều cảng nước sâu tại khu vực Cái Mép – Thị Vải (Bà Rịa – Vũng Tàu), Lạch Huyện (Hải Phòng), về cơ bản, hàng hóa xuất khẩu Việt Nam có thể đi thẳng tới châu Âu, Bắc Mỹ, mà không phải trung chuyển tại các cảng trong khu vực như Singapore, Hồng Kông, qua đó góp phần nâng cao sức cạnh tranh cho nền kinh tế.

Bên cạnh những điểm sáng nói trên, việc triển khai thực hiện quy hoạch cảng biển thời gian qua còn nhiều hạn chế. Rõ nhất là “hội chứng” chạy đua xây cảng nước sâu giữa các địa phương mà không dựa trên cơ sở kinh tế, kỹ thuật. Điều này dẫn tới tình trạng lãng phí không nhỏ nguồn lực. Minh chứng là, hiện chỉ có một số ít trong 286 bến cảng tại Việt Nam được đầu tư bài bản; phần còn lại mang tính chất bến nhiều hơn cảng, chưa có hạ tầng đạt chuẩn, chưa tập trung vào kho bãi, logistics, đặc biệt là không có hạ tầng kết nối, dẫn đến không khai thác được hết tiềm năng.

Trên thực tế, trong quá trình xây dựng Dự thảo Quy hoạch tổng thể Phát triển hệ thống cảng biển Việt Nam thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, cơ quan chủ trì soạn thảo đã đưa ra nhiều biện pháp khắc phục. Theo đó, lần đầu tiên, cảng biển được ưu tiên lựa chọn vị trí; các phương thức khác (đường thủy nội địa, đường bộ và đường sắt) sẽ phải ưu tiên kết nối với vai trò gom và giải tỏa hàng hóa cho cảng biển. Bên cạnh đó, để tăng tính kết nối, một loạt dự án đường bộ cao tốc, đường sắt đã được quy hoạch kết nối với các cảng biển quốc tế sẽ được ưu tiên đầu tư trong 5-10 năm tới.

Những thay đổi này chắc chắn sẽ giúp cảng biển Việt Nam phát huy tối đa những lợi thế của một quốc gia có hơn 3.000 km chiều dài bờ biển, ở vị trí trung tâm khu vực châu Á – Thái Bình Dương.

Đây là yêu cầu chính đáng mà các doanh nghiệp xuất nhập khẩu, các nhà đầu tư trong và ngoài nước đặt ra cho cơ quan quản lý, nhất là khi với vai trò là cửa ngõ thông thương chính của đất nước, cảng biển cần đi trước một bước để thúc đẩy các ngành kinh tế biển khác phát triển. 

Quy hoạch là tiền đề cho mọi sự phát triển đúng hướng, song nếu quy hoạch cảng biển chỉ đến 2030, định hướng đến 2050 thì chưa chắc đã có đủ thời gian để đem lại những thay đổi lớn lao như kỳ vọng, bởi hoạt động của một cảng biển có thể kéo dài cả trăm năm hoặc lâu hơn.

Kinh nghiệm quốc tế cho thấy, nhờ quy hoạch tốt và phát triển đúng hướng, nên Cảng Rotterdam (Hà Lan) dù hình thành từ thế kỷ XIV, nhưng hiện vẫn hoạt động nhộn nhịp, sầm uất và là cảng lớn nhất châu Âu. Một số cảng khác như London (Anh), Hamburg (Đức), Antwerp (Bỉ)… cũng có vị thế tương đồng.

Chính vì vậy, ngoài việc đặt cảng biển ở vị trí trung tâm, thì tiêu chí về mặt thời gian trong quy hoạch hệ thống cảng biển quốc gia cần được xem xét kỹ với tầm nhìn dài hơi hơn, không thể là 20 năm, mà phải từ 50 năm hoặc lâu hơn. Đây chính là điều cần được các cơ quan soạn thảo tính đến để việc đầu tư hệ thống cảng biển có tư duy vượt trước, để mở đường cho các lĩnh vực giao thông, các ngành kinh tế khác phát triển.