Tường thuật trực tuyến tọa đàm: “Triển vọng kinh tế và những vấn đề đặt ra cho doanh nghiệp Việt Nam năm 2009 – 2010”
Người Việt Nam đang lo ngại sâu sắc về USD trong bối cảnh hệ thống tài chính của nước Mỹ tiếp tục ngập sâu trong rắc rối.

Tham gia buổi tọa đàm có thuyết trình của các chuyên gia kinh tế, các doanh nghiệp, các cơ quan truyền thông và các Hiệp hội doanh nghiệp, ngành nghề như:   1. Phân tích và dự báo tình hình kinh tế trong nước 2009-2010 (TS Bùi Quang Tuấn – Phó Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam). 2. Diễn biến khủng hoảng kinh tế thế giới và những tác động của khủng hoảng kinh tế thế giới đến kinh tế Việt Nam (TS Đặng Xuân Thanh – Trưởng Phòng Chính trị thế giới, Viện Kinh tế và chính trị thế giới ). 3. Một số vấn đề của doanh nghiệp và đề xuất giải pháp cho doanh nghiệp Việt Nam (TS Phạm Thị Thu Hằng – Viện trưởng Viện Phát triển DN, Giám đốc Trung tâm phát triển DN vừa và nhỏ – VCCI). 4. Tâm lý thị trường Việt Nam trong bối cảnh suy thoái kinh tế (ông Nguyễn Tuấn – Phó phòng phân tích Công ty CP Chứng khoán Phố Wall). 5. Kịch bản tái cơ cấu kinh tế Việt Nam giai đoạn sau khủng hoảng (TS Võ Trí Thành – Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương, Bộ Kế hoạch & Đầu tư). 6.Cơ sở hạ tầng cho sự phát triển kinh tế trong giai đoạn sắp tới (Ông Phạm Quốc Tuấn – Vụ phó Vụ kết cấu hạ tầng và đô thị, Bộ Kế hoạch và Đầu Tư) 7. Các xu hướng đầu tư hậu khủng hoảng mà doanh nghiệp cần lưu ý (TS Lê Duy Hiếu). 8. Nhận diện thị trường tìa chính Việt Nam sau 6 tháng cuối năm 2009 và những vấn đề đặt ra cho giai đoạn tiếp theo mà doanh nghiệp cần lưu ý (TS Nguyễn Đại Lai) 9. Vấn đề nhân lực cho giai đoạn phát triển tiếp theo của nền kinh tế Việt Nam (Ông Nguyễn Quang Việt – Trưởng phòng Nghiên cứu khoa học dạy nghề). 10. Tiếp cận vốn ngân hàng trong điều kiện suy giảm kinh tế (Bà Cao Thúy Nga – Phó TG Đ Ngân hàng Quân đội).   Chủ trì Hội thảo có ông Phạm Gia Túc – Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký VCCI, ông Cao Văn Sâm- Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Dạy nghề, ông Bùi Quang Tuấn – Viện phó Viện kinh tế VN, ông Võ Trí Thành- Phó viện trưởng Viện nghiên cứu Quản lý kinh tế trung ương.
Ông Phạm Gia Túc – Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký VCCI phát biểu tại buổi tọa đàm 

Phát biểu khai mạc hội thảo, ông Túc cho biết, do ảnh hưởng của nền kinh tế toàn cầu đã tác động tới các nền kinh tế trong đó có nền kinh tế Việt Nam. Chính phủ các nước đã và đang đưa ra các giải pháp kích cầu nền kinh tế. Chính phủ Việt nam cũng đã nhiều chính sách kích cầu góp phần ổn định nền kinh tế, điều này được khẳng định khi có 90% doanh nghiệp đã ổn định. Đó là nhờ sự lãnh đạo của đảng và Nhà nước và đặc biệt là sự nỗ lực của các doanh nghiệp: “Thời gian qua, Phòng Thương mại và công nghiệp Việt Nam cũng đã tổ chức nhiều hội thảo với chủ đề này nhằm đưa ra được nhiều giải pháp cho các doanh nghiệp. Chúng tôi tin rằng, với buổi tọa đàm hôm nay sẽ đưa ra nhiều nhận định đánh giá nền kinh tế, từ đó đưa ra kiến nghị và giải pháp của các chuyên gia kinh tế hơn nữa cho các doanh nghiệp hoạt động thuận lợi”.

  TS. Đặng Xuân Thanh – Viện Kinh tế và Chính trị thế giới đã trình bày về khủng hoảng tài chính toàn cầu và tác động đối với kinh tế Việt Nam. Theo ông, nguyên nhân và diễn biến khủng hoảng được thể hiện như sau: Bước vào thập niên 2000, nước Mỹ gặp hai cú sốc lớn, đó là cuộc khủng hoảng “Dot.com” hay thị trường chứng khoán công nghệ cao vào năm 2000 và sự kiện tấn công khủng bố ngày 11/9/2001. Ngay lập tức, Mỹ đã phát động đồng thời cả hai động cơ kinh tế và quân sự, mở rộng ồ ạt tiền tệ và tài khoá nhằm 2 mục tiêu: Tái cấp vốn cho nền kinh tế để phục hồi tăng trưởng. Tái vũ trang cho bộ máy quân sự để thực hiện đợt mở rộng địa chiến lược mới (cuộc chiến chống khủng bố và các cuộc “cách mạng mầu”). TS. Đặng Xuân Thanh – Viện Kinh tế và Chính trị thế giới đang thuyết trình tại buổi tọa đàm   Cũng theo ông Thanh, để thoát ra khỏi một cuộc khủng hoảng như vậy cần: Kích thích kinh tế bằng mở rộng tiền tệ và tài khoá , Làm sạch hệ thống tài chính-ngân hàng khỏi các tài sản “độc hại” (toxic assets), Tiến hành các cải cách thể chế và tái cấu trúc kinh tế.  

Tác động của khủng hoảng tới kinh tế Việt Nam ông đưa ra như sau: Về ngắn và trung hạn: thứ nhất, Tăng trưởng kinh tế suy giảm. Xu hướng suy giảm tốc độ tăng trưởng GDP đã bộc lộ rõ qua 2 tháng đầu năm 2009: sản xuất công nghiệp chỉ tăng 2,5%, trong đó riêng khu vực nhà nước còn giảm – 4,4% so với cùng kỳ 2008.

Thứ hai, Thương mại giảm sút. Nền kinh tế nước ta có độ mở khá lớn (kim ngạch xuất nhập khẩu trên GDP vượt quá 170%) nên tác động của việc suy giảm tăng trưởng thương mại thế giới có tác động tiêu cực với tăng trưởng kinh tế trong nước. Đặc biệt là việc thu hẹp các “đầu ra” chính cho xuất khẩu hàng hoá của ta là Mỹ, EU, Nhật Bản (thường chiếm tổng cộng trên 50% kim ngạch xuất khẩu) sẽ làm giảm động lực tăng trưởng quan trọng này. Trong khi đó, Trung Quốc, hiện chiếm khoảng 7% kim ngạch xuất khẩu và 20% kim ngạch nhập khẩu của ta, lại đang giảm nhập khẩu nguyên liệu từ Việt Nam, đồng thời tăng mạnh áp lực cạnh tranh về giá cả lên các doanh nghiệp của ta.

Thứ ba, đầu tư nước ngoài sụt giảm.Dòng FDI đang giảm mạnh trên toàn cầu, sẽ gây khó khăn cho việc thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài vào Việt Nam trong thời gian tới. Tính đến 20/2/2009, số dự án FDI giảm 65% còn vốn đăng ký chỉ đạt 1,5 tỷ USD, giảm 69% so với cùng kỳ 2008. Trong khi đó, dòng vốn đầu tư gián tiếp gần như cạn kiệt. Dòng kiều hối cũng sẽ sụt giảm.

Thứ tư, du lịch và xuất khẩu lao động sa sút. Lượng khách nước ngoài vào Việt Nam tháng 1/2009 ước tính đạt 370 ngàn lượt người, giảm 11,9% so với cùng kỳ 2008. Trong khi, nhiều lao động xuất khẩu buộc phải về nước trước thời hạn.

Thứ năm, mất cân đối vĩ mô trầm trọng hơn: Thất nghiệp: nhiều doanh nghiệp xuất khẩu phải giãn thợ hay sa thải công nhân góp phần làm giảm việc làm, tăng tỷ lệ thất nghiệp và giảm thu nhập của một bộ phận người lao động. Theo thông tin tháng 2/2009 của Bộ LĐ-TB-XH, ít nhất có 400 ngàn lao động tại các doanh nghiệp đã mất việc làm. Nghiên cứu của VASS cho biết, có khả năng tỷ lệ thất nghiệp năm 2009 sẽ lên đến 6,7%.  Thâm hụt ngân sách có thể vượt ngưỡng kỷ lục 8% do các nguồn thu từ xuất khẩu dầu thô, thuế xuất-nhập khẩu, thuế thu nhập doanh nghiệp, … giảm mạnh (dự báo có thể giảm 50 đến 90 ngàn tỷ đồng trong 2009) trong khi nhu cầu chi ngân sách tăng lên do phải kích cầu và hỗ trợ an sinh xã hội. Cán cân thương mại và cán cân vãng lai có thể chỉ được cải thiện trong ngắn hạn. Chính sách tiền tệ chỉ còn một hành lang hẹp: vừa phải nới lỏng, vừa phải đề phòng lạm phát quay trở lại. Giải pháp hỗ trợ lãi suất 4% có tác dụng tích cực giúp DN giảm chi phí vốn, lập lại cân bằng trên bảng kế toán, nhưng lại gây mất cân bằng cung cầu trên thị trường ngoại hối.

Về dài hạn, chúng ta thấy những nguy cơ và cơ hội như sau:  Nguy cơ lạm phát cao và khả năng đình lạm trên toàn cầu, Nguy cơ khan hiếm nguồn vốn đầu tư FDI, Nguy cơ thương mại toàn cầu phục hồi chậm và cạnh tranh thương mại gia tăng. Và có các cơ hội: Cơ hội công nghệ rẻ, Cơ hội hội nhập quốc tế về tài chính ít rủi ro hơn. Ông Bùi Quang Tuấn – Phó Viện trưởng Viện kinh tế Việt Nam tại buổi tọa đàm   Ông Tuấn cho biết, bối cảnh kinh tế năm 2009 được thể hiện qua một số đặc điểm sau: thứ nhất, kinh tế thế giới đang trong giai đoạn khủng hoảng và bắt đầu có dấu hiệu của suy giảm chậm lại; thứ hai, các trung tâm kinh tế thế giới vẫn đang vật lộn với mức tăng trưởng âm và còn nhiều khó khăn; thứ ba, kinh tế khu vực cũng vẫn đang gặp khó khăn, chưa có dấu hiệu của phục hồi rõ rệt và tăng trưởng mạnh trở lại; thứ tư, kinh tế trong nước bắt đầu có dấu hiệu phục hồi yếu ớt sau những chao đảo của thời kỳ cuối năm 2008 đầu 2009. Do vậy, có một số vấn đề cần chú ý chú ý trong bối cảnh kinh tế: Tăng trưởng dương vào hai quí đầu (3-4%) tuy nhiên còn thấp so với mức tiềm năng (xuất khẩu giảm (cầu giảm, thanh khoản giảm); FDI giảm; Thị trường chứng khoán sôi động trở lại; Thị trường bất động sản có dấu hiệu phục hồi ; Sức ép việc làm lớn: tỉ lệ thất nghiệp năm 2009 ước khoảng 6,7-7,6% nếu tăng trưởng 3-6% (tăng 1-1,4 triệu người không có việc làm); Lao động không có tay nghề/thời vụ bị ảnh hưởng mạnh ; Vấn đề thông tin về thất nghiệp không đầy đủ.  

Nhận định về gói kích cầu của Chính phủ, ông Tuấn cho rằng, gói kích cầu thứ nhất đã đạt được hiệu quả cao và hồi sức được rất tốt cho các doanh nghiệp, kịp thời, đúng đối tượng, hỗ trợ tốt cho doanh nghiệp và một số ngành. Song, cũng theo ông, gói kích cầu thứ hai chưa thể hiện tốt như gói kích cầu thứ nhất, nó mang tính chất trung và dài hạn, mới bắt đầu triển khai vì thế cần có đánh giá cụ thể và có giám sát chặt chẽ.

Một số vấn đề khác cần lưu ý nữa đó là, sức ép lạm phát tăng (chính sách tiền tệ nới lỏng và chính sách tài khóa mở rộng + sức ép lên cán cân thanh toán và tỉ giá tăng + thâm hụt ngân sách lớn); sức ép phá giá đồng nội tệ gia tăng; dư địa để áp dụng chính sách tiền tệ còn ít; dư địa cho chính sách tài khóa còn nhưng phải đề phòng về lãng phí, thất thoát khi tăng chi tiêu đầu tư công; đề phòng có sự xa rời mục tiêu chất lượng tăng trưởng khi quá lạm dụng chính sách tăng đầu tư công. Góc tác nghiệp đội làm tường thuật trực tuyến của báo Diễn đàn Doanh nghiệp điện tử

Ông Tuấn kết luận: sự phục hồi của kinh tế thế giới là chậm, triển vọng của kinh tế Việt nam là còn nhiều khó khăn trước mắt. Các chính sách của chính phủ trong thời gian gần đây là tương đối trúng và cơ bản là kịp thời, đặc biệt là gói kích cầu I và các giải pháp kiềm chế lạm phát . Tuy nhiên cần phải tính liều lượng của gói kích cầu II để đảm bảo các cân đối vĩ mô đặc biệt là tránh lạm phát cao trở lại.

Từ đó, ông Tuấn đề xuất, nên cân đối mục tiêu giữa tăng trưởng và ổn định vĩ mô, cần phải thiết kế cụ thể gói kích cầu II làm sao cho hiệu quả, đủ liều lượng và trúng mục tiêu (hỗ trợ doanh nghiệp, kích thích tiêu dùng, và kích thích thông qua đầu tư công). Gói kích cầu II cần phải được giám sát tốt và đảm bảo tính giải trình cao, tránh thất thoát, lãng phí, không hiệu quả. Đồng thời nên có các đánh giá kịp thời về gói kích cầu này; nên chú trọng về tính dài hạn và trung hạn của gói kích cầu II , chú trọng các vấn đề an sinh xã hội, cần có chiến lược thoát khỏi khủng hoảng và khó khăn từ bây giờ để đón đầu cơ hội.   Ông Nguyễn Quang Việt – Trưởng phòng Nghiên cứu khoa học dạy nghề đưa ra định hướng phát triển nghề trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế. Ông Nguyễn Quang Việt – Trưởng phòng Nghiên cứu khoa học dạy nghề đang phát biểu   Ông Việt cho biết, phát triển dạy nghề là sự nghiệp của Đảng, Nhà nước và nhân dân, là bộ phận quan trọng trong phát triển nguồn nhân lực, góp phần bảo đảm phát triển kinh tế – xã hội bền vững. Đổi mới dạy nghề theo hướng chuyển mạnh từ dạy nghề theo năng lực đào tạo sẵn có của cơ sở dạy nghề sang dạy nghề theo nhu cầu của doanh nghiệp và xã hội; gắn dạy nghề với chiến lược, quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội của cả nước, từng vùng, từng ngành, từng địa phương và gắn dạy nghề với việc làm của người lao động…

Năm 2009 – 2010: Dạy nghề cho 3,38 triệu người trong đó: TCN, CĐN là 660 nghìn người (tăng trung bình 18,2%/năm), để bảo đảm vào năm 2010 tỷ lệ lao động qua đào tạo nghề đạt 30%; 80% sinh viên tốt nghiệp trình độ CĐN có nhu cầu làm việc có việc làm ngay sau khi tốt nghiệp, 70% học sinh tốt nghiệp trình độ TCN có nhu cầu làm việc có việc làm ngay sau khi tốt nghiệp.

Để đạt được các mục tiêu trên, cần tập trung thực hiện 7 nhóm giải pháp lớn, trong đó có hai nhóm giải pháp đột phá đó là giải pháp đổi mới cơ chế quản lý nhà nước về dạy nghề và giải pháp đổi mới đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ giáo viên và cán bộ quản lý dạy nghề. Thứ nhất, nâng cao nhận thức của các cấp, các ngành, xã hội về vai trò của dạy nghề

Thứ hai, đổi mới cơ chế, chính sách quản lý nhà nước về dạy nghề. Về đổimới, hoàn thiện cơ chế, chính sách về dạy nghề cụ thể: Chính sách đối với người học; Chính sách đối với cơ sở dạy nghề; Chính sách đối với giáo viên dạy nghề, Chế độ, chính sách khuyến khích đối người lao động qua học nghề. Về nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước trong lĩnh vực dạy nghề: nâng cao năng lực quản lý của cơ quan quản lý nhà nước về dạy nghề các cấp; kiện toàn phòng dạy nghề ở các sở Lao động – Thương binh và Xã hội, trong đó một số sở Lao động – Thương binh và Xã hội được thành lập chi cục dạy nghề…từng bước xoá bỏ cơ chế cơ quan chủ quản, xây dựng cơ chế đại diện sở hữu nhà nước đối với các cơ sở dạy nghề công lập. Tăng cường vai trò giám sát hoạt động dạy nghề của cộng đồng, của các đoàn thể, đặc biệt là các hội nghề nghiệp…Tăng nguồn lực đầu tư cho dạy nghề (nguồn lực xã hội, nguồn lực nhà nước).

Thứ ba, phát triển đội ngũ giáo viên và cán bộ quản lý dạy nghề

Thứ tư, quy hoạch phát triển mạng lưới cơ sở dạy nghề

Thứ năm, đổi mới chương trình, giáo trình dạy nghề và tài liệu giảng dạy sát với yêu cầu của thị trường lao động trên cơ sở các tiêu chuẩn kỹ năng nghề hoặc kết quả phân tích nghề, phù hợp với kỹ thuật, công nghệ mới trong sản xuất, kinh doanh, dịch vụ; huy động các chuyên gia kỹ thuật của doanh nghiệp và đội ngũ giáo viên, giảng viên dạy nghề giỏi tham gia xây dựng chương trình dạy nghề;…

Thứ sáu, đảm bảo chất lượng dạy nghề thong qua kiểm định chất lượng dạy nghề, phát triển hệ thống đánh giá và công nhận kỹ năng nghề quốc gia, hội nhập quốc tế về dạy nghề.

Ông Cao Văn Sâm – Phó Tổng cục trưởng Tổng cục dạy nghề cũng cho biết thêm: phát triển nguồn nhân lực trong giai đoạn này là vô cùng quan trọng, và muốn thóat khỏi suy thoái thì vai trò của nhân lực là vô cùng quan trọng.

Ts. Phạm Thị Thu Hằng – Viện trưởng Viện phát triển doanh nghiệp, Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ DNNVV (VCCI) phát biểu về một số vấn đề của doanh nghiệp Việt Nam

Bà Hằng đưa ra những hạn chế của doanh nghiệp như: Thiếu tầm nhìn chiến lược – thể hiện rõ nhất ở các doanh nghiệp sản xuất tư nhân; Doanh nghiệp phụ thuộc chủ yếu vào một số đại lý thương mại ở khu vực Đông Á và hầu như chưa có sự chuyển động lên mắt xích cao hơn trong “ Chuỗi giá trị” ; Doanh nghiệp ít đưa ra các  lựa chọn chiến lược khác  biệt  hoặc đưa ra những sản phẩm hoàn toàn mới. Ts. Phạm Thị Thu Hằng – Viện trưởng Viện phát triển doanh nghiệp, Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ DNNVV (VCCI) đang đưa ra một số hạn chế của DN

Theo kết quả kinh doanh năm 2006 – 2008của 630 DN tại 2 khu vực HN và TP Hồ Chí Minh và các tỉnh lân cận cho thấy, mứctăng doanh số và lao động sụt giảm rõ rệt trong năm 2008 so với năm 2007. Các tác động này khá nghiêm trọng (gây nên tăng trưởng âm) cho khối doanh nghiệp  ở khu vực TP HCM. Do các tác động này, khối các doanh nghiệp  hướng về xuất khẩu rơi vào tình trạng nguy hiểm hơn các doanh nghiệp  nội địa (doanh số gần như không tăng; lao động giảm mạnh). Tuy nhiên, tỷ suất lợi nhuận trong năm 2008 chỉ sụt giảm nhẹ so với năm 2007. Tỷ trọng doanh nghiệp  có tỷ suất lợi nhuận trên 5% chỉ giảm từ 61,7% năm 2007 xuống 58,5% năm 2008

Từ đó đưa ra một số kiến nghị đối với Chính phủ:Hỗ trợ mạnh mẽ DN đổi mới công nghệ; khẩn trương hoàn thiện chính sách hỗ trợ DNNVV theo hướng giảm thiểu những tác động của khủng hoảng kinh tế tới các yếu tố đầu vào của  DNNVV như: nguồn nhân lực, vốn, chi phí thủ tục hành chính; khuyến khích khởi nghiệp bằng việc miễn hoàn toàn thuế thu nhập doanh nghiệp  trong vòng 2 – 3 năm; đẩy mạnh đầu tư vào đào tạo nguồn nhân lực, đồng thời có chiến lược phát triển nguồn nhân lực có khả năng tiếp thu và ứng dụng công nghệ  trong các ngành công nghiệp tiên tiến; Đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính; Tăng cường cung cấp thông tin dự báo kinh tế; Tăng cường kích cầu vào lĩnh vực cơ sở hạ tầng, đặc biệt là cảng biển và đường bộ; Tiếp tục đẩy mạnh việc cung cấp thông tin thị trường, xúc tiến thương mại cả trên thị trường nội địa lẫn xuất khẩu

Một số đề xuất, kiến nghị đối với doanh nghiệp cụ thể như sau: Mở rộng  nội hàm của vấn đề “năng lực cạnh tranh” . Doanh nghiệp phải  đưa ra các  lựa chọn chiến lược khác  biệt  hoặc đưa ra những sản phẩm hoàn toàn mới; Ưu tiên hàng đầu đối với vấn đề đầu tư công nghệ, đổi mới sản phẩm, tăng cường mối liên kết với các tổ chức nghiên cứu; Xây dựng chiến lược phát triển dựa trên sự liên kết trong chuỗi giá trị và cung ứng;  Sử dụng có hiệu quả nguồn vốn kích cầu; Quan tâm tích cực đến nâng cao năng suất lao động,  nâng cao tay nghề cho đội ngũ công nhân; Phối hợp với Chính phủ cải thiện môi trường kinh doanh, nâng tầm phát triển của cộng đồng doanh nghiệp  Việt Nam, cùng Chính phủ vượt qua cơn khủng hoảng toàn cầu.  

Tiếp sau phần trình bày nhận định, đánh giá về bối cảnh kinh tế và triển vọng kinh tế năm 2009-2010, buổi hội thảo chuyển sang phần thảo luận.

Luật gia Vũ Xuân Tiền – Giám đốc Công ty Tư vấn VAFM Việt Nam mở màn bằng một nhận xét khá bất ngờ. Ông cho rằng: tiêu đề của hội thảo rất tốt, tuy nhiên, “với tư cách là một doanh nghiệp thì tôi lại đang thất vọng. Câu hỏi đang rất cần là kinh tế việt nam cuối 2009-2010 nó sẽ diễn biến như thế nào. Cần đi vào kết luận và có lời khuyên cho các doanh nghiệp. Từ đó, các doanh nghiệp sẽ đưa ý kiến và có những giải pháp cho chính doanh nghiệp của mình. Nếu nền kinh tế thế giới bình ổn và nền kinh tế VN không lạm phát thì nền kinh tế VN sẽ đi lên, còn nếu lạm phát quay trở lại thì nền kinh tế sẽ bị ảnh hưởng như thế nào?”

Đáp lại những băn khoăn đó, ông Võ Trí Thành giải đáp: Hiện nay, 50% kinh tế VN là phụ thuộc vào kinh tế thế giới. Ngân hàng Thế giới đưa ra kịch bản tồi hơn hai tháng trước. Cái tích cực và tiêu cực vẫn còn xen kẽ nhau. Để ổn định lại quỹ đạo trưor lại bình thường phải mất từ 3-5 năm. Nếu cách cứu chữa củaMỹ và EU vẫn cứ như hiện nay thì rất khó. Chỉ số tiêu dùng hộ gia đình vẫn còn thấp và muốn quay lại hoạt động bình thường thì phải mất từ 2-3 năm. Gói kích cầu chỉ là lời tuyên bố chứ chưa thể thực hiện được. Đó là chưa kể đến hiệu lực của nó. Rất nhiều nhà kinh tế dự báo rằng xác suất đi xuống vẫn có thể xảy ra (theo hình chữ W),  tuy nhiên sẽ không đi xuống sâu như mức cũ. Nhật và Trung Quốc đưa ra gói kích cầu vào đầu tư xây dựng  chỉ được xem là kích cầu khu vực.

Đấy là chưa kể tình hình kinh tế trong nước cũng đang gặp nhiều khó khăn, người dân cũng dang cố gắng…Hiện nay có hai câu hỏi rất lớn: phải làm gì? Đã thể hiện rõ về chính sách kích cầu chưa? Nhưng từ tháng 6 tới này thì lại phải trả lời hai câu hỏi: phải làm gì, và phải làm như thế nào? Biện pháp kích cầu cũng còn khó khăn, thắt chặt chính sách tiền tệ cũng không phải dễ dàng…hai câu hỏi đó thực sự đang rất đau đầu các nhà quản lý.

Trong 4 tháng đầu năm, tăng trưởng xây dựng được coi là tốt nhất.Về vấn đề lạm phát: nhiều khả năng là từ 7-9% chứ không phải là 6%. Nếu không kiểm soát thì lạm phát sẽ quay lại, khi đó chi phí điều chỉnh sẽ phải cao hơn năm 2008. Việt Nam có 50% phụ thuộc vào kinh tế thế giới, 50% còn lại là của chính chúng ta.
Phó chủ tịch Hiệp hội dệt may VN cũng băn khoăn với câu hỏi: Làm thế nào để làm cho nền kinh tế VN phát triển bền vững. “Theo tôi, nguồn nhân lực là quan trọng. Việc đào tạo cho nguồn nhân lực cho ngành dệt may lại càng quan trọng hơn. Tuy nhiên việc đào tạo vẫn còn nhiều bất cập. Hiện nay, các thành phần tư nhân cũng tham gia, tuy nhiên đào tạo tại các Trung tâm sẽ tốt hơn. Do vậy cần có những can thiệp để tư nhân cùng với công lập đưa ra chiến lược phát triển đào tạo nguồn nhân lực”. Ông Trần Trọng Huynh – Cty CP Biển Bạc cũng cho rằng: triển vọng phát triển kinh tế 2009-2010 –chỉ trong hai năm thì không có ý nghĩa gì cả, mà phải có cái nhìn trong thời gian dài. Nếu Chính phủ kêu gọi được sức mạnh toàn dân, huy động sức mạnh nội lực thì có thể đưa nền kinh tế phát triển tốt .Nhưng thực tế, chúng ta chưa kêu gọi được tổng thể sức mạnh toàn dân. Vì thế, chúng ta nên có tầm nhìn xa hơn thì sẽ có những chính sách phát triền bền vững hơn. Điều sợ nhất của chúng ta là không thể liên kết lại cùng nhau tạo nên sức mạnh để vượt qua khủng hoảng.   TS Võ Trí Thành – Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý Kinh tế Trung ương, Bộ Kế hoạch & Đầu tư lại nhìn nhận tình hình kinh tế dưới cả hai góc độ: một bên là nhà nước, và một bên là doanh nghiệp.    

Nhìn lại lịch sử thế giới: Cách mạng công nghiệp là bước tiến cho công nghệ thế giới. Dịch vụ phát triển tạo nên giá trị gia tăng cho nền kinh tế thế giới. Toàn cầu hóa dẫn tới mất cân đối toàn cầu nghiêm trọng và sẽ còn kéo dài dài. Mất cân đối giữa ảo và thực, và mất cân đối giữa các nước BRIC. Nhìn về thị trường, lòng tham và sự rủi ro sẽ ảnh hưởng lớn tới nền kinh tế. Vai trò quan trọng của Chính phủ và Nhà nước là tạo ra vị trí cho nền kinh tế Việt Nam, nếu không giải quyết được vấn đề này thì sẽ rất khó cho nền kinh tế.

Ở VN, các tín hiệu của nhà nước VN dược phát đi đã tạo sự ổn định vĩ mô, GDP sẽ tăng. Có hai điểm phức tạp nhất: mất cân đối toàn cầu sẽ còn dài, nếu không khéo về chính sách thì nguy cơ sẽ cao, áp lực về xã hội sẽ tăng lên và phân hóa giàu – nghèo sẽ diễn ra rõ rệt. Tài nguyên là bài toán kinh tế chính trị vô cùng phức tạp. Về kết cấu hạ tầng, cần 5-7 năm để tạo bước nhảy nhưng với VN phải cần tới 10 năm mới tạo ra được sự thay đổi.   Về thể chế VN: chiến lược cải cách hành chính đến nay không thành công, gặp nhiều khó khăn, bài toán ngân sách chưa giải quyết được, hệ thống động lực như cách đánh giá thăng quan tiến chức đến 10 năm không thay đổi…

DN nên làm gì ngắn hạn và dài hạn: giai đoạn này sẽ trưởng thành hơn, tồn tại trường tồn hơn. Trong dài hạn, doanh nghiệp phải học cách sống với các cú “sốc”: sốc về giá, chính sách, về khủng hoảng bên ngoài. Có hai loại sốc: ngắn và dài hạn. Với sốc dài hạn, nếu không trụ được trong ngắn hạn phải có chiến lược để phát triển dài hạn.

Về chuỗi giá trị do nhà SX chi phối, VN không thành công trong thúc đẩy nội địa hóa và phát triển CN hỗ trợ (nhờ thuế quan và ưu đãi tận dụng kinh tế nhờ qui mô và vị trí trong chuỗi của TNCs ); Chuỗi giá trị do người mua chi phối (như dệt may). VN đối mặt với: Áp lực cạnh tranh chi phí LĐ; Khó khăn tăng GTGT do yếu về năng lực dịch vụ; và chi phí liên kết dịch vụ cao, có thể “vươn” nhanh hơn qua “học hỏi” (phân phối, marketing,…).  

 TS Lê Duy Hiếu – Viện kinh tế Việt Nam

TS Lê Duy Hiếu – Viện kinh tế Việt Nam lưu ý các DN xu hướng đầu tư hậu suy thoái. Theo ông Hiếu, VN được nhiều hơn là mất từ cuộc khủng hoảng toàn cầu mang lại. Tôi khuyến cáo với các doanh nghiệp đừng nên vội vàng hoang mang trước những lời các nhà kinh tế cảnh báo mà nên tìm trong khó khăn những cơ hội cho doanh nghiệp của mình để từ đó tìm ra hướng đi và giải pháp.

Cuộc khủng hoảng toàn cầu không phải chỉ mang lại tiêu cực cho nền kinh tế mà còn có những tác động tích cực. Cụ thể: khủng hoảng tài chính toàn cầu tấn công trực diện vào cơ chế đầu cơ và lũng đoạn, làm cho thị trường trở nên cạnh tranh và hiệu quả hơn. Nâng cao thu nhập thực tế của đại bộ phận nhân dân lao động. Thúc đẩy quá trình tái cơ cấu kinh tế (Khủng hoảng tài chính toàn cầu, một mặt đã gây áp lực tái cấu trúc kinh tế, mặt khác đã và đang tái cấu trúc lại nền kinh tế theo hướng đáp ứng lợi ích của cộng đồng và xã hội). Khuyếch đại các lợi thế và các điều kiện khác biệt của nước đi sau. Nâng cao giá trị nhận thức (khủng hoảng tài chính toàn cầu đã giúp cho chúng ta nhận thức được rằng, chính phủ và thị trường chỉ là hai mặt của nền kinh tế thị trường)

Từ đó, ông đưa ra định hướng đầu tư thời kỳ hậu khủng hoảng.Quan điểm phổ biến hiện nay cho rằng, nhìn chung đầu tư vào các lĩnh vực như ngân hàng, tài chính, bất động sản, đặc biệt là đối với các dự án xây nhà để bán, công nghệ cao ở Việt Nam sẽ thu được giá trị gia tăng cao nhất. Điều này thật ra chỉ đúng với lý thuyết nói chung hay chỉ đúng với những gì đã qua ở Việt Nam mà không có gì đảm bảo là sẽ đúng trong trong điều kiện hiện nay. Tuy nhiên, nếu cho rằng, các lĩnh vực này vãn có khả năng sinh lợi như trước đây quả thực là nhầm lẫn. Chúng tôi cho rằng, là một nhà doanh nghiệp bản lĩnh có thể cần ưu tiên đầu tư vào một số lĩnh vực có khả năng sinh lợi cao sau đây:

Thứ nhất, đầu tư vào nông nghiệp nông thôn.Quan điểm cho rằng đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn hiệu quả thấp và có nhiều rủi ro. Quan điểm này có thể không phù hợp trong điều kiện hiện nay. Trước hết xin lưu ý là nước ta 80% dân số ở nông thôn và sản xuất tự cấp tự túc là chủ yếu. Do vậy các biến động về giá lương thực và thực phẩm sẽ không ảnh hưởng nhiều đến nền kinh tế nông dân, bởi lẽ giá cả sẽ không thể thể gây ảnh hưởng khi mà sản phẩm chủ yếu không phải là để bán. Điều này hàm ý rằng, nền kinh tế nông dân với 80% dân số vẫn là thị trường tương đối ổn định ngay trong điều kiện khủng hoảng tài chính thế giới.

Thứ hai, dầu tư vào thị trường chứng khoán. Một nhà doanh nghiệp có bản lĩnh cần phải coi dây là cơ hội kiếm tiền có một không hai và có thể hàng trăm năm mới có một lần. Sở dĩ như vậy là vì, thị trường có tính hợp lý của nó. Những nhà đầu cơ nắm lượng cổ phiếu lớn đã mất phần lớn tài sản do giá cổ phiếu giảm mạnh (70%), do vậy, một mặt sẽ hạn chế khả năng đầu cơ lủng đoạn, mặt khác là tạo lập sự bình đẳng trong kinh doanh. Chắc chắn là nếu các nhà đầu cơ nắm lượng cổ phiếu lớn không bị thua lỗ nặng nề thì bạn chẳng bao giờ có cơ hội cạnh tranh với họ.

Thứ ba, đầu tư mua bán doanh nghiệp.Hiện nay ở Việt Nam có lẽ có không ít hơn 20% số doanh nghiệp có chiến lược kinh doanh có mục tiêu, nghĩa là nó sẽ hoạt động tốt dựa vào hệ thống ngân hàng và thị trường tài chính chứ không phải dựa vào các thương vụ mang tính đầu cơ cho dù thu được lợi nhuận lớn, do vậy đang gặp khó khăn vì thiếu vốn và phải vay với lãi suất cao. Điều này hàm ý rằng, trong điều kiện hiện nay đã nảy sinh một cơ hội mới đối với mua bán doanh nghiệp.

Thứ tư, đầu tư vào giáo dục, đào tạo và chăm sóc sức khoẻ. 

Thứ năm, đầu tư vào thị trường bất động sản.Hà Tây sát nhập với Hà Nội đã mở ra một khả năng mới cho kinh doanh bất động sản. Sở dĩ như vậy là vì, dù sóm hay muộn Hà Nội nhất thiết cũng phải hình thành một trung tâm mới tại Hà Tây với cơ sở hạ tầng hiện đại, đồng bộ, đặc biệt là đảm bảo sự kết nối của không gian ngầm bằng hệ thống tàu điện ngầm. Khu phố mới hiện đại nhất thiết sẽ thu hút những người có thu nhập cao, do vậy giá đất tại Hà Tây cũ sẽ tăng lên.  

   Nhóm phóng viên kinh tế Tường thuật trực tuyến từ tòa nhà VCCI, Hà Nội
Nguồn: Báo Điện tử Diễn đàn doanh nghiệp