Tỷ trọng xuất khẩu dệt may: Lệch về phía doanh nghiệp FDI
Người Việt Nam đang lo ngại sâu sắc về USD trong bối cảnh hệ thống tài chính của nước Mỹ tiếp tục ngập sâu trong rắc rối.

Theo số liệu công bố mới nhất của Tổng cục Hải quan, tỷ trọng đóng góp cho xuất khẩu dệt may của các DN có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) trong 9 tháng năm 2012 không có nhiều thay đổi so với những năm trước, chiếm trên 60% tổng kim ngạch xuất khẩu toàn ngành. Cụ thể, khối DN này đã xuất khẩu trên 6 tỷ USD trong tổng số 11,2 tỷ USD của toàn ngành.

Như vậy, DN FDI nói chung và FDI dệt may nói riêng vẫn đang khẳng định vị thế của mình trong hoạt động xuất khẩu của Việt Nam. Hết 9 tháng đầu năm 2012, danh sách 40 DN có kim ngạch xuất khẩu lớn do Hiệp hội Dệt may Việt Nam (Vitas) thống kê vẫn là những cái tên không mới và đều là DN FDI.

Ông Lê Tiến Trường, Phó chủ tịch Vitas cho hay, DN FDI đầu tư tại Việt Nam có nhiều lợi thế hơn so với các DN trong nước. Ngoài lợi thế về công nghệ, khách hàng từ nhiều quốc gia, thì lợi thế lớn nhất của họ là vay được vốn rẻ từ chính quốc…

Cơ cấu thị trường xuất khẩu dệt may của DN FDI cũng không khác các DN trong nước, tập trung vào 3 thị trường là Hoa Kỳ, EU, Nhật Bản. Theo ông Trường, 3 thị trường này chiếm 80-90% sức tiêu thụ hàng dệt may thế giới, nên không có gì ngạc nhiên khi DN FDI đầu tư tại Việt Nam cũng tận dụng cơ hội xuất khẩu vào đây.

Cũng phải nói thêm rằng, do xuất khẩu dệt may quá tập trung vào một số thị trường và một số DN, nên rủi ro chắc chắn sẽ lớn hơn khi một trong 2 yếu tố từ thị trường hoặc tự thân DN đó có vấn đề.

Trường hợp Nhà máy LuxFashion do Công ty Liên doanh Lifepro làm chủ đầu tư, với tổng vốn hơn 193 triệu USD, tại Khu công nghiệp Gián Khẩu (Gia Viễn, Ninh Bình) là một ví dụ. DN FDI này từng là kỳ vọng của ngành dệt may trong năm 2012 vì đã ký được hợp đồng xuất khẩu trị giá 137 triệu USD sang Mỹ và châu Âu. Nhưng điều này không thành hiện thực, bởi sau thời điểm xuất lô hàng đầu tiên sang EU vào cuối tháng 3/2012, hiện tại, Nhà máy đã ngừng sản xuất, bị niêm phong.

Xuất khẩu dệt may Việt Nam cũng đang gặp khó khăn tại thị trường châu Âu khi người dân tại đây thắt chặt chi tiêu để đối phó với khủng hoảng kinh tế. Kim ngạch xuất khẩu dệt may sang EU trong 9 tháng 2012 đã giảm 5% so với cùng kỳ, tương ứng khoảng 85 triệu USD.

Ngoài việc đóng góp lớn cho xuất khẩu, tạo nhiều việc làm, một thực thế không thể phủ nhận là, các DN FDI ngành dệt may đang nhập khẩu lượng nguyên phụ liệu nhiều không kém xuất khẩu, với kim ngạch lên tới 8,53 tỷ USD trong 9 tháng đầu năm.

Nguồn: Báo Đầu tư điện tử