VACD kiến nghị 9 giải pháp đối phó lạm phát
Người Việt Nam đang lo ngại sâu sắc về USD trong bối cảnh hệ thống tài chính của nước Mỹ tiếp tục ngập sâu trong rắc rối.

Tuy nhiên, “lạm phát cũng có những mặt tích cực nhất định. Nó là cơ hội để chúng ta thực hiện những giải pháp trung và dài hạn mà trong những điều kiện khác chúng ta không thấy rõ và không đủ quyết tâm để thực hiện”, TS. Hàn Mạnh Tiến, Chủ tịch VACD nhìn nhận.

Ông Tiến cũng cho biết: “Trong kiến nghị, VACD chỉ tập trung chủ yếu vào những vấn đề cụ thể của quản trị và quản trị doanh nghiệp, không đi vào những vấn đề chung, cũng như không lặp lại những giải pháp đã được các cơ quan Nhà nước và các tổ chức quốc tế đề xuất”.

Theo đó, thứ nhất, trong ngắn hạn, cần đặc biệt quan tâm tới việc tạo dựng lòng tin. Để thực hiện được điều này, VACD kiến nghị Chính phủ cần thực hiện nguyên tắc quyền hạn đi liền với trách nhiệm cá nhân, song song với việc minh bạch hóa tối đa để thể hiện quan điểm “nói đi đôi với làm’. Bên cạnh đó, cần kiểm soát chặt chẽ việc phát ngôn của các cơ quan và quan chức Nhà nước để tránh gây tâm lý hoài nghi của dân chúng trong những quyết định quan trọng.

Thứ hai, thiết lập một cơ chế có thể phản ứng nhanh và chuẩn xác trước các vướng mắc trong lạm phát của doanh nghiệp. Việc thành lập một tổ đặc nhiệm ở Văn phòng Chính phủ và các bộ, ngành, địa phương trọng điểm với biên chế gọn nhẹ nhưng có thẩm quyền là cần thiết. Đơn vị này sẽ phối hợp với các hội và hiệp hội nghề nghiệp để điều tra nhanh cũng như đề xuất xử lý kịp thời các vướng mắc của doanh nghiệp.

Thứ ba, sớm thực hiện việc miễn, giảm hoặc giãn thuế cho một số mặt hàng, ngành nghề đang gặp khó khăn. Bên cạnh đó, cũng nên dừng hoặc bãi bỏ việc tạm thu thuế thu nhập doanh nghiệp cho tất cả các doanh nghiệp.
 
Thứ tư, giao các cán bộ, ngành liên quan rà soát lại các văn bản quy phạm pháp luật, cũng như các hướng dẫn chi tiết xử lý các tình huống phát sinh trong và sau lạm phát.

Đồng thời, triển khai cụ thể và quyết liệt các biện pháp an sinh xã hội thông qua hình thức trợ cấp bằng tiền cho những người có thu nhập quá thấp, có vị thế dễ bị tổn thương do lạm phát để vừa đảm bảo ổn định xã hội vừa kích cầu cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa.

Thứ năm, về trung và dài hạn, nên tập trung xây dựng quy trình và tiêu chuẩn thẩm định, phê duyệt, giám sát, theo dõi, đánh giá các dự án đầu tư công. Hiện nay, việc phân cấp rất mạnh cho các địa phương, bộ ngành, tập đoàn nhưng không có các tiêu chuẩn và quy trình cần thiết đã dẫn tới tình trạng buông lỏng quản lý, các địa phương, bộ ngành, tập đoàn đầu tư tràn lan nhưng manh mún và kém hiệu quả.

Đồng thời, Chính phủ cũng cần cho rà soát lại các chiến lược, quy hoạch của các ngành, các địa phương, đảm bảo luận cứ khoa học, tính dự báo và tính khả thi của các đề án này. Trên cơ sở đó, xây dựng một chương trình đầu tư công ít nhất cho giai đoạn 5 năm nhằm hiện thực hóa các mục tiêu, chiến lược của quốc gia.

Thứ sáu, liên quan đến các tập đoàn kinh tế Nhà nước, cần sử dụng kiểm toán độc lập để xem hiệu quả đầu tư và kinh doanh của các tập đoàn này. Ngoài ra, cũng cần thuê các tổ chức đánh giá hiện trạng, năng lực quản trị để có kế hoạch đào tạo, nâng cao năng lực quản lý cho các ủy viên và các quản trị viên cao cấp.

Xem xét lại một cách nghiêm túc quy trình, tiêu chuẩn bổ nhiệm, miễn nhiệm các lãnh đạo chủ chốt trong các đơn vị này. Từ đó, đánh giá lại một cách có cơ sở những quan điểm cơ bản về tập đoàn kinh tế và tập đoàn kinh tế Nhà nước.

Thứ bảy, về công tác thông tin, thống kê, Chính phủ cần khẩn trương nghiên cứu, lập đề án xây dựng hệ thống thông tin – dữ liệu quốc gia đủ năng lực để đáp ứng các thông tin cần thiết cho việc điều hành guồng máy kinh tế, cho nghiên cứu và hoạch định chính sách.

Thứ tám, liên quan tới điều hành kinh tế vĩ mô, cần nghiên cứu cải tổ Ngân hàng Nhà nước theo hướng độc lập với Chính phủ.

Chính phủ cũng nên cho triển khai ngay các nghiên cứu cần thiết cho việc tái cơ cấu nền kinh tế và thay đổi mô hình phát triển để có cơ sở hoạch định và điều chỉnh chính sách trong điều kiện hội nhập kinh tế quốc tế.

Cuối cùng, cần sớm ban hành luật về hội nhằm tăng cường sự tham gia và nâng cao vai trò từ vấn, phản biện của các hội, hiệp hội nghề nghiệp, các tổ chức xã hội dân sự trong quản lý kinh tế – xã hội, tạo cơ sở cho sự đồng thuận, phát triển ổn định và bền vững của đất nước.

Nguồn: Thời báo Kinh tế Việt Nam