Về chuyện giá trị thực và đáy thị trường
Người Việt Nam đang lo ngại sâu sắc về USD trong bối cảnh hệ thống tài chính của nước Mỹ tiếp tục ngập sâu trong rắc rối.

Nhưng vấn đề là dường như nhiều cổ phiếu đã thấp hơn những giá trị thực được đề cập đến cách đây nhiều tháng, rồi đáy thì thủng liên tục, vậy không biết còn bao nhiêu đáy nữa để thủng?

Giá trị thực: “thực” nhưng cũng phải theo “thời thế”

Thứ nhất, giá trị thực, hiểu theo cách mà nhiều nhà phân tích thường phát biểu, là do một phương pháp định giá nào đó tạo nên. Có thể là các phương pháp định giá truyền thống liên quan đến giá trị sổ sách, hay là dựa vào các cách chiết khấu dòng tiền, thậm chí là một mô hình định giá nào đó vừa kết hợp chiết khấu dòng tiền với vài mô hình định giá (asset pricing) có tính đến những nhân tố như quy mô công ty, rủi ro tăng trưởng… 

Một nguyên tắc mà tất cả các phương pháp có liên quan đến chiết khấu dòng tiền phải dựa vào là người tính toán phải đưa ra những phán đoán, dự báo của mình về tương lai của hoạt động công ty xong rồi đem chiết khấu về hiện tại để ra cái gọi là giá trị thực.

Mỗi nhà phân tích có một dự đoán (hay kỳ vọng) khác nhau về triển vọng công ty, từ đó sẽ cho ra những “giá trị thực” khác nhau. Anh A dự đoán cổ phiếu ngân hàng này tăng trưởng 100% hay 200% trong năm năm tới thì sẵn sàng mua cổ phiếu với giá gấp 10 lần, thậm chí 20 lần thu nhập trên mỗi cổ phần (EPS) hiện tại hay hơn nữa vì anh ta nghĩ là giá trị thực của công ty rất cao, từ đó kỳ vọng EPS sẽ tăng như tên lửa và giá cổ phiếu cũng vậy.

Ngược lại, anh B cho rằng kinh tế sẽ khó khăn và tăng trưởng của công ty sẽ chỉ còn 3-5%, thậm chí là âm thì đương nhiên chỉ mua cổ phiếu với giá thấp hơn hiện tại, vì anh ta dự đoán có khi công ty bị lỗ, mà anh ta còn phải bù đắp chi phí cơ hội vốn của mình, nên chiết khấu bớt giá đi. Giá trị thật của anh ta tính toán sẽ thấp nhiều hơn so với anh A, từ đó giá cổ phiếu anh ta sẵn lòng mua cũng thấp hơn.

Với các phương pháp định giá liên quan đến giá trị sổ sách của phần vốn cổ đông, nếu xem đó là giá trị thực, thì mức giá trị thực này cũng có những khoảng “mờ” cần làm rõ. Các quy định về kế toán khiến cho giá trị sổ sách hay các cách tính giá trị thực có liên quan không nhất thiết phản ánh một giá trị hợp lý dành cho cổ đông.

Đó là chưa kể chuyện giá trị ấy mang tính thời điểm khá rõ. Ví dụ hôm nay cái máy có giá 10 triệu đồng nhưng ngày mai do biến động giá thị trường nhanh quá, cái máy ấy có khi không còn đáng một xu và giá trị dành cho cổ đông thành số không. Những rủi ro ấy không thể phản ánh chính xác hoàn toàn trong nhiều kiểu định giá dựa vào giá trị sổ sách hay giá trị tài sản. Thế là nhà đầu tư cũng sẽ có những giá trị thực khác nhau theo cách tính này.

Từ phân tích trên cho thấy với những phương pháp định giá thường dùng, giá trị thực mà các nhà phân tích đưa ra không thể đồng nhất, tức là khái niệm giá trị thực là không chỉ có một trên thị trường. Như vậy, khi nói giá trị thực là phải dựa theo những tiêu chuẩn và điều kiện nhất định về kỳ vọng, cách tính và tùy vào cả điều kiện về chi phí vốn, khả năng chịu đựng rủi ro cho từng nhà đầu tư.

Ngoài ra, những nghiên cứu gần đây còn cho thấy các tính toán về giá trị có thể thay đổi theo điều kiện thị trường, gọi là theo chiều thị trường, và chiều tình hình kinh tế (momentum). Nguyên nhân là do ảnh hưởng của niềm tin thị trường.

Khi thị trường và nền kinh tế đi lên như năm 2006 và nửa đầu năm 2007, rõ ràng những nhà phân tích lạc quan sẽ nhiều hơn. Nếu không kỳ vọng những công ty niêm yết hay OTC sẽ tăng trưởng như tên lửa trong nhiều năm thì tại sao lại mua những cổ phiếu có P/E cao đến 50, 60 lần?

Còn nếu thị trường bi quan như cách đây một hai tháng hay bây giờ, khi tăng trưởng kinh tế toàn cầu và Việt Nam đang giảm, lạm phát cao thì rõ ràng dự báo tăng trưởng doanh thu và lợi nhuận của công ty phải thấp, có khi chỉ còn 5-10% trong một hai năm nữa (thể hiện qua các kế hoạch kinh doanh của các công ty niêm yết công bố trong đại hội cổ đông). Vậy đương nhiên cái giá trị thực mà họ định ra trước đây giờ trở thành quá cao trong điều kiện kinh tế hiện tại.

Nói cách nào đó, giá trị thực cũng theo thời thế. Như vậy, phương pháp tính giá trị thực có thể là khoa học, nhưng giá trị các biến số đưa vào bị tác động bởi yếu tố không khoa học là tâm lý, kỳ vọng, nên cuối cùng, giá trị thực lại cũng đi theo “thời thế” như giá cổ phiếu mà thôi.

Đáy thị trường: đáy cũng có năm bảy đường

Bàn về giá trị cổ phiếu gần như là bàn về chuyện phân tích cơ bản, còn bàn về đáy thị trường cũng giống như bàn tới phân tích kỹ thuật. Phân tích kỹ thuật thì không cần biết giá trị cổ phiếu ở đâu, miễn là xác định được tín hiệu là thị trường còn đi lên nữa và có thể lên tới đâu, hoặc đi xuống nữa và có thể xuống tới đâu.

Nói là “có thể”, vì phân tích kỹ thuật chẳng bao giờ khẳng định “chắc chắn” lên tới đâu, xuống tới đâu. Mặt khác, điểm quan trọng trong phân tích kỹ thuật là xác định khi nào thị trường thay đổi xu thế, đó là nơi tạo ra các “đỉnh” hay các “đáy”. Nhưng khi nào thị trường thay đổi xu thế thì khó mà biết trước.

Như vậy, phân tích kỹ thuật chẳng qua là chỉ ra cho người ta thấy xu thế hiện tại là gì, nó còn có thể đi tới các mức nào, ví như xu thế giảm mà rớt qua khỏi 480 điểm thì có thể đến 450 điểm, rồi sau đó là bao nhiêu nữa. Nó không phải là một dự báo đường đi cụ thể của thị trường.

Như thế, nói tới đỉnh hay đáy thị trường, nghĩa là muốn nói theo điều kiện hiện tại, với tâm lý thị trường, điều kiện thị trường (chính sách, thanh khoản, hàng hóa) thì giá còn có thể đi đến đâu, nếu không có gì thay đổi. Mỗi kỹ thuật phân tích có thể chỉ ra những mức kỹ thuật khác nhau.

Vì vậy nếu thị trường không có gì thay đổi thì giá cứ theo xu thế hiện tại mà đi tuần tự từ mức kỹ thuật này đến những mức kỹ thuật khác, hay là đi từ các đỉnh cũ, đáy cũ đến các đỉnh mới, đáy mới.

Tuy nhiên làm gì có chuyện thị trường cứ giữ nguyên trạng thái mãi. Tính thanh khoản, tâm lý nhà đầu tư là hai thứ dễ thay đổi nhất. Vậy đáy ở đâu, đỉnh ở đâu là tùy vào những thay đổi này (đương nhiên còn phụ thuộc vào đường đi ngẫu nhiên của chính sách nữa).

Như vậy, nói “thủng đáy” cũng là chuyện bình thường trong phân tích kỹ thuật, nhưng lại bị mọi người (trong đó có giới truyền thông) đưa thành một vấn đề rất nghiêm trọng và tác động xấu hoặc gây ức chế tâm lý cho nhà đầu tư.

Nguồn: Thời báo Kinh tế Sài Gòn Online