Về dự thảo Luật Thuế GTGT (sửa đổi): Có tính đến sức “chịu đựng” của nông dân?
Người Việt Nam đang lo ngại sâu sắc về USD trong bối cảnh hệ thống tài chính của nước Mỹ tiếp tục ngập sâu trong rắc rối.

 Luật Thuế Giá trị gia tăng (GTGT) hiện hành quy định mức thuế suất 5% chỉ áp dụng đối với các hàng hóa, dịch vụ phục vụ nhu cầu thiết yếu của người dân hoặc là đầu vào của sản xuất nông nghiệp. Thế nhưng, vấn đề đặt ra là nên áp mức thuế suất như thế nào đối với các sản phẩm hàng hóa, dịch vụ là đầu vào của sản xuất nông nghiệp? Khoản 2, Điều 7 của dự thảo Luật Thuế GTGT (sửa đổi) quy định: Mức thuế suất 5% được duy trì áp dụng đối với hàng hóa, dịch vụ, gồm: Phân bón, quặng để sản xuất phân bón, thuốc trừ sâu bệnh, chất kích thích tăng trưởng vật nuôi, cây trồng; Dịch vụ sản xuất nông nghiệp như cầy, bừa đất, đào đắp, nạo vét kênh mương, ao hồ phục vụ sản xuất nông nghiệp, nuôi trồng, chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh cho vật nuôi, cây trồng, thu hái, sơ chế, bảo quản sản phẩm nông nghiệp… Tuy nhiên, giữa thực tế và quy định của dự thảo luật lại nảy sinh vấn đề mâu thuẫn và không hợp lý. Theo một số ý kiến của Ủy ban Tài chính – Ngân sách, với mức thuế như vậy, người nông dân phải gánh thêm khoản thuế VAT, tức là phải chịu thêm một khoản chi phí, khi sử dụng các sản phẩm, hàng hóa đầu vào cho sản xuất nông nghiệp nhưng các sản phẩm hàng hóa, dịch vụ nông nghiệp – sản phẩm “đầu ra”  lại không có bất cứ chứng từ hóa đơn tài chính nào, nên không được khấu trừ thuế. Vậy phải chăng nếu vẫn quy định như dự thảo luật thì có vẻ như ép người nông dân?
      
Cách đặt vấn đề như trên không phải là không có cơ sở. Trong tình cảnh người nông dân vẫn còn băn khoăn, bỡ ngỡ trước quá trình hội nhập kinh tế và những lợi ích đem đến cho họ chưa rõ ràng, trong khi những ám ảnh luôn vây quanh như giá cả vật tư tăng vọt, thị trường tiêu thụ sản phẩm bấp bênh. Người nông dân chịu nhiều bất lợi trong sản xuất, luôn bị thiên tai, dịch bệnh đe dọa và lại không chủ động quyết định được sản phẩm của mình làm ra, hoàn toàn lệ thuộc vào giá cả thị trường và các thành phần kinh tế khác. Mặt khác, đại bộ phận những người làm nông nghiệp có quy mô sản xuất nhỏ, đất đai canh tác phân tán thì việc ban hành chính sách như vậy đang là những trở ngại, trở thành những rào cản mà tự thân người nông dân không dễ gì vượt qua. Trước thực tế đó, ĐBQH Trần Hồng Việt (Hậu Giang) đề nghị cần xem xét, cân nhắc theo hướng giảm thuế suất các hàng hoá, dịch vụ phục vụ sản xuất nông nghiệp xuống mức 0% nhằm tăng khả năng chịu đựng của người nông dân. Hiện nay, nếu so với các nước đang phát triển khác trong khu vực và trên thế giới, mức hỗ trợ trong lĩnh vực này của nước ta là rất thấp, cùng với những tác động thời tiết, dịch bệnh, nếu vẫn duy trì mức 5% sẽ khiến cho đời sống của người nông dân ngày càng khó khăn hơn. 
      
Vậy có nên áp dụng mức thuế suất 0% đối với các sản phẩm hàng hoá, dịch vụ là đầu vào của sản xuất nông nghiệp? Thứ trưởng Bộ Tài chính Trương Chí Trung – đại diện Ban soạn thảo cho biết: Vấn đề lớn đặt ra khi sửa luật là cần tuân thủ theo nguyên tắc duy trì nguồn thu nhưng không làm ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của các ngành, lĩnh vực. Việc áp thuế 0% như đề nghị sẽ không khả thi vì thực tế hiện nay ở nước ta có tới hàng triệu hộ nông dân không có sổ sách để theo dõi, hạch toán sản lượng hàng hóa, dịch vụ bán ra- một yếu tố quan trọng trong kê khai hoàn thuế. Vì vậy, với điều kiện chưa thể thu thuế trực tiếp từ sản xuất nông nghiệp sẽ vẫn phải áp dụng mức thuế suất thấp nhất là 5% như quy định trong dự thảo luật. Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính – Ngân sách Phùng Quốc Hiển nhìn nhận: Sở dĩ có nhiều băn khoăn như trên là hiện nay nền kinh tế thị trường ở nước ta là đang trong giai đoạn hoàn thiện nên tính độc quyền là khá hiện hữu. Ví dụ điển hình cho trường hợp này là giá phân bón trên thị trường thời gian qua tăng cao chủ yếu mang tính độc quyền. Theo Chủ nhiệm Phùng Quốc Hiển, hiện cũng không có quốc gia nào áp thuế VAT 0% đối với hàng hóa tiêu dùng trong nước, và mức này chỉ áp dụng cho hàng hóa xuất khẩu. Vì vậy, nếu áp dụng sẽ sinh ra những vấn đề méo mó, vì khi đó bắt buộc nhà nước phải lấy ngân sách để hoàn thuế cho doanh nghiệp cung ứng, đồng nghĩa với giảm nguồn thu, và chưa chắc người dân đã được hưởng lợi từ chính sách này do tính độc quyền của các doanh nghiệp cung ứng. Do đó, thay vì giảm thuế, cần thiết tăng mức hỗ trợ đầu tư cho lĩnh vực nông nghiệp nông thôn thông qua tăng đầu tư về cơ sở hạ tầng, công nghệ chế biến, duy trì đầu ra ổn định cho các sản phẩm nông nghiệp… là giải pháp cần tính đến.
      
Thuế GTGT là nguồn thu chủ yếu của ngân sách nhà nước nhưng luôn có tính chất hai mặt liên quan đến cơ chế quản lý thị trường và sức chịu đựng của các đối tượng điều chỉnh. Có lẽ việc bảo đảm công bằng tuyệt đối của một chính sách thuế, nhất là với thuế GTGT sẽ là rất khó thực hiện. Nhưng qua lần sửa đổi Luật Thuế GTGT lần này, Ban soạn thảo cũng cần phải tính toán tới mức độ tác động của chính sách tới đời sống KT- XH khi luật chính thức có hiệu lực. Thông qua đó, phải có những phân tích, dự báo chính xác và mang tính chất bao trùm tới sức chịu đựng của các đối tượng điều chỉnh, đồng thời bảo đảm mục tiêu không ảnh hưởng đến nguồn thu ngân sách cũng như việc tránh làm mất tính độc lập của công cụ thuế.

Nguồn: Báo Người Đại biểu nhân dân