Về một số nội dung trong dự thảo Luật NHNN
Người Việt Nam đang lo ngại sâu sắc về USD trong bối cảnh hệ thống tài chính của nước Mỹ tiếp tục ngập sâu trong rắc rối.

Điều 1, Chương I “Về vị trí, chức năng của NHNN Việt Nam” Các quy định về vị trí, chức năng của NHNN trong dự thảo không có gì thay đổi đáng kể so với Luật NHNN năm 1997. Trong khoản 1, Điều 1, Chương I (Những quy định chung) của dự thảo lần này có thêm 2 từ “ngang Bộ” để khẳng định vị trí của Ngân hàng Nhà nước cũng như các Bộ của các ngành khác. Quyền hạn, nhiệm vụ của Thống đốc NHNN cũng như quyền hạn, nhiệm vụ của các Bộ trưởng khác. Sự sửa đổi này chỉ là sự bổ sung đơn thuần để khẳng định vị thế của NHNN với tư cách là “người giúp việc” của Thủ tướng Chính phủ trên mặt trận tiền tệ – tín dụng – ngân hàng. Khoản 2, Điều 1 trong Dự thảo có ghi: “NHNN thực hiện chức năng quản lý nhà nước về tiền tệ và hoạt động ngân hàng; là ngân hàng phát hành tiền, ngân hàng của các ngân hàng và ngân hàng làm dịch vụ tiền tệ cho Chính phủ”. Nhằm khẳng định vị thế của NHNN; đồng thời, nhằm khái quát hoá các nhiệm vụ mà NHNN được Chính phủ giao, khoản 2, Điều 1 này nên sửa lại như sau “NHNN có chức năng quản lý nhà nước đối với các hoạt động tiền tệ – tín dụng – ngân hàng”. Để làm được chức năng này, NHNN đương nhiên phải là ngân hàng phát hành tiền. Nội dung “ngân hàng của các ngân hàng và ngân hàng làm dịch vụ tiền tệ cho Chính phủ” không cần thiết phải đưa vào. Khái niệm ngân hàng của các ngân hàng nhằm nói lên vai trò bao trùm của NHNN (đôi khi được ví von như là ngân hàng “mẹ”), nhưng trên thực tế đã không phải như vậy, vì chức năng, nhiệm vụ của NHNN và chức năng của các tổ chức tín dụng nói chung, của các NHTM nói riêng có sự khác nhau bắt nguồn từ vai trò của nó đối với nền kinh tế. Hơn nữa, nếu muốn đưa khái niệm “ngân hàng của các ngân hàng” trở thành một quy định mang tính pháp lý thì phần giải thích từ ngữ cần có định nghĩa chính xác. Rất tiếc, khái niệm này đã không có trong phần giải thích từ ngữ. Việc làm dịch vụ tiền tệ cho Chính phủ được xem như là “đương nhiên” vì NHNN là cơ quan của Chính phủ như đã khẳng định ở khoản 1, nên Điều 1 có thể không cần có quy định này. Sau khoản 2 (nói về chức năng của NHNN) thì khoản 3 nên nói đến nhiệm vụ của NHNN. Theo dự thảo, nội dung của khoản 3 là “Hoạt động của NHNN nhằm góp phần ổn định giá cả, bảo đảm an toàn hoạt động ngân hàng và hệ thống các tổ chức tín dụng và góp phần duy trì sự ổn định tài chính của đất nước để thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội theo định hướng Xã hội chủ nghĩa”. Nói đến hoạt động của NHNN là nói đến các lĩnh vực công việc cần phải làm. Do vậy, nếu với cách dự thảo như thế này, thì hoạt động của NHNN chưa được làm rõ, nhưng lại nói ngay đến mục tiêu của hoạt động đó là “nhằm góp phần ổn định giá cả”. Đáng lưu ý ở đây là, khi nói đến hoạt động của NHNN, dự thảo đề cập ngay đến mục tiêu của nó là “góp phần ổn định giá cả”. Trên thực tế, không chỉ ngành Ngân hàng mà bất cứ hoạt động của ngành kinh tế nào của đất nước cũng đều phải “góp phần ổn định giá cả”; đặc biệt là ngành Tài chính, Kế hoạch – Đầu tư, Công thương… Vì vậy, mục tiêu hoạt động của ngành Ngân hàng được thể hiện trong dự thảo không có gì là nét đặc trưng của một trong những ngành kinh tế tổng hợp, đặc thù. Hơn nữa, “góp phần ổn định giá cả” được xem như là mục tiêu hàng đầu trong hoạt động của NHNN là không hợp lý. Ngoài mục tiêu này ra, hoạt động của NHNN còn phải “bảo đảm an toàn hoạt động ngân hàng và hệ thống các tổ chức tín dụng”. Lưu ý rằng, sự an toàn trong hoạt động ngân hàng và hệ thống các tổ chức tín dụng được quyết định bởi chính năng lực quản lý, điều hành của những người đứng đầu trong các lĩnh vực này. Đặc biệt, sau khi thực hiện việc đổi mới hoạt động ngân hàng, chức năng quản lý nhà nước và chức năng kinh doanh đã có sự tách bạch rất rõ ràng. Nên nếu đặt vấn đề, NHNN chịu trách nhiệm về “bảo đảm an toàn hoạt động ngân hàng và hệ thống các tổ chức tín dụng” thì liệu quy định như vậy có “quá sức” đối với quyền hạn và trách nhiệm của NHNN hay không. Từ phân tích như vậy, thiết nghĩ rằng, khoản 3 trong dự thảo nên sửa lại là: “Nhiệm vụ chủ yếu của NHNN là hoạch định và tổ chức chỉ đạo thực hiện chính sách tiền tệ – tín dụng – ngân hàng theo từng thời kỳ phát triển kinh tế – xã hội của đất nước nhằm ổn định sức mua của Đồng Việt Nam; góp phần quan trọng vào phát triển kinh tế – xã hội của Việt Nam theo những nguyên tắc cơ bản của kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa”.

Điều 2, Chương I: “Chính sách tiền tệ quốc gia” Theo dự thảo, chính sách tiền tệ quốc gia được xác định “là một bộ phận của chính sách kinh tế của Nhà nước nhằm mục tiêu hàng đầu là góp phần ổn định giá cả, thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội, nâng cao đời sống của nhân dân”. Cách thể hiện như thế này mới chỉ nói lên vị trí của chính sách tiền tệ, chưa nói lên được nội dung của chính sách tiền tệ là gì. Trong khi nội dung của chính sách tiền tệ chưa được nói đến thì đã nói ngay đến mục tiêu của chính sách tiền tệ. Đây cũng là lý do mà việc xác định mục tiêu của chính sách tiền tệ như trong dự thảo là chưa chính xác (góp phần ổn định giá cả). Thiết nghĩ rằng, chính sách tiền tệ quốc gia phải được xem như là một trong những công cụ kinh tế quan trọng nhất của Nhà nước để quản lý và điều hành mọi hoạt động trong lĩnh vực tiền tệ – tín dụng – ngân hàng. Với công cụ này, mọi nguồn vốn nhàn rỗi trong nền kinh tế được huy động để đáp ứng nhu cầu đầu tư, mở rộng sản xuất kinh doanh ngày càng tăng lên của nền kinh tế. Vì vậy, các công cụ chủ yếu của chính sách tiền tệ quốc gia như lãi suất, tín dụng, tỷ giá hối đoái, và nhiều công cụ phái sinh khác phải được sử dụng một cách có hiệu quả nhất trong từng giai đoạn phát triển khác nhau của nền kinh tế. Do vậy, khi quan niệm rằng, chính sách tiền tệ quốc gia là một trong những công cụ kinh tế quan trọng nhất của Nhà nước trong quản lý và điều hành mọi hoạt động trong lĩnh vực tiền tệ – tín dụng – ngân hàng thì, mục tiêu hàng đầu của chính sách tiền tệ quốc gia phải là ổn định sức mua của đồng tiền. Vì thế, chính sách tiền tệ quốc gia cần được xác định đúng. Khi chính sách tiền tệ quốc gia được xác định đúng thì mục tiêu, nội dung hoạt động, các công cụ của chính sách tiền tệ quốc gia mới được xác định một cách chính xác. Từ những phân tích trên đây, chính sách tiền tệ quốc gia nên được xác định như sau: “Chính sách tiền tệ quốc gia là chính sách sử dụng tiền tệ để phát triển kinh tế – xã hội của đất nước thông qua việc sử dụng các công cụ tiền tệ trong từng thời kỳ khác nhau theo những nguyên tắc cơ bản của kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa với mục tiêu hàng đầu là ổn định sức mua của đồng tiền quốc gia”. Với cách xác định như trên thì chính sách tiền tệ quốc gia mới phản ánh được đặc điểm riêng có của ngành Ngân hàng, một ngành kinh tế đặc thù với đặc trưng là sử dụng tiền tệ với tư cách là một loại “hàng hoá đặc biệt” trong kinh tế thị trường làm công cụ để phát triển kinh tế – xã hội. Do vậy, nếu chính sách tiền tệ quốc gia được xác định như dự thảo thì với nội dung ấy, chỉ cần thay đổi hai chữ “tiền tệ” là có thể có được chính sách của một ngành nào đó. Ví dụ, khi thay hai chữ “tiền tệ” thành hai chữ “tài chính” thì nó sẽ là chính sách tài chính quốc gia. Mà chính sách tài chính quốc gia cũng như chính sách nông nghiệp, thương mại quốc gia cũng đều là một bộ phận của chính sách kinh tế; và đều phải góp phần ổn định giá cả. Khi khẳng định chính sách tiền tệ là chính sách sử dụng tiền tệ để phát triển kinh tế – xã hội thì việc sử dụng các công cụ tiền tệ có một vai trò cực kỳ quan trọng trong quản lý và điều hành ở tầm vĩ mô. Vì tầm quan trọng đặc biệt của chính sách tiền tệ trong nền kinh tế nên việc xác định đúng nội dung của chính sách tiền tệ, các công cụ được sử dụng để thực hiện mục tiêu của chính sách tiền tệ cần được xem xét, cân nhắc thật kỹ lưỡng.

Điều 3, Chương I: “Quyết định và tổ chức thực hiện chính sách tiền tệ quốc gia”. Khoản 1 Điều 2 có ghi: Quốc hội quyết định mục tiêu lạm phát cho từng thời kỳ và giám sát việc thực hiện chính sách tiền tệ quốc gia để đạt mục tiêu lạm phát”. Có thể có sự nhầm lẫn giữa tỷ lệ lạm phát tiền tệ hàng năm với mục tiêu của chính sách tiền tệ quốc gia nên quy định “Quốc hội quyết định mục tiêu lạm phát cho từng thời kỳ” là không chính xác. Trước hết, lạm phát tiền tệ không bao giờ là “mục tiêu” để hướng tới. Lạm phát là một hiện tượng kinh tế tất yếu phải xẩy ra trong quá trình phát triển kinh tế – xã hội cần phải được kiềm chế và đẩy lùi. Hơn nữa, tỷ lệ lạm phát tiền tệ thường được Quốc hội phê duyệt hàng năm căn cứ vào báo cáo tường trình của Thủ tướng Chính phủ vào kỳ họp Quốc hội cuối năm. Lưu ý rằng, Quốc hội không chỉ phê duyệt chỉ tiêu lạm phát hàng năm mà còn có trách nhiệm xem xét chính sách tiền tệ quốc gia cho từng thời kỳ phát triển kinh tế – xã hội, đặc biệt là các chính sách thu hút vốn và đầu tư trong nước cũng như ngoài nước; chính sách quản lý và kiểm soát ngoại hối; chính sách cho vay đối với các phần kinh tế; đặc biệt là chính sách lãi suất, chính sách tỷ giá hối đoái… Đây cũng là những nội dung quan trọng trong chính sách tiền tệ quốc gia mà các đại biểu Quốc hội thường rất quan tâm. Chính vì sự phức tạp của chính sách tiền tệ quốc gia nên theo kinh nghiệm của nhiều nước, Hội đồng tư vấn chính sách tiền tệ quốc gia cũng sẽ được thành lập (theo dự thảo). Vì đặc điểm riêng của chính sách tiền tệ quốc gia, nên quy định rằng, Chính phủ quyết định các chính sách, biện pháp về tiền tệ nhằm thực hiện mục tiêu chính sách tiền tệ quốc gia như trong dự thảo (khoản 2, Điều 3) là chưa phù hợp. Trong Điều 3 (Chương I) của dự thảo, ai là người thông qua và phê duyệt chính sách tiền tệ quốc gia đã không được nói đến. Khoản 2 (Điều 3 – Chương I) có ghi: “Chính phủ quyết định các chính sách, biện pháp về tiền tệ”. “Các chính sách” ở đây được hiểu như thế nào, chúng có bao gồm cả chính sách tiền tệ quốc gia hay chúng chỉ là các chính sách “tầng dưới” sau chính sách tiền tệ?

Điều 4, Chương I: “Hội đồng tư vấn chính sách tiền tệ quốc gia”. Hiện nay, trên thế giới chưa có nước nào đưa quy định về Hội đồng tư vấn chính sách tiền tệ quốc gia vào Luật Ngân hàng. Luật của Ngân hàng Trung ương Pháp có một số điều quy định về Hội đồng chính sách tiền tệ. Luật Ngân hàng của Nhật Bản có riêng một chương nói về Hội đồng chính sách. Hội đồng chính sách tiền tệ của Pháp và Hội đồng chính sách của Nhật thực chất là những cơ quan quyền lực tối cao của Ngân hàng; vừa quyết định các chính sách về hoạt động kinh doanh của ngân hàng; vừa kiểm tra, giám sát các hoạt động của các tổ chức tín dụng. Vì vậy, nếu Luật đưa ra quy định về việc thành lập Hội đồng tư vấn chính sách tiền tệ quốc gia với các thành viên được cử ra từ Chính phủ và đại diện của một vài Bộ, Ngành liên quan…, thì e rằng tác dụng của Hội đồng này sẽ là rất ít vì Hội đồng làm việc chỉ với tư cách tư vấn cho Chính phủ. Hơn nữa, Hội đồng tư vấn chính sách tiền tệ quốc gia được quy định bằng những quy phạm trong Luật Ngân hàng Nhà nước; nhưng, “nhiệm vụ và quyền hạn” của nó lại do Chính phủ quy định (khoản 3, Điều 3). Nếu việc thành lập Hội đồng tư vấn chính sách tiền tệ quốc gia thực sự là một yêu cầu và phải được điều chỉnh bằng Luật Ngân hàng, thì các quy định về Hội đồng tư vấn chính sách tiền tệ quốc gia cần được quy định một cách cụ thể; đặc biệt là các quy định về nhiệm vụ và quyền hạn của Hội đồng; cũng như những quyền lợi vật chất mà các thành viên trong Hội đồng được hưởng (nhằm đảm bảo tính công khai, minh bạch). Thiết nghĩ rằng, vì NHNN là cơ quan ngang Bộ (như dự thảo), nên Hội đồng tư vấn chính sách tiền tệ quốc gia nên là cơ quan thuộc Văn phòng Chính phủ. Có như vậy, việc tư vấn cho Thủ tướng Chính phủ mới đảm bảo được tính khách quan của nó.

Điều 5, chương I: “Nhiệm vụ và quyền hạn của NHNN” Tên gọi của Điều này là “Nhiệm vụ và quyền hạn của NHNN” nên cần tách ra những nội dung nào là nhiệm vụ, những nội dung nào là quyền hạn. Việc thể hiện các nội dung trong Điều này cần được sắp xếp cho phù hợp với tên gọi nó. Thông thường thì quyền hạn thường đi kèm với nhiệm vụ được giao. Tuy nhiên, không phải vì thế mà giữa nhiệm vụ và quyền hạn lại không được phân biệt. Do vậy, Điều này cần tách ra 2 phần. Một phần nói về nhiệm vụ; một phần nói về quyền hạn. Cụ thể: Về nhiệm vụ, bao gồm các khoản 1, 2, 3, 4, 7, 9, 11, 12, 14, 15, 16, 18, 19, 20, 21; quyền hạn, bao gồm các khoản còn lại trong dự thảo. Việc tách biệt các nội dung thuộc quyền hạn và nhiệm vụ không chỉ có ý nghĩa làm rõ những việc NHNN phải làm, mà quan trọng hơn là khẳng định NHNN có những quyền hạn gì. Trong những quyền mà NHNN có được theo Luật định như: Cấp, thu hồi giấy phép thành lập và hoạt động của các tổ chức tín dụng; quyết định giải thể, chấp thuận chia, tách, hợp nhất, sáp nhập các tổ chức tín dụng; và thanh tra, giám sát an toàn hoạt động ngân hàng; quản lý và giám sát hoạt động tín dụng, thanh toán; xử lý các vi phạm pháp luật trong lĩnh vực tiền tệ và hoạt động ngân hàng theo thẩm quyền; … là những quyền rất lớn của NHNN. Việc bố trí các khoản trong Điều này cần được điều chỉnh theo hướng những nhiệm vụ chủ yếu, quan trọng nhất của NHNN cần được bố trí trước. Ví dụ, nhiệm vụ tham gia xây dựng chiến lược và kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội của Nhà nước không phải là nhiệm vụ hàng đầu, chủ yếu, quan trọng và thường xuyên của NHNN nên không nên bố trí vào vị trí số 1 như trong dự thảo. Nhiệm vụ chủ yếu, hàng đầu và quan trọng nhất và thường xuyên nhất của NHNN phải là nhiệm vụ hoạch định và điều hành chính sách tiền tệ quốc gia. Tại khoản 2 Điều 5 dự thảo có ghi: “Xây dựng định hướng và giải pháp điều hành chính sách tiền tệ quốc gia, tổ chức và báo cáo kết quả thực hiện chính sách này”. Tại khoản 16 Điều 5 dự thảo lại quy định: “Điều hành các công cụ chính sách tiền tệ quốc gia và thực hiện các giải pháp khác để đạt mục tiêu chính sách tiền tệ quốc gia”. Hai khoản này (2 và 16) đều nói đến chính sách tiền tệ quốc gia; nhưng việc thể hiện như trong dự thảo là không ổn. Trước hết, đặt vấn đề “xây dựng định hướng” là không chính xác. Định hướng thường là các mục tiêu cần hướng tới. Các mục tiêu cần hướng tới bao giờ cũng được đặt ra trước khi hoạch định chính sách. Do vậy, nếu xem đây là nhiệm vụ quan trọng, chủ yếu hàng đầu của NHNN thì nhiệm vụ được đặt ra nên là “xây dựng” hoặc “hoạch định” và điều hành chính sách tiền tệ quốc gia. Kết quả điều hành chính sách tiền tệ quốc gia của một thời kỳ nào đó, ví dụ trong một năm, NHNN có trách nhiệm báo cáo cho Chính phủ, cho Quốc hội – là những địa chỉ quan trọng nhất. Tuy nhiên, dự thảo chỉ nói một các rất mơ hồ là: “Xây dựng …, tổ chức báo cáo kết quả thực hiện chính sách này”. Người đọc Luật sẽ không hiểu báo cáo này gửi cho ai! Khoản 16, Điều 5 là: “Điều hành các công cụ chính sách tiền tệ quốc gia và thực hiện các giải pháp khác để đạt mục tiêu chính sách tiền tệ quốc gia”. Nếu muốn giữ lại khoản này thì nên sửa lại là “Điều hành chính sách tiền tệ quốc gia bằng các công cụ tiền tệ (như lãi suất, tỷ giá hối đoái, dự trữ bắt buộc, nghiệp vụ thị trường mở…)”. Việc sử dụng các công cụ tiền tệ trong điều hành chính sách tiền tệ quốc gia là một trong những nhiệm vụ trọng tâm, hàng đầu và chủ yếu của NHNN. Ngoài việc sử dụng các công cụ tiền tệ để điều hành chính sách tiền tệ quốc gia còn có “các giải pháp khác để đạt mục tiêu chính sách tiền tệ quốc gia” như dự thảo đã ghi. Những giải pháp này là gì cần được nói rõ, nếu không sẽ xẩy ra tình trạng tuỳ tiện trong vận dụng Luật vào thực tế. Nhìn chung, Điều 5 trong dự thảo Luật chưa đáp ứng được yêu cầu về nội dung cũng như hình thức thể hiện. Những sự thiếu chuẩn xác về ngôn ngữ cần được khắc phục để đảm bảo tính chặt chẽ và logic của văn phong luật. Điều 6, chương I: “Trách nhiệm của các Bộ, cơ quan ngang Bộ…” Luật NHNN hay luật của một ngành nào đó đều do Nhà nước ban hành; vì vậy, mọi thành viên trong xã hội đều có trách nhiệm và nghĩa vụ chấp hành; kể cả tổ chức và cá nhân. Vì thế, có một điều quy định về “trách nhiệm..” như vậy có thể không cần thiết. Để mọi thành viên trong xã hội chấp hành luật, vấn đề là các ngành có các Bộ luật của ngành mình cần phối hợp, kết hợp với các ngành hữu quan, chứ không nên đặt vấn đề các ngành hữu quan có trách nhiệm phải phối hợp với một ngành nào đó trong việc thực thi luật. Hơn nữa, việc phối kết hợp để thực hiện một loại nhiệm vụ nào đó chỉ có ý nghĩa đơn thuần về phương pháp, lề lối làm việc chứ không mang tính quy phạm pháp luật, có tính bắt buộc.

Điều 7: “Giải thích từ ngữ” Việc đưa một điều vào luật để giải thích từ ngữ rất ít được thấy ở các Bộ Luật Ngân hàng của các nước. Trong trường hợp cần thiết phải đưa thì sự chính xác của các từ ngữ cần giải thích là vô cùng quan trọng. Trong Luật NHNN năm 1997 đã có trường hợp giải thích sai đối với khái niệm “tỷ giá hối đoái”. Rất may, sự sai này đã được phản ánh kịp thời trên Tạp chí Ngân hàng nên đã được sửa vào năm 2003. Cần nhấn mạnh rằng, khi luật giải thích sai một thuật ngữ, một khái niệm chuyên ngành nào đó thì không chỉ những người sử dụng luật có thể mắc phải sai lầm trong hoạch định chính sách; mà cả trong chỉ đạo thực hiện của những người điều hành ở tầm vi mô, mà còn gây tranh cãi không cần thiết cho những người làm công việc nghiên cứu, giảng dạy và học tập. – “Tiền tệ” trong dự thảo Luật lần này vẫn được giải thích là: “phương tiện thanh toán, bao gồm tiền giấy, tiền kim loại, và các giấy tờ có giá như tiền”. Cách giải thích này chưa phản ảnh được đầy đủ bản chất kinh tế của tiền tệ là gì. Thiết nghĩ rằng, tiền tệ không chỉ là phương tiện thanh toán; và hình thức biểu hiện của tiền tệ cũng không chỉ là tiền giấy, tiền kim loại, và các giấy tờ có giá như tiền. Để tiền tệ được hiểu một cách đầy đủ hơn, chính xác hơn, “tiền tệ” nên được hiểu là “một loại công cụ kinh tế quan trọng được sử dụng để làm phương tiện thanh toán, chi trả trong trao đổi hàng hoá – dịch vụ, để cho vay, để đầu tư nhằm phát triển kinh tế xã hội của nhà nước cũng như của dân chúng; làm công cụ hạch toán kinh tế và hạch toán kế toán; và làm phương tiện để tích luỹ và cất giữ tài sản. Có thể nói với cách “định nghĩa” này, tiền tệ mới phản ánh được đầy đủ các chức năng vốn có của nó (phương tiện trao đổi, đơn vị tính toán giá trị, phương tiện tích luỹ giá trị). – “Thanh tra ngân hàng là hoạt động thanh tra của NHNN đối với rủi ro và an toàn hoạt động ngân hàng; đối với tổ chức, cá nhân trong việc chấp hành pháp luật về tiền tệ và hoạt động ngân hàng” (khoản 16, Điều 7 dự thảo). Cách giải thích thanh tra như dự thảo chưa nói lên được bản chất của thanh tra ngân hàng là một loại thanh tra chuyên ngành; mà đối tượng để thanh tra là hoạt động của các tổ chức tín dụng, hoạt động ngân hàng của các tổ chức không phải ngân hàng. Đối tượng thanh tra của NHNN không phải là vấn đề “rủi ro”, vấn đề “an toàn” như dự thảo đã thể hiện. Chương I- Chương: “Những quy định chung” là một chương rất quan trọng. Sự chính xác trong các quy định của chương này có ý nghĩa quyết định đến nội dung của các Điều, khoản ở những chương sau. Hy vọng rằng, bài viết này sẽ được sự chia sẻ của tất cả những ai quan tâm đến các vấn đề đã nêu; nhằm có thể góp phần nhỏ cho các nhà soạn thảo và xây dựng Luật Ngân hàng Nhà nước trong quá trình tham khảo.

Nguồn: Ngân hàng Nhà nước