VFA: Xuất khẩu gạo 2013 đầy khó khăn
Người Việt Nam đang lo ngại sâu sắc về USD trong bối cảnh hệ thống tài chính của nước Mỹ tiếp tục ngập sâu trong rắc rối.

Lượng tăng, giá giảm

Theo số liệu mới nhất của VFA, tính đến ngày 6-12, khối lượng xuất khẩu gạo của Việt Nam đạt 7,256 triệu tấn, trị giá đạt 3,234 tỉ đô la Mỹ. So với năm 2011, lượng gạo xuất khẩu gạo đã vượt khoảng 150 triệu tấn (năm 2011 đạt 7,105 triệu tấn).

Dù khối lượng xuất khẩu đã vượt qua năm 2011 nhưng xét về trị giá thì kim ngạch xuất khẩu gạo của Việt Nam hiện vẫn còn thấp hơn năm ngoái gần 300 triệu đô la Mỹ (năm 2011 đạt trên 3,5 tỉ đô la Mỹ).

Tuy nhiên giá gạo xuất khẩu của Việt Nam lại không tăng đều so với lượng xuất khẩu gạo của Việt Nam. Theo VFA, giá xuất khẩu gạo bình quân 11 tháng đầu năm 2012 của Việt Nam đạt 445,56 đô la Mỹ/tấn (giá FOB), giảm 43,03 đô la Mỹ/tấn so với cùng kỳ năm ngoái.

Lý giải nguyên nhân giá bán thấp, Phó chủ tịch VFA Phạm Văn Bảy cho rằng do xuất khẩu gạo của Việt Nam gặp cạnh tranh gay gắt nguồn cung giá rẻ từ Ấn Đô, Pakistan và Myanmar.

Trái ngược với khối lượng gạo xuất khẩu đã đạt được, diễn biến giá lúa, gạo nội địa càng về cuối năm lại càng “co” mạnh. Theo các thương nhân mua lúa tại An Giang, Đồng Tháp, hiện lúa IR 50404 tươi có giá 4.400-4.500 đồng/kí lô gam và 5.100-5.200 đồng/kí lô gam đối với lúa khô, giảm 1.200-1.400 đồng/kí lô gam so với mức giá cách nay khoảng một tháng (tùy loại).

Giá gạo nguyên liệu và thành phẩm hiện cũng giảm từ 1.000- 1.300 đồng/kí lô gam so với mức giá cách nay một tháng. Cụ thể, gạo nguyên liệu của giống IR 50404 có giá 6.800- 6.900 đồng/kí lô gam; 6.900 – 7.000 đồng/kí lô gam đối với gạo nguyên liệu của giống lúa hạt dài và 8.000- 8.100 đồng/kí lô gam đối với gạo thành phẩm (tùy loại IR 50404 hay gạo hạt dài).

Khó khăn ở phía trước

VFA nhận định tình hình xuất khẩu gạo năm 2013 sẽ rất khó khăn. “Theo đánh giá của chúng tôi, tình hình còn khó hơn cả những tháng đầu năm 2012”, ông Bảy cho biết.

Theo ông Bảy, đến thời điểm này, vẫn chưa có hợp đồng xuất khẩu gạo số lượng lớn nào được chuyển qua năm 2013, trong khi đó hợp đồng chuyển từ năm 2011 sang năm 2012 là khoảng 800.000 tấn.

Theo VFA, số lượng hợp đồng còn lại phải giao từ tháng 12-2012 trở đi là 951.000 tấn; trong đó, tháng 12 dự kiến giao 550.000 tấn. Như vậy, nếu căn cứ vào số lượng hợp đồng còn lại phải giao và số lượng giao trong tháng 12, thì số lượng chuyển sang năm 2013 là 401.000 tấn.

“Chúng tôi đang tích cực tìm kiếm hợp đồng, đặc biệt là những hợp đồng lớn nhưng đến thời điểm này vẫn chưa có”, ông Bảy cho biết.

Tuy nhiên, ông Phạm Thái Bình, Giám đốc Công ty TNHH Trung An tại thành phố Cần Thơ – một doanh nghiệp xuất khẩu gạo lớn ở ĐBSCL, lại cho rằng tình xuất khẩu khó khăn ngay lúc này là quá vội vàng.

Theo ông Bình, hiện tại là thời điểm cuối năm, kế hoạch nhập khẩu trong năm của các nước đã hoàn thành, vì vậy không ký được hợp đồng lúc này là chuyện bình thường. “Tôi nghĩ, họ (VFA) la tình hình khó khăn để được hưởng một số ưu đãi của Chính phủ thôi. Tuy nhiên, đây lại là lý do để các nước nhập khẩu viện cớ hạ giá gạo của Việt Nam xuống”, ông Bình cho biết.

Ông Bình cho rằng bây giờ cần bình tĩnh nhận diện thị trường thay vì than khó.

Nguồn: Thời báo Kinh tế Sài Gòn Online