Việt Nam kêu gọi xoá bỏ rào cản thương mại
Người Việt Nam đang lo ngại sâu sắc về USD trong bối cảnh hệ thống tài chính của nước Mỹ tiếp tục ngập sâu trong rắc rối.

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã nhấn mạnh như vậy tại Hội nghị thượng đỉnh Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi (G-20) tại Toronto (Canada) hôm 27.6. Thủ tướng khẳng định, nhiệm vụ đối phó với suy thoái kinh tế không phải là cơ sở cho phép các nước quay lại sử dụng các biện pháp bảo hộ thiển cận và ích kỷ.

Chưa giải quyết tận gốc nguyên nhân khủng hoảng

Phát biểu tại các phiên làm việc trong khuôn khổ Hội nghị G-20, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng – trên cương vị Chủ tịch ASEAN – đã nêu bật những quan điểm của ASEAN về kinh tế thế giới: Triển vọng và thách thức, về chống chủ nghĩa bảo hộ và thúc đẩy thương mại, đầu tư, về cải cách tài chính quốc tế.

Thủ tướng cho biết, tuy kinh tế thế giới đã vượt qua giai đoạn khó khăn nhất, nhưng vẫn còn tiềm ẩn nhiều rủi ro và thách thức do sự phục hồi kinh tế diễn ra chưa đồng đều và rộng khắp. Những nguyên nhân sâu xa dẫn đến khủng hoảng tài chính toàn cầu chưa được giải quyết triệt để và không loại trừ khả năng sẽ làm bùng phát thêm những cuộc khủng hoảng ở cấp độ quốc gia và quốc tế.

Vì vậy, ASEAN cho rằng các biện pháp chính sách của G-20 cần hướng tới mục tiêu bảo đảm kinh tế thế giới phục hồi bền vững và tăng trưởng cân bằng, đều khắp. Thủ tướng nêu rõ, ASEAN ủng hộ việc củng cố tài khoá trên cơ sở “thân thiện với tăng trưởng”, áp dụng có phân biệt và linh hoạt tuỳ theo hoàn cảnh mỗi nước, đảm bảo duy trì động lực phục hồi kinh tế và sự lành mạnh của hệ thống tài chính, đồng thời cần tránh tác động tiêu cực đối với tăng trưởng nói chung cũng như đến ODA và các dòng vốn chảy vào các nước đang phát triển.

Theo Thủ tướng, bên cạnh việc giải quyết những thách thức trước mắt, cần tiếp tục quan tâm tới những vấn đề mang tính cốt lõi và dài hạn như xây dựng các mô hình phát triển kinh tế bền vững; giải quyết các vấn đề phát triển, bao gồm thu hẹp khoảng cách phát triển giữa các nhóm nước; đối phó với các thách thức toàn cầu như biến đổi khí hậu, mất an ninh lương thực và an ninh năng lượng…

Chống bảo hộ

Liên quan đến việc chống chủ nghĩa bảo hộ và thúc đẩy thương mại, đầu tư, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nêu rõ, Việt Nam và ASEAN quan ngại trước tiến triển chậm chạp của Vòng đàm phán Doha và kêu gọi G-20 đi đầu trong các nỗ lực thúc đẩy hoàn tất Vòng Doha trong thời gian sớm nhất. ASEAN hoan nghênh G-20 đã thể hiện thái độ mạnh mẽ phản đối mọi hình thức của chủ nghĩa bảo hộ thương mại và đầu tư, đặc biệt thoả thuận kéo dài thêm 3 năm cam kết không gia tăng hay áp đặt các rào cản mới đối với đầu tư và thương mại hàng hoá và dịch vụ.

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nhấn mạnh là nước phải chịu nhiều biện pháp bảo hộ trá hình của một số nước phát triển, Việt Nam kêu gọi G-20 tiếp tục có các biện pháp cụ thể xoá bỏ các rào cản đối với thương mại và đầu tư trực tiếp nước ngoài. Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đề xuất ASEAN cùng với các khối, các tổ chức thương mại tự do và hợp tác kinh tế khác cùng G-20 soạn thảo và ra một tuyên bố chung quyết tâm thúc đẩy Vòng đàm phán Doha kết thúc trong 12 tháng tới.

Tăng cường phục hồi là mục tiêu quan trọng

Sáng 28.6 (giờ Hà Nội), Hội nghị thượng đỉnh G-20 đã bế mạc và thông qua tuyên bố chung của các lãnh đạo G-20. Các nhà lãnh đạo nhất trí cho rằng: “Để duy trì phục hồi, cần hoàn tất những kế hoạch kích thích kinh tế hiện hữu, cùng lúc với việc tạo điều kiện đẩy mạnh sức cầu tư nhân.

Đồng thời, những diễn tiến gần đây đã nêu bật tầm quan trọng của hoạt động tài chính công bền vững và yêu cầu buộc các nước đưa ra kế hoạch thực hiện ổn định ngân sách một cách đáng tin cậy, theo từng giai đoạn hợp lý và có lợi cho tăng trưởng, có xét đến sự khác biệt và phải phù hợp với hoàn cảnh quốc gia”.

• “Chúng ta không thể nào vội vã tìm lối thoát (cho tất cả) cùng một lúc” – Tổng thống Mỹ B.Obama bình luận.

• “Đây là trò chơi đi trên dây mà chúng ta phải vượt qua” – Thủ tướng Canada Stephen Harper nói. Ông giải thích, để phục hồi bền vững, các nước cần phải cân bằng giữa chi tiêu ngân sách và thực hiện các kế hoạch kích thích kinh tế.

Nguồn:  TTXVN, AP, Reuteurs Báo Điện tử Lao động