Việt Nam phấn đấu chỉ còn 5% tỷ lệ hộ nghèo vào năm 2020
Người Việt Nam đang lo ngại sâu sắc về USD trong bối cảnh hệ thống tài chính của nước Mỹ tiếp tục ngập sâu trong rắc rối.

Phóng viên (PV): Thứ trưởng có thể cho biết khái quát về tình hình xoá đói giảm nghèo cuả Việt Nam trong năm 2007?

Thứ trưởng Hồ Xuân Hùng (HXH): Trong những năm qua sản xuất nông nghiệp và kinh tế nông thôn vẫn có những bước tăng trưởng đều và ổn định với tốc độ tăng trưởng đạt trên 4%/năm. Kinh tế nông nghiệp, nông thôn đã phát triển đa dạng. Nhờ có sự hỗ trợ của Nhà nước về xây dựng hạ tầng, phát triển các cụm công nghiệp và dịch vụ, nên đã thu hút được nhiều nguồn vốn trong dân và từ bên ngoài, tạo ra nhiều việc làm phi nông nghiệp.

Những thay đổi trên đã góp phần quan trọng vào công cuộc xóa đói giảm nghèo ở nông thôn Việt Nam. Tỷ lệ hộ nghèo ở Việt Nam đã giảm nhanh, bình quân mỗi năm giảm 31 vạn hộ (2,06%), đến cuối năm 2003 tỷ lệ hộ nghèo cả nước còn 11% so với mức 17,2% vào đầu năm 2001 và đến cuối năm 2005 còn 8,7% (theo tiêu chí cũ). Nếu tính theo tiêu chí mới giai đoạn 2006-2010 tỷ lệ hộ nghèo năm 2005 là 22,2% và đến năm 2006 giảm còn 18%, năm 2007 tỷ lệ hộ nghèo toàn quốc còn 14,7%. Do đó, Việt Nam đã được cộng đồng quốc tế đánh giá là một trong những nước giảm tỷ lệ đói nghèo tốt nhất trên toàn thế giới.

Mặc dù đạt được những thành tựu đáng tự hào, nhưng nước ta vẫn là một nước có mức thu nhập bình quân đầu người vào loại thấp (GDP bình quân đầu người năm 2006 đạt 11,5 triệu đồng tương đương với 720 USD), tỷ lệ hộ nghèo còn lớn, tốc độ giảm nghèo không đồng đều giữa các vùng.

Nghèo đói vẫn tập trung chủ yếu ở khu vực nông thôn (chiếm khoảng 90% tổng số hộ nghèo cả nước). Trong đó, các vùng Tây Bắc, Tây Nguyên, Tây Nam Bộ, Bắc Trung Bộ vẫn là những vùng có tỷ lệ hộ nghèo cao nhất cả nước. Các vùng này cho đến nay vẫn có tỷ lệ nghèo trên 15%. Trên phạm vi cả nước, vẫn còn tới 20 tỉnh có tỷ lệ hộ nghèo trên 15% và 4 tỉnh có tỷ lệ hộ nghèo trên 20%. Khu vực miền núi, vùng đồng bào dân tộc thiểu số có tỷ lệ hộ nghèo còn cao hơn nữa.

PV: Sau nhiều năm Đảng và Nhà nước đã nỗ lực trong công tác xoá đói giảm nghèo nhưng đến nay vẫn chưa đạt được kết quả như mong muốn. Theo Thứ trưởng nguyên nhân nào dẫn đến tình trạng trên?

Thứ trưởng HXH: Muốn giải quyết công tác xoá đói giảm nghèo, chúng ta cần tìm rõ nguyên nhân, mà chủ yếu tập trung ở một số điểm sau:

Thứ nhất, bên cạnh nỗ lực của người dân còn có những “điều kiện gây nghèo” ngòai mong muốn. Ví như người nghèo bao giờ cũng thiếu nhất những cái người giàu có như kiến thức kinh doanh, vốn bằng tiền, các điều kiện khác như thiên nhiên, xã hội, gia đình họ và những điều kiện khiến không nghèo cũng thành nghèo…Đây là sự luẩn quẩn lớn nhất của người nghèo.

Thứ hai, đầu tư của chúng ta để tạo bước ngoặt cho người nghèo chưa lớn. Có nhiều nguyên nhân, như sự đầu tư của Chính phủ chưa lớn, nhưng cũng có thể do bố trí cơ cấu đầu tư của Chính phủ và của các tổ chức từ thiện khác, tổ chức doanh nghiệp thành đạt trong cộng đồng họ hàng, làng xóm cùng nhau thoát nghèo chưa đủ mạnh mẽ.

– Các dự án đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, tạo bước ngoặt cho việc xoá đói giảm nghèo tại các vùng nông thôn Việt Nam còn chưa đúng mức. Bố trí cơ cấu đầu tư của Chính phủ và các tổ chức xã hội, các doanh nghiệp chưa đủ để thực hiện công tác xoá đói giảm nghèo một cách có hiệu quả.

Thứ ba, trong chính sách của ta xung quanh việc giảm nghèo, tạo nên sự thống nhất quả là rất khó. Có quan điểm cho rằng “con béo kéo con gầy”, tức là tạo một điểm hút để kéo người giàu đầu tư vào người nghèo. Nhưng cũng có quan điểm là chia đều, tạo một sự bình quân trong phát triển để cùng nhau xóa đói giảm nghèo. Cũng có quan điểm phải dồn cho người nghèo, thậm chí cho cả gạo ăn, quần áo, tiền bạc để họ vượt nghèo. Có quan điểm lại cho “cần câu”, chứ không cho “con cá”. Nhưng cái gì là “cần câu”? Có người bảo cho vay tiền là “cần câu”, hay cho kiến thức để họ vượt lên là “cần câu”…những ý kiến đó đang còn tranh luận rất nhiều. Cho nên người nghèo vẫn đang tiếp tục phải hứng chịu cái nghèo.

Thứ tư, là sự ỷ lại. Một là ỷ lại từ những người trực tiếp tham gia công cuộc xóa đói giảm nghèo. Hai là bản thân những người nghèo. Nói đúng ra những người nghèo ỷ lại và trông chờ vào Chính phủ thì không đúng lắm, nhưng họ chưa đủ sức vượt qua những giới hạn của họ. Cho nên sự ỷ lại này, có thể nói tự họ không “cởi” được. Mà các tổ chức xã hội của họ, các cơ quan Nhà nước, các Đoàn thể quần chúng phải giúp họ tháo “ách ỷ lại”. Đây là nguyên nhân mà cá nhân tôi cho rất lớn. Nếu không tập trung vào thì khó mà giảm nghèo được. . Ngoài ra, một số yếu tố khác như điều kiện tự nhiên, phong tục tập quán của từng đại phương, từng dân tộc khác nhau ảnh hưởng đến suy nghĩ và lối sống. Đây cũng là một trong những nguyên nhân chính dẫn đến cuộc sống của nười nông dân các vùng sâu, vùng xa rất thấp.

PV: Để thực hiện công tác xoá đói giảm nghèo, theo Thứ trưởng chúng ta cần có những giải pháp gì?

Thứ trưởng HXH: Tại Hội nghị tổng kết toàn ngành Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tổ chức ngày 7/1/2008, Thủ tướng Chính Phủ Nguyễn Tấn Dũng đã nhấn mạnh mỗi năm phấn đấu giảm từ 2-3% hộ nghèo, đến năm 2010 chỉ còn khoảng 10% hộ nghèo. Điều này thể hiện được quyết tâm của Đảng và Nhà nước đối với công tác xoá đói giảm nghèo để sớm đưa nước ta trở thành một nước công nghiệp, thoát khỏi tình trạng là nước nghèo, nước kém phát triển.

Ở nước ta, số lượng người nghèo phần lớn là nông dân nên trách nhiệm chính thuộc về ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và các địa phương. Vậy để làm được việc đó, chúng ta phải thực hiện một số chương trình lớn:

– Giải pháp quan trọng nhất là đào tạo, hướng dẫn người nghèo cách làm ăn: Tăng cường công tác khuyến nông, khuyến lâm cho đồng bào, giúp người dân áp dụng những tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất, tăng nhanh hiệu quả kinh tế trên một đơn vị diện tích đất canh tác: Đã tổ chức 27.108 lớp tập huấn hướng dẫn cho 1,1 triệu lượt người nghèo cách làm ăn và xây dựng được 3.684 mô hình trình diễn về các cây, con giống mới có năng suất cao để người dân áp dụng vào sản xuất nâng cao thu nhập. Ngoài ra, cần tăng cường công tác đào tạo đội ngũ cán bộ địa phương, người trực tiếp tham gia hướng dẫn bà con tăng gia sản xuất.

– Cần tạo một môi trường mới cho người nông dân trong các hoạt động mang tính cộng đồng, tạo điều kiện thuận lợi cho các thành phần kinh tế phát triển đóng góp tích cực cho xóa đói giảm nghèo. Bộ đã tích cực triển khai các Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết Trung ương về sắp xếp và nâng cao hiệu quả doanh nghiệp Nhà nước, các nông, lâm trường, Nghị quyết Trung ương 5 về đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể, Nghị quyết Trung ương 5 về tiếp tục đổi mới cơ chế chính sách khuyến khích và tạo điều kiện phát triển kinh tế tư nhân trong nông nghiệp – nông thôn, Nghị quyết 03 về phát triển kinh tế trang trại. Đến nay đã có trên 72 nghìn hộ làm kinh tế trang trại được hình thành trên mọi miền của đất nước tạo ra một khối lượng nông sản hàng hóa có giá trị cao, thu hút nhiều lao động nông nhàn ở các địa phương, góp phần thúc đẩy sản xuất nông nghiệp theo hướng hàng hóa với qui mô lớn.

– Các chính sách phát triển kinh tế cần có cách nhìn lại đối với việc đầu tư cho nông thôn cũng như đầu tư cho công tác xoá đói giảm nghèo. Chú trọng đến công tác tăng cường đảm bảo an ninh lương thực trên phạm vi cả nước cũng như ở các vùng đặc biệt khó khăn và vùng đồng bào dân tộc; đưa các giống ngô lai năng suất cao cho nông dân tăng gia sản xuất; xây dựng các mô hình sản xuất nông lâm kết hợp, trồng rừng kinh tế….

– Đào tạo nghề để nông dân thoát khỏi cảnh thuần nông, có điều kiện tiếp cận với các lĩnh vực dịch vụ, đi xuất khẩu lao động. Đồng thời, việc đào tạo lại nghề truyền thống của các địa phương cũng cần được quan tâm và triển khai bởi qua đó họ có thể áp dụng được khoa học công nghệ mới vào sản xuất các sản phẩm đáp ứng được yêu cầu của thị trường trong và ngoài nước.

Một vấn đề nữa, trong việc lo cho người nghèo, không phải lo cho thế hệ cha mẹ nữa mà chủ yếu là lo cho thế hệ con cháu họ thoát nghèo. Điều này giải quyết không dễ, nhất là với đồng bào dân tộc thiểu số, vùng sâu vùng xa. Chúng ta lo cho họ thoát nghèo đã khó, nhưng nếu không có những biện pháp lâu dài thì con cháu họ liệu có thoát khỏi nghèo? Cùng với việc đó, làm sao đẩy công nghiệp lên nông thôn và vùng núi để thu hút lao động, để phân công lại lao động, tạo nên ngành nghề mới tại nông thôn.

Hơn nữa, làm thế nào phát triển nhanh các thị trấn, thị tứ, các khu vực thu hút đầu tư ở nông thôn để kích thích văn hóa đô thị ở nông thôn, đồng thời tạo môi trường cho người nông dân có được lao động phổ thông ở khu vực thành thị. Cho nên việc đẩy đô thị về nông thôn và tạo việc làm phố thông cho nông dân tại đô thị là hai việc lớn nhất.

PV: Dư luận đang bàn tán nhiều xung quanh chủ trương của Đảng trong chính sách đột phá của ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn. Thứ trưởng có thể cho biết một vài nét về tình hình nông thôn Việt Nam hiện nay?

Thứ trưởng HXH: Nông thôn Việt Nam hiện nay có thể nói có nhiều cách nhìn khác nhau. Nhưng cái chung nhất, thực sự nông thôn Việt Nam đã khởi sắc. Khởi sắc cả về kinh tế, cơ sở hạ tầng và đời sống văn hóa nông dân. Khi chúng ta về nông thôn, nơi nào cũng có truyền hình, đài phát thanh, hoạt động văn hóa nghệ thuật, điện…Đó là những tiến bộ không thể nào phủ định được. Thế nhưng, so với cái chung của đất nước, so với thành thị, nông thôn vẫn quá vất vả.

Bất cập lớn nhất là quy hoạch nông thôn của chúng ta hết sức “cẩu thả”. Quy hoạch ở đây theo nghĩa cả cơ sở vật chất, hạ tầng và con người. Chúng tôi đã đi những thôn xóm, được gọi là “làng văn hóa”. Quả thật có nhiều cái rất thiếu văn hóa trong một làng văn hóa. Nhà sau lãnh đủ mùi hôi thối của nhà trước do chuồng trâu, bò, lợn, gà vịt…Hơn nữa làng văn hóa nhưng văn hóa truyền thống bị tha hóa, thậm chí biến mất hòan toàn. Những cái mà chúng ta đang phục dựng lại thì không còn tính chất của văn hóa truyền thống. Vậy thì ngay cả những hiện tượng trên, chúng ta cần thấy bản chất của nó để chuẩn bị cho Đảng và Chính phủ có những quốc sách phù hợp.

Mặc dù có những khởi sắc làm thay đổi diện mạo của nông thôn Việt Nam nhưng bên cạnh đó vẫn còn tồn tại một số vấn đề đáng lo ngại:

– Thứ nhất, an ninh nông thôn hiện nay rất đáng lo ngại. An ninh nông thôn là biểu hiện cuối cùng của cái gì? Của văn hóa công nghiệp nặng, của du nhập văn hóa thành thị không được mang về nông thôn, của những tệ nạn xã hội do chính quá trình phát triển đem tới, của tình làng nghĩa xóm nhạt đi rất nhiều. Bốn yếu tố đó tạo thành an ninh nông thôn. Đảng và Chính phủ ta lâu nay quan tâm rất nhiều vào vấn đề nông nghiệp nhưng nông thôn lại chưa được quan tâm đúng mức. Trong các Nghị quyết của Đảng cũng chưa đề cập đến nhiều. Mục tiêu cuối cùng của chúng ta là vì con người, vì nông dân. Mà địa bàn sinh sống của người nông dân là ở nông thôn. Họ có thể làm việc ở nhiều nơi, nhưng địa bàn sinh hoạt của họ vẫn là ở nông thôn. Ở nông thôn không chỉ có người nông dân sống ở đó, nông thôn còn có cả những cái mà người dân sống ở đô thị nhiều đời vẫn phải nhớ về nông thôn. Vậy phải làm sao cho nông thôn Việt Nam tiếp cận được với văn minh thế giới, nhưng vẫn giữ được bản sắc văn hóa của nông thôn Việt Nam. Nếu chúng ta không quan tâm, thì chỉ không lâu nữa không còn là nông thôn.

– Thứ hai, môi trường sinh thái ở nông thôn là đặc trưng lớn mà đô thị không có được. Dù văn minh đô thị phát triển đến đâu cũng không bằng nông thôn. Một khi chúng ta chủ trương đô thị hóa đến mức, nông thôn phải giống đô thị, thì các vị thử hình dung còn gì nữa không? Cho nên, phải hướng tới xây dựng một nông thôn có môi trường sinh thái tốt.

– Thứ ba, mãi mãi nông thôn là nơi sản xuất ra nông phẩm. Và chắc là chúng ta có thể ăn thịt nhân tạo, nhưng không thể ăn rau nhân tạo. Cho nên, nông thôn là nơi có một sứ mạng rất lớn cho loài người. Chúng ta phải có chính sách giữ gìn và phát huy chức năng đó của nông thôn./.

PV: Xin cảm ơn Thứ trưởng!

Nguồn: CPV