Việt Nam trở thành thị trường quan trọng thứ 4 của nhà đầu tư Đài Loan
Người Việt Nam đang lo ngại sâu sắc về USD trong bối cảnh hệ thống tài chính của nước Mỹ tiếp tục ngập sâu trong rắc rối.

Chiến lược chuyển đổi số đang đưa Việt Nam trở thành thị trường đầu tư trọng điểm của các doanh nghiệp Đài Loan.

Dòng đầu tư chất lượng tiếp tục tăng nhanh

PwC Đài Loan vừa tổ chức cho các khách hàng của mình một hội thảo để phân tích, thảo luận về chiến lược chuyển đổi số của 6 quốc gia đứng đầu ASEAN. Tại đó, Việt Nam được các doanh nghiệp Đài Loan đánh giá cao nhất về độ tiềm năng và triển vọng phát triển.

Theo số liệu mà PwC báo cáo tại hội thảo, tầm quan trọng của Việt Nam đối với doanh nghiệp Đài Loan đã nâng từ mức 18% năm 2018 lên 24% vào cuối năm 2020 và đứng thứ 4 (sau Mỹ, Nhật Bản, Trung Quốc).

Điều này càng được khẳng định trong bối cảnh kinh tế Việt Nam vẫn có mức tăng trưởng 2,91%, thuộc nhóm các nước tăng trưởng cao trên thế giới, bất chấp tác động của đại dịch Covid-19.

Thực tế cho thấy, mặc dù Việt Nam đã tạm dừng nhập cảnh với người nước ngoài, hàng trăm nhà đầu tư Đài Loan không thể tới Việt Nam để khảo sát và đầu tư dự án mới, song vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài của Đài Loan vào Việt Nam trong năm 2020 vẫn tăng 53%. Trong đó, có nhiều dự án lớn trong lĩnh vực điện tử, như Pegatron đầu tư 485 triệu USD vào Hải Phòng, Wistron đầu tư gần 300 triệu USD vào Hà Nam.

Không chỉ gia tăng về số lượng, đầu tư của Đài Loan vào Việt Nam cũng có thay đổi về lĩnh vực và địa bàn trong vài năm qua. Nếu như từ 2017 trở về trước, doanh nghiệp Đài Loan chủ yếu tập trung vào các tỉnh phía Nam như Bình Dương, Đồng Nai, Bà Rịa – Vũng Tàu…, thì hiện nay, lựa chọn hàng đầu của các doanh nghiệp điện tử, công nghệ Đài Loan là các địa phương khu vực phía Bắc như Bắc Ninh, Bắc Giang, Hà Nam, Hải Phòng…

.
Việt Nam được các doanh nghiệp Đài Loan đánh giá cao nhất về độ tiềm năng và triển vọng phát triển.

Trong bối cảnh thương chiến Mỹ – Trung vẫn còn tiềm ẩn nhiều rủi ro, doanh nghiệp Đài Loan đều nhìn nhận và đánh giá Việt Nam là mắt xích quan trọng nhất tại Đông Nam Á trong xu thế dịch chuyển chuỗi cung ứng với trọng tâm là ngành điện tử – viễn thông.

Hàng trăm khu công nghiệp với các ưu đãi hấp dẫn đang dần biến các tỉnh phía Bắc Việt Nam trở thành hệ sinh thái sản xuất công nghệ, còn các địa phương phía Nam vẫn thu hút được nhà đầu tư Đài Loan ở những lĩnh vực “truyền thống” như sợi, dệt, da giày, cơ khí, chế biến gỗ…

Thúc đẩy chuyển đổi số của Việt Nam là điểm nhấn trong thu hút đầu tư

PwC Đài Loan nhận định, việc Chính phủ Việt Nam đang tích cực tập trung thúc đẩy chuyển đổi số gần như sẽ là một chính sách “ưu đãi” miễn phí cho mọi doanh nghiệp nước ngoài đến đầu tư tại Việt Nam. Lý do là vì, chuyển đổi số không chỉ thúc đẩy hiệu quả sản xuất – kinh doanh của họ tại Việt Nam, mà còn giúp giảm nhiều chi phí sản xuất cho doanh nghiệp.

Các doanh nghiệp dẫn chứng, chỉ riêng trong vài năm vừa qua, việc cải cách, cắt giảm triệt để thủ tục hành chính và tin học hóa các thủ tục khai báo, đăng ký đã giúp các doanh nghiệp tiết kiệm được khá nhiều chi phí và thời gian làm thủ tục.

Hơn nữa, các tiêu cực phát sinh trong quá trình làm thủ tục hành chính cũng giảm rõ rệt, bởi cơ bản, người làm thủ tục và bộ phận xử lý hồ sơ không cần phải tiếp xúc trực tiếp với nhau. Rõ ràng, trong các nước ASEAN, Việt Nam đang cho thấy sự quyết tâm thay đổi nhất. Đại diện PwwC đã nhận định như vậy.

Mặt khác, các chỉ số phát triển kinh tế của Việt Nam trong năm 2020 rất ấn tượng. Bên cạnh đó, thị trường với dân số gần 100 triệu người, trong đó đa số là người tiêu dùng trẻ và có mức thu nhập tăng nhanh, sẽ rất hấp dẫn doanh nghiệp Đài Loan trong mảng tiêu dùng nội địa.

Hiện nay, tại Việt Nam, đã có trên 10 ngân hàng của Đài Loan mở chi nhánh. Lĩnh vực thanh toán tiêu dùng bằng các ứng dụng thanh toán điện tử được các ngân hàng này đánh giá là trọng tâm để thúc phát triển trong thời gian tới. Đây cũng chính là một những nội dung của chuyển đổi số nhằm đưa Việt Nam có môi trường thanh toán minh bạch và cạnh tranh.

Do đó, dư địa để các ngân hàng trong và ngoài nước tại Việt Nam khai thác mảng thương mại điện tử còn khá lớn, nhất là trong bối cảnh thu nhập bình quân đầu người của Việt Nam được dự báo là tăng 6~10%/năm trong giai đoạn 2021-2025.

Nhưng vẫn còn những thách thức

Các chuyên gia kinh tế số của Đài Loan nhận định, việc triển khai chuyển đổi số của Việt Nam sẽ gặp phải một số khó khăn, trong đó 3 điểm nghẽn chính có thể sẽ là: nguồn nhân lực, nền tảng công nghệ áp dụng và khoảng cách giữa doanh nghiệp lớn với doanh nghiệp nhỏ và vừa. Đây cũng chính là các vấn đề mà trong vài năm qua Đài Loan cũng đang phải nỗ lực tháo gỡ.

Tuy vậy, việc thực hiện các cam kết từ nhiều FTA thế hệ mới sẽ là công cụ để thúc đẩy doanh nghiệp Việt Nam chuyển đổi số mạnh mẽ hơn nữa, bởi yêu cầu khắt khe của khách hàng từ đối tác phát triển như EU, Nhật Bản.

Mặt khác, các FTA này cũng là động lực để các doanh nghiệp có nền tảng công nghệ cao, công nghệ mới đầu tư vào Việt Nam để sản xuất – kinh doanh.

Theo số liệu mới nhất của Bộ Kinh tế Đài Loan năm 2020, Việt Nam là 1 trong 5 quốc gia và vùng lãnh thổ doanh nghiệp Đài Loan đầu tư ra nước ngoài nhiều nhất (sau Hungary, B.V.I, Hồng Kông, Mỹ).

Trong khu vực ASEAN, đầu tư của Đài Loan vào Việt Nam lũy kế chiếm khoảng 55%, vượt xa vị trí thứ hai là Indonesia chỉ chiếm khoảng 23%.

Bộ Kinh tế Đài Loan nhận định, năm 2021, nếu Chính phủ Việt Nam xem xét nới lỏng việc cho phép các doanh nhân, nhà đầu tư Đài Loan đi Việt Nam khảo sát đầu tư, thì các dự án đầu tư mới sẽ còn tăng nhiều hơn năm 2020.