Vốn cho xuất khẩu sẽ rộng hơn
Người Việt Nam đang lo ngại sâu sắc về USD trong bối cảnh hệ thống tài chính của nước Mỹ tiếp tục ngập sâu trong rắc rối.

Vụ Chính sách tiền tệ (NHNN) cho biết báo cáo của các đơn vị chuyển về, NHNN sẽ đánh giá tình hình hoạt động của ngân hàng hỗ trợ xuất khẩu và xem xét để xử lý khó khăn, vướng mắc liên quan đến cơ chế hoạt động tín dụng này. Nhất là khi nhu cầu vốn của các doanh nghiệp xuất khẩu đang tăng cao vào các tháng cuối năm.

Sau khi NHNN tăng lãi suất tiền gửi dự trữ bắt buộc, hầu hết vốn chỉ chảy về đối với các doanh nghiệp có khả năng tài chính mạnh và là khách hàng truyền thống với ngân hàng. Do vậy, NHNN cho biết sẽ tiếp tục rà soát vướng mắc, tháo gỡ khó khăn nhằm đảm bảo vốn hoạt động sản xuất kinh doanh, đặc biệt là các doanh nghiệp xuất khẩu.

Theo bà Lưu Thị Ánh Xuân – Phó Tổng Giám đốc Techcombank, từ nay đến cuối năm, ngân hàng này dành khoảng năm ngàn tỷ đồng để cho vay xuất nhập khẩu. Đặc biệt, Techcombank chú trọng cho vay xuất khẩu nông sản ở vùng đồng bằng sông Cửu Long khi thu hoạch bắt đầu vào mùa. Không chỉ giới hạn cho vay các doanh nghiệp truyền thống mà cả những khách hàng mới, Techcombank cũng sẵn sàng có vốn đáp ứng bởi huy động vốn vẫn luôn tăng trong những tháng qua.

Đại diện Ngân hàng ACB cho biết nhiều doanh nghiệp vẫn khó tiếp cận vốn tín dụng của ngân hàng do vậy điều kiện vay phải sàng lọc kỹ càng hơn so với trước đây. Đơn cử, để hạn chế rủi ro, giá trị tài sản đảm bảo được đánh giá thấp hơn. Đây chính là khó khăn cho cả doanh nghiệp và ngân hàng. Tuy nhiên, sau hai tuần triển khai chương trình hỗ trợ vốn cho doanh nghiệp xuất khẩu bằng VND theo lãi suất USD, ACB đã giải ngân được hơn mười triệu USD.

Nguồn: Báo Pháp luật TP HCM