Vốn đầu tư gián tiếp nước ngoài: Rộng cửa đón hay kiểm soát chặt?
Người Việt Nam đang lo ngại sâu sắc về USD trong bối cảnh hệ thống tài chính của nước Mỹ tiếp tục ngập sâu trong rắc rối.

Chưa có đầu mối quản lý chính thức

Ông Nguyễn Minh Phong, Viện Nghiên cứu Phát triển kinh tế xã hội Hà Nội, cho biết hiện nay không có cơ quan nào có nhiệm vụ thống kê nguồn vốn này chứ chưa nói đến quản lý. Vốn đầu tư gián tiếp nước ngoài đang ở trạng thái “chân không”, có nhiều luật cùng tham gia điều chỉnh nhưng ở những góc độ khác nhau chứ không có luật điều chỉnh một cách chính thức. Do đó, không thể có số liệu thống kê cụ thể tổng lượng vốn gián tiếp các quỹ đầu tư đã đưa vào VN bao nhiêu, chỉ ước đoán đạt khoảng 5-7 tỉ USD vào năm 2007. Con số này cũng phù hợp với công bố của các chuyên gia kinh tế chương trình Fulbright là tổng lượng vốn nước ngoài chảy vào VN năm 2007 đạt khoảng 22-23 tỉ USD, tương đương 30% GDP, trong đó khoảng 5-6 tỉ USD là đầu tư gián tiếp. Nếu theo số liệu của Ngân hàng Nhà nước, con số này ước đạt khoảng 6 tỉ USD nhưng theo Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, chỉ khoảng 4 tỉ USD.

Đây là nguồn vốn quan trọng có tác dụng tăng tổng lượng vốn cần thiết cho VN phát triển, trực tiếp thúc đẩy thị trường chứng khoán và tạo ra sự hấp dẫn của cổ phiếu DN. Tuy nhiên, tác động tiêu cực của nó tới nền kinh tế lại rất lớn, không chỉ dừng ở khả năng mua bán, sáp nhập, thôn tính DN, tăng hoạt động đầu cơ mà có thể gây đổ vỡ thị trường tài chính nếu nhà đầu tư đồng loạt rút vốn. Hiện tại, cả hai cơ quan được xem là có chức năng quản lý nguồn vốn này là Bộ Tài chính và Ngân hàng Nhà nước đều khẳng định chưa có dấu hiệu xấu, song nhiều chuyên gia kinh tế đã lấy dẫn chứng của sự suy giảm kinh tế toàn cầu để cảnh báo khả năng rút vốn của các nhà đầu tư nước ngoài có thể xảy ra bất cứ lúc nào và VN cần tính đến mọi tình huống để sẵn sàng ứng phó.

Tăng dự trữ ngoại hối để tránh sốc

Theo ông Phong, VN vẫn đang ở giai đoạn đầu thu hút vốn nên không thể đặt vấn đề khống chế lên hàng đầu mà chỉ quản lý theo hướng tạo môi trường thuận lợi cho nguồn vốn này chảy vào đúng mạch, đúng chỗ, đúng nơi mình muốn. Khi hệ thống pháp lý và năng lực tài chính chưa đủ, chúng ta vẫn đang phải “nín thở và nương nhẹ”, chỉ có duy nhất quy định nhà đầu tư nước ngoài được mua 49% cổ phần tại DN Nhà nước. Đây là dòng vốn năng động nhất, linh hoạt nhất nhưng cũng nguy hiểm nhất vì dễ đảo chiều. Bài học thế giới đã có nhiều. Thái Lan, năm 2006, đã quy định nhà đầu tư gián tiếp phải trích 30% vốn để ở ngân hàng trung ương, lập tức nhà đầu tư tháo chạy, chính phủ phải dỡ bỏ chính sách này trong một ngày.

Theo ông Võ Trí Thành, Trưởng Ban Kinh tế hội nhập quốc tế – Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế Trung ương, trong thời điểm cần vốn cho thị trường chứng khoán và cần ngoại tệ cho cân đối tài khoản vãng lai thì không nên đặt nặng vấn đề kiểm soát vốn nước ngoài. Tốt nhất nên có cơ chế tạo điều kiện thu hút thêm và nắm bắt được lượng vốn vào ra. Lúc này là cơ hội tốt để VN tranh thủ tăng cường dự trữ ngoại hối vì dự trữ của VN vẫn ở mức thấp nhất khu vực.

Xây dựng cơ chế quản lý, giám sát

Ông Trần Bắc Hà, Chủ tịch HĐQT Ngân hàng Đầu tư và Phát triển VN (BIDV), nhận định thâm hụt thương mại và ngân sách của VN đang tăng cao, tiềm ẩn những rủi ro lớn. Điều này sẽ trầm trọng thêm nếu thị trường tài chính thế giới tiếp tục bất ổn, dòng vốn nước ngoài có sự đảo chiều. Chính phủ cần xây dựng các cơ chế quản lý, giám sát vốn đầu tư gián tiếp, có các biện pháp quản lý dòng tiền vào ra trên tài khoản vốn và có dự báo chính xác. Đồng thời phải duy trì tốt quỹ dự trữ ngoại hối quốc gia để kịp thời can thiệp khi thị trường có biến động. Dự trữ ngoại hối có tác dụng chống đỡ những cú sốc cho nền kinh tế trong thương mại quốc tế và điều hòa những biến động của các dòng lưu chuyển vốn.

Nguồn: Báo Người Lao động