Vốn đầu tư nước ngoài tăng trở lại
Người Việt Nam đang lo ngại sâu sắc về USD trong bối cảnh hệ thống tài chính của nước Mỹ tiếp tục ngập sâu trong rắc rối.

9 tháng, Việt Nam thu hút được 22,15 tỷ USD vốn đầu tư nước ngoài, tăng 4,4% so với cùng kỳ năm 2020.

Không nằm ngoài dự đoán, sự xuất hiện của dự án tỷ USD thứ ba trong năm – dự án tăng vốn thêm 1,4 tỷ USD của LG Display – đã giúp xoay chuyển cục diện thu hút đầu tư nước ngoài của Việt Nam trong 9 tháng qua.

Cụ thể, theo số liệu vừa được Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) công bố, tính đến ngày 20/9/2021, tổng vốn đầu tư nước ngoài đăng ký vào Việt Nam đạt 22,15 tỷ USD, tăng 4,4% so với cùng kỳ năm 2020.

Trong đó, vốn đăng ký mới đạt gần 12,5 tỷ USD, tăng 20,6% so với cùng kỳ; vốn điều chỉnh đạt trên 6,4 tỷ USD, tăng 25,6% so với cùng kỳ.

Có sự tăng mạnh của cả vốn đăng ký và vốn tăng thêm là do từ đầu năm tới nay, có 3 dự án tỷ USD. Ngoài dự án tăng vốn thêm 1,4 tỷ USD của LG Display (trước đó, hồi tháng 2/2021 cũng đã tăng vốn thêm 750 triệu USD), còn có Dự án Điện khí ở Long An, 3,1 tỷ USD; và Dự án Nhiệt điện Ô Môn II ở Cần Thơ, vốn đăng ký 1,31 tỷ USD.

Tính đến ngày 20/9/2021, tổng vốn đầu tư nước ngoài đăng ký vào Việt Nam đạt 22,15 tỷ USD, tăng 4,4% so với cùng kỳ năm 2020.

Tuy nhiên, trong khi vốn đăng ký mới và tăng thêm tăng khá mạnh thì phần đầu tư thông qua góp vốn, mua cổ phần vẫn tiếp tục giảm. Cụ thể, trong 9 tháng có 2.830 lượt góp vốn, mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài (giảm 45,3%), với tổng giá trị vốn góp đạt gần 3,2 tỷ USD (giảm 43,8% so với cùng kỳ).

Vốn đăng ký tăng trở lại là dấu hiệu tích cực, dù tăng không lớn. Tuy nhiên, điều đáng quan tâm là vốn đầu tư nước ngoài giải ngân lại giảm 3,5% so với cùng kỳ năm 2020, chỉ đạt 13,28 tỷ USD.

Theo lý giải của Cục Đầu tư nước ngoài, thì dịch Covid-19 đã dẫn tới tình hình trên. Những tháng gần đây, thậm chí nhiều nhà máy đã bị ngưng hoặc giảm công suất.

Quay trở lại với tình hình thu hút đầu tư nước ngoài, Cục Đầu tư nước ngoài cho biết, trong 9 tháng qua, các nhà đầu tư nước ngoài đã đầu tư vào 18 ngành trong tổng số 21 ngành kinh tế quốc dân.

Trong đó, ngành công nghiệp chế biến, chế tạo dẫn đầu với tổng vốn đầu tư đạt trên 11,8 tỷ USD, chiếm 53,4% tổng vốn đầu tư đăng ký. Ngành sản xuất, phân phối điện mặc dù thu hút được số lượng dự án mới, điều chỉnh cũng như góp vốn, mua cổ phần không nhiều song với quy mô dự án lớn nên đứng thứ 2, với tổng vốn đầu tư trên 5,5 tỷ USD, chiếm gần 25% tổng vốn đầu tư đăng ký.

Tiếp theo, lần lượt là các ngành kinh doanh bất động sản, bán buôn, bán lẻ với tổng vốn đăng ký đạt 1,78 tỷ USD và trên 750 triệu USD. Còn lại là các ngành khác.

Nếu xét về số lượng dự án mới, ngành công nghiệp chế biến chế tạo, bán buôn bán lẻ và hoạt động chuyên môn, khoa học công nghệ dẫn đầu, chiếm lần lượt 33,2%, 28,2% và 14,9% tổng số dự án.

Nếu tính về đối tác đầu tư, theo Cục Đầu tư nước ngoài, đã có 94 quốc gia và vùng lãnh thổ có đầu tư tại Việt Nam trong 9 tháng đầu năm. 

Trong đó, Singapore dẫn đầu với tổng vốn đầu tư gần 6,3 tỷ USD, chiếm 28,4% tổng vốn đầu tư vào Việt Nam, giảm 7,2% so với cùng kỳ 2020; Hàn Quốc vượt qua Nhật Bản, đứng thứ hai với tổng vốn đầu tư trên 3,9 tỷ USD, chiếm 17,7% tổng vốn đầu tư, tăng 23,4% so với cùng kỳ. 

Trong khi đó, Nhật Bản đứng thứ 3 với tổng vốn đầu tư đăng ký gần 3,3 tỷ USD, chiếm 14,7% tổng vốn đầu tư, tăng 88,8% so với cùng kỳ. Tiếp theo là Trung Quốc, Hồng Kông, Đài Loan,…

Thông tin cho biết, trong 9 tháng 2021, vốn đầu tư của Singapore gấp 1,6 lần vốn đầu tư của Hàn Quốc và gấp gần 1,9 lần vốn đầu tư của Nhật Bản. Nguyên nhân là do Singapore có dự án lớn 3,1 tỷ USD. Riêng dự án này đã chiếm tới 49,3% tổng vốn đầu tư của Singapore.

Hàn Quốc mặc dù chỉ xếp thứ 2 về vốn đầu tư, song lại là đối tác dẫn đầu về số dự án đầu tư mới, số lượt dự án điều chỉnh vốn cũng như số lượt góp vốn, mua cổ phần. Như vậy, nếu xét về số lượng dự án, Hàn Quốc là đối tác có nhiều nhà đầu tư quan tâm và đưa ra các quyết định đầu tư mới cũng như mở rộng dự án đầu tư nhất trong 9 tháng.