Vốn FDI đổ vào lĩnh vực bất động sản – tín hiệu tốt cho nền kinh tế
Người Việt Nam đang lo ngại sâu sắc về USD trong bối cảnh hệ thống tài chính của nước Mỹ tiếp tục ngập sâu trong rắc rối.

Nhấn mạnh “không nên quá lo lắng” về vốn FDI đổ nhiều vào bất động sản, ông Phan Hữu Thắng lập luận rằng Việt Nam đang trong quá trình hiện đại hóa đất nước, nguồn cung bất động sản còn thiếu rất nhiều. Trong khi các nhà đầu tư bất động sản trong nước gặp khó khăn, nếu nhà đầu tư nước ngoài tiếp tục có nhu cầu thì “chúng ta vẫn hoan nghênh và tạo điều kiện cấp phép đầu tư”, ông Thắng nói.

Theo thống kê của Cục đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), 7 tháng đầu năm, đã có 21,4 tỷ USD vốn FDI vào lĩnh vực bất động sản, chiếm trên 48% tổng vốn FDI đăng ký mới, trong khi tỷ trọng này năm 2007 là 35% và những năm trước đó chỉ khoảng 22%.

Trong số này, có tới 13 tỷ USD đổ vào các dự án xây dựng khu đô thị cao cấp và văn phòng cho thuê; gần 8,3 tỷ USD đầu tư vào khách sạn, du lịch và số còn lại dành cho xây dựng hạ tầng khu chế xuất, khu công nghiệp.

Trong 10 dự án bất động sản và du lịch lớn nhất, nhiều dự án có quy mô vốn từ 1 tỷ USD đến trên 4 tỷ USD. Chẳng hạn như dự án xây dựng tổ hợp nghỉ dưỡng, sân golf, căn hộ cho thuê tại Kiên Giang của Tập đoàn Starbay Holding Ltd. (B.V.Island) với số vốn gần 1,65 tỷ USD; dự án xây dựng khu du lịch nghỉ dưỡng, trung tâm thương mại, đô thị cao cấp Hồ Tràm của tập đoàn Asian Coast Development Ltd (Canada) trên 4,2 tỷ USD tại Bà Rịa-Vũng Tàu; dự án khu đô thị đại học của tập đoàn Berjaya Leisure (Malaixia) 3,4 tỷ USD tại Thành phố Hồ Chí Minh.

Giới chuyên gia kinh tế đang bày tỏ lo ngại trước thực tế này. Bà Phạm Chi Lan cho rằng vốn FDI đổ vào bất động sản đồng nghĩa với nguy cơ nhập siêu tăng cao trong tương lai bởi các nhà đầu tư phải nhập khẩu nguyên liệu để triển khai các dự án.

Hơn nữa, các dự án bất động sản không tham gia xuất khẩu nên sẽ gây khó khăn cho việc cân đối ngoại tệ của Việt Nam khi các nhà đầu tư nước ngoài thu hồi vốn bằng nội tệ nhưng lại chuyển vốn ra nước ngoài bằng ngoại tệ.

Còn theo ông Lê Đăng Doanh, việc gia tăng đầu tư vào bất động sản không giúp tạo ra việc làm cho người lao động, không thúc đẩy hoạt động chuyển giao công nghệ, sản xuất và xuất khẩu và đặc biệt là có thể phá vỡ quy hoạch phát triển kinh tế-xã hội.

Một số chuyên gia khác còn cho rằng các dự án bất động sản hiện chỉ dồn vào phân khúc thị trường cao cấp, trong khi phân khúc nhà ở cho người thu nhập trung bình và thấp – đối tượng có nhu cầu thực sự về nhà ở – lại ít được quan tâm.

Tuy nhiên, theo ông Phan Hữu Thắng, vấn đề quan trọng hiện nay là các cơ quan chức năng và các địa phương phải nâng cao năng lực quản lý, giám sát và phân bổ nguồn vốn trong lĩnh vực bất động sản để đảm bảo sự phát triển cân bằng, bền vững của nền kinh tế và phù hợp quy hoạch phát triển./.

Nguồn: TTXVN