Vụ các HTX vận tải đòi kiện Bộ GTVT: Bộ GTVT đã hiểu sai quy định
Người Việt Nam đang lo ngại sâu sắc về USD trong bối cảnh hệ thống tài chính của nước Mỹ tiếp tục ngập sâu trong rắc rối.

Liên quan đến việc Bộ GTVT ban hành các quyết định 16 và 17, Công văn 5394, trong đó đưa ra một số quy định mang tính cưỡng chế, bắt buộc đối với xã viên chuyển phương tiện ôtô thuộc sở hữu của cá nhân sang sở hữu của hợp tác xã.

Trao đổi với Pháp Luật TP.HCM vào chiều 26-3, bà Trần Thị Thơ-chuyên viên Vụ Pháp luật dân sự kinh tế Bô Tư Pháp cho biết ngay sau khi nhận được công văn của Liên minh hợp tác xã TP.HCM (11-2007) đề nghị xem xét tính pháp lý của các quy định trong các quyết định 16 và 17, Vụ đã có văn bản trả lời chính thức với Liên minh hợp tác xã TP.HCM.

“Theo Luật Doanh nghiệp năm 2005, bộ, cơ quan ngang bộ, HĐND và UBND các cấp không được quy định về ngành, nghề kinh doanh có điều kiện và điều kiện kinh doanh. Ngoài ra, Nghị định 110 của Chính phủ không quy định về chủ sở hữu (xã viên hay hợp tác xã) trong các điều kiện kinh doanh phương tiện vận tải hành khách” – bà Thơ nói

Cũng chiều 26-3, bà Thơ cùng ông Lê Hồng Sơn – Cục trưởng Cục Kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật Bộ Tư pháp đã trao đổi với Pháp Luật TP.HCM về các quy định trên của Bộ GTVT.

Không thể ép xã viên về cách góp vốn

. Thưa bà Thơ, theo báo cáo ngày 17-3-2008 gửi Thủ tướng Chính phủ về căn cứ pháp lý của quyết định 16 và 17, Bộ GTVT viện dẫn Điều 59 Luật Giao thông đường bộ: “Hoạt động vận tải khách, vận tải hàng bằng đường bộ là hoạt động có điều kiện và phải được quản lý chặt chẽ để đảm bảo trật tự an toàn giao thông đường bộ”; Nghị định 110 quy định “chỉ các doanh nghiệp có đủ điều kiện mới được kinh doanh vận tải hành khách theo tuyến cố định và vận tải bằng taxi”?

+ Thật ra Bộ GTVT đã hiểu sai quy định này. Nghị định 110 quy định “chỉ các doanh nghiệp có đủ điều kiện sau đây (kèm theo là năm điều kiện)” chứ không khẳng định đây là ngành nghề kinh doanh có điều kiện.

. Việc quy định chuyển đăng ký hình thức sở hữu có ảnh hưởng các quyền của cá nhân đối với tài sản của họ?

+ Theo Nghị định 177/2004 quy định chi tiết Luật Hợp tác xã, “việc góp vốn được quy định trong điều lệ của hợp tác xã. Điều lệ này do hội nghị thành lập hợp tác xã thảo luận và thống nhất”. Như vậy, việc quy định chuyển đổi hình thức sở hữu tài sản của các xã viên chỉ có thể thực hiện trên tinh thần tự nguyện, theo nguyện vọng chính đáng của họ chứ không thể bắt buộc họ thực hiện.

Đó là chưa kể việc quy định như trong các văn bản nói trên làm hạn chế các quyền sở hữu của cá nhân với tài sản của mình đã được Bộ luật Dân sự quy định.

Sẽ thu hồi nếu trái luật

. Thưa ông Sơn, trong văn bản báo cáo Thủ tướng, Bộ GTVT cho rằng các quyết định 16 và 17 đã được gửi đến Cục. Kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật ngay trong ngày phát hành. Sau đó, tại cuộc họp ngày 9-5 giữa Cục Kiểm tra văn bản với các vụ và Cục Đường bộ Việt Nam đã có sự đồng thuận về căn cứ pháp lý của hai quyết định trên?

+ Ông Sơn: Chúng tôi đang kiểm tra lại nhưng chúng tôi khẳng định Bộ GTVT là cơ quan ban hành văn bản pháp luật thì phải chịu trách nhiệm về giá trị pháp lý, căn cứ, thẩm quyền và tính hợp pháp của văn bản chứ không thể chỉ sang cơ quan khác.

Chúng tôi chỉ kiểm tra và có hướng xử lý những văn bản đã ban hành sau khi phát hiện văn bản này trái luật (về nội dung, thẩm quyền…). Không có việc đồng ý, thống nhất của Cục Kiểm tra văn bản trước khi ban hành văn bản như Bộ GTVT đã nêu.

. Trong Công văn 5394 ngày 28-8-2007, Bộ GTVT có đưa ra một số biện pháp chế tài đối với các cá nhân không thực hiện việc chuyển đổi hình thức sở hữu: Người kinh doanh vận tải xe buýt, taxi có thể bị ngưng hoạt động, thu hồi phù hiệu đã cấp cho doanh nghiệp… Điều này có phù hợp về thẩm quyền không, thưa ông?

+ Chúng tôi đang kiểm tra công văn nói trên. Nếu đó là một văn bản áp dụng với nội dung nhắc lại các quy phạm pháp luật đã được quy định nhằm đôn đốc theo nhiệm vụ quản lý hành chính thì không có vấn đề. Nhưng nếu đó là một công văn chứa các quy phạm mang tính bắt buộc, cưỡng chế, chế tài, lại do cơ quan ban hành không đúng thẩm quyền thì đó là văn bản trái luật.

Hiện nay Cục Kiểm tra văn bản đang rà soát lại công văn này và sẽ có văn bản gửi Bộ GTVT trong thời gian sớm nhất. Theo quy định của Nghị định 135 về kiểm tra và rà soát văn bản, văn bản trái luật sẽ bị thu hồi và người ban hành văn bản ấy sẽ bị chế tài.

Trao đổi qua điện thoại vào cuối giờ chiều qua, đại diện lãnh đạo Vụ Vận tải, Bộ GTVT một lần nữa khẳng định việc ban hành văn bản là đúng luật. Ngoài ra, khi ban hành các văn bản trên đã có sự đồng thuận của Cục Kiểm tra văn bản pháp luật. Chúng tôi sẽ tiếp tục thông tin vụ việc đến bạn đọc.

Nguồn: Báo Pháp luật TP HCM