WB: VN hoàn toàn có thể đạt được tăng trưởng 7%
Người Việt Nam đang lo ngại sâu sắc về USD trong bối cảnh hệ thống tài chính của nước Mỹ tiếp tục ngập sâu trong rắc rối.

Tại cuộc họp báo chiều 3/6 tại Hà Nội, WB phát đi bản báo cáo cập nhật tình hình kinh tế Việt Nam, trong đó chỉ ra một trong những nguyên nhân khiến kinh tế quá nóng đó là do các tập đoàn kinh tế và tổng công ty đầu tư vào kinh doanh tài chính và bất động sản. Tuy nhiên, nguyên nhân chính là tăng trưởng tín dụng quá cao, đặc biệt ở các ngân hàng cổ phần.

WB chỉ ra lạm phát gia tăng chủ yếu do giá lương thực, thực phẩm tăng. Trong khi đó lạm phát phi lương thực cũng tăng cao.

Đồng tiền Việt Nam sẽ mất giá

Đó là nhận định của WB với lý giải lạm phát gia tăng đã làm giảm giá trị thực của đồng tiền. Thâm hụt thương mại và giảm lượng vốn vào làm cho đồng Việt Nam mất giá. Trong nền kinh tế mở, tiền mất giá sẽ làm tăng giá cả các mặt hàng có thể xuất hoặc nhập khẩu. 

Ông Martin Rama, quyền Giám đốc Quốc gia WB tại Việt Nam nói: “Đã đến lúc phải xem xét chính sách tỷ giá linh hoạt để nâng cao tính cạnh tranh của đồng Việt Nam. Không nên neo tỷ giá đồng Việt Nam theo đồng đôla, mà phải gắn với rổ ngoại tệ nói chung“.

WB khuyến nghị, nên hợp lý hóa từng bước tỷ giá tham chiếu và nới rộng biên độ giao dịch tỷ giá. Điều này sẽ cải thiện cán cân thanh toán và giảm lo ngại về điều chỉnh tỷ giá.

Liên quan đến giá cả leo thang, WB cho rằng Việt Nam là nước xuất khẩu lương thực và gạo, khi giá gạo xuất khẩu tăng sẽ có lợi. Tuy nhiên, giá gạo tăng cũng có nghĩa là nhiều người khác bị ảnh hưởng.

Ông Martin Rama lý giải, thực tế số phần trăm người bán lương thực, thực phẩm nhiều hơn người tiêu thụ. Giá gạo tăng, những người sản xuất ở khu vực như Đồng bằng sông Cửu Long được hưởng lợi nhưng người dân ở nơi khác sẽ bị ảnh hưởng vì họ là người tiêu thụ. 

Lạm phát vẫn sẽ còn cao

Dự báo cho giai đoạn còn lại trong năm, WB cho biết giá lương thực và dầu thế giới hiện cao hơn Việt Nam, vì vậy giá trong nước sẽ tăng lên.

Tuy nhiên, ông Martin Rama cho biết, WB vẫn đặt niềm tin và sự lạc quan về khả năng vượt qua giai đoạn hiện nay của Việt Nam. Với tốc độ tăng trưởng dự báo đạt 7% trong năm nay, WB nhận định đó là chỉ số tương đối cao và Việt Nam có thể đạt được, thậm chí có thể cao hơn.

Dự báo lạm phát sẽ còn ở mức cao nhưng WB cho rằng các chính sách bình ổn thị trường của Chính phủ Việt Nam đang phát huy tác dụng, mặc dù có hạn chế vì độ trễ thời gian.

Theo tổ chức này, nếu toàn bộ sức ép điều chỉnh dồn lên chính sách tín dụng, những ngân hàng yếu nhất sẽ chịu nhiều rủi ro. Sẽ cần thời gian cho thị trường tài sản hồi phục và quá trình đó sẽ có ảnh hưởng tới các hoạt động kinh tế và kế hoạch cổ phần hóa. 

WB khuyến nghị, cần hành động quyết liệt hơn đối với các dự án đầu tư công và chi tiêu chính phủ. Bên cạnh đó, các ngân hàng yếu sáp nhập nhanh vào ngân hàng mạnh hơn sẽ làm tăng lòng tin của người gửi tiền.  

Nguồn: Báo Điện tử VietNamNet