Xây dựng Khung thuế lũy tiến bất động sản: Có hạn chế đầu cơ, minh bạch thị trường bất động sản ?
Người Việt Nam đang lo ngại sâu sắc về USD trong bối cảnh hệ thống tài chính của nước Mỹ tiếp tục ngập sâu trong rắc rối.

Liên Bộ Xây dựng và Bộ Tài chính vừa hoàn tất khung thuế lũy tiến bất động sản trình Chính phủ xem xét. Theo đó, khung giá áp thuế nhà ở bắt đầu tính từ 101 m2 trở lên. Đối với người sở hữu từ 101 đến 150 m2 nhà sẽ đóng 130% thuế suất. Tỷ lệ này sẽ tăng lên thành 150% đối với diện tích nhà từ 151 m2 trở lên. Đối với người sở hữu trên 200 m2, mức thuế suất sẽ là 200%.

Mục tiêu chính của việc áp dụng thuế lũy tiến bất động sản là hạn chế đầu cơ, làm minh bạch thị trường bất động sản, thế nhưng cũng có nhiều ý kiến cho rằng việc áp thuế lũy tiến này sẽ làm cho thị trường trầm lắng hơn và khó thúc đẩy thị trường phát triển. Về vấn đề này cùng một số giải pháp đặt ra thúc đẩy phát triển thị trường bất động sản, phóng viên phỏng vấn ông Đào Trung Chính, Phó vụ trưởng Vụ Đất đai (Bộ Tài nguyên-Môi trường).


PV: Thưa ông, hiện nay có nhiều ý kiến trái chiều về áp dụng thuế lũy đối với đầu cơ bất động sản. Vậy quan điểm của ông về vấn đề này như thế nào?

Ông Đào Trung Chính: Đầu tiên mình phải xét bản chất: thị trường đó phục vụ cho đối tượng nào. Hiện nay nếu chỉ là vấn đề có đóng băng hay không thì mình cũng phải xem mức. Ví dụ hiện nay mức mà Bộ Xây dựng đưa ra thì sẽ làm cho thị trường đóng băng vì ông chỉ cho có 100m, 200m là ít. Ý ở đây là mức diện tích khởi điểm áp thuế là một vấn đề. Thứ hai nữa là đối tượng để mình điều chỉnh như thế nào. Anh mà nhiều tiền tích trữ đầu cơ đất thì rõ ràng phải đánh thuế. Lũy tiến theo tôi là cần phải xem xét mức diện tích, thứ hai là cần phải có thời gian.


PV: Thuế chỉ là một công cụ, để thúc đẩy phát triển thị trường thì cần kết hợp nhiều biện pháp, trong đó có giải pháp tăng cung. Thế nhưng việc tăng cùng trong thời gian qua vẫn khá chậm, theo ông vì sao?

Ông Đào Trung Chính: Theo tôi hiện nay rõ ràng vấn đề điều tra nhu cầu về nhà ở đất ở là chưa làm tốt. Trên cơ sở đó thì các doanh nghiệp bất động sản chưa có nhiều, nên phải kêu gọi nhà đầu tư nước ngoài vào. Thứ hai là cũng vì chưa điều tra được nên chưa xác định được khu nhà ở, đất ở như thế nào và khu nào cần bao nhiêu. Do đó theo tôi, về mặt quản lý thì phải thống nhất một cơ quan quản lý thị trường bất động sản. thứ nhất là quản lý kinh doanh bất động sản như thế nào và có chiến lược định hướng nhà ở, đất ở như thế nào. Thứ hai là xây dựng chính sách khác cho thị trường này phát triển như vốn đầu tư, lãi suất, các hỗ trợ khác, thiết kế, tư vấn.


PV: Cơ quan đầu mối theo ông nên giao cho cơ quan nào?

Ông Đào Trung Chính: Nhiều ý kiến cho rằng Bộ Tài nguyên-Môi trường quản lý lĩnh vực này.

PV: Thưa ông, kinh nghiệm của Hàn Quốc cho thấy, để tăng cung cho thị trường, Chính phủ đã có một loạt giải pháp trong đó là phát triển các khu nhà ở cho người có thu nhập thấp. Chúng ta có thể học hỏi gì kinh nghiệm này của Hàn Quốc?

Ông Đào Trung Chính: Nếu như chúng ta phó thác cho các doanh nghiệp kinh doanh bất động sản thì chúng ta không bao giờ làm được. Các doanh nghiệp kinh doanh phải tính đến lãi suất, lợi nhuận. Chính phủ phải hỗ trợ.


PV: Theo ông Nhà nước hỗ trợ như thế nào?

Ông Đào Trung Chính: Hỗ trợ bằng cách là phân chia lợi nhuận trong việc phát triển quỹ đất. Tức là nhà nước lấy như thế nào, nhà đầu tư lấy như thế nào và người dân lấy ra sao. Chúng ta phải có các khu quy hoạch như vậy. Thứ hai là thành lập các doanh nghiệp công ích mà có quỹ đầu tư phát triển từ nhà nước. Thứ ba là mở rộng các loại hình kinh doanh. Ví dụ như là nhà nước và nhân dân cùng làm. Người dân sống ở đó có thể tham gia phát triển thị trường bằng quyền sử dụng đất tại chỗ của họ.


PV: Xin cảm ơn ông!./.

Nguồn: VOV News