Xu hướng đầu tư ra nước ngoài ngày càng sôi động
Người Việt Nam đang lo ngại sâu sắc về USD trong bối cảnh hệ thống tài chính của nước Mỹ tiếp tục ngập sâu trong rắc rối.

Gia tăng dòng vốn Việt Nam đầu tư ra nước ngoài

Theo đánh giá của Cục Đầu tư Nước ngoài – Bộ Kế hoạch Đầu tư, bên cạnh thành công trong thu hút và sử dụng có hiệu quả vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), những năm gần đây, nhiều doanh nghiệp trong nước đã mở hướng làm ăn ra bên ngoài lãnh thổ, với số lượng dự án cùng vốn đầu tư tăng dần từng năm. Xu hướng hoạt động đầu tư ra nước ngoài đang khá sôi động, ngày càng có thêm doanh nghiệp Việt Nam có khả năng tài chính và quan tâm mở rộng địa bàn hoạt động sản xuất kinh doanh. Điều này cho thấy tác động tích cực của khuôn khổ pháp lý đối với hoạt động đầu tư nước ngoài, cũng như sự tích cực, chủ động tham gia hội nhập vào nền kinh tế của nhiều doanh nghiệp Việt Nam.

Hiện các doanh nghiệp Việt Nam đã có mặt tại 41 quốc gia và vùng lãnh thổ ở cả 5 châu lục. Nhưng phần lớn vốn đầu tư của các doanh nghiệp Việt Nam tập trung tại khu vực châu Á, trong đó đứng đầu là thị trường Lào với 123 dự án, chiếm gần 39% về số dự án và hơn 50% về vốn đầu tư. Các doanh nghiệp Việt Nam cũng có mặt tại một số nước có tiềm năng về dầu mỏ như Angiêri có 1 dự án 243 triệu USD, Madagascar có 1 dự án 117,36 triệu USD, hoặc tại một số nước có quan hệ hợp tác truyền thống như LB Nga có 14 dự án tổng vốn đầu tư là 198,3 triệu USD…

Hoạt động đầu tư ra nước ngoài đã và đang chuyển từ những dự án quy mô nhỏ, đầu tư vào các ngành nghề đơn giản sang các dự án có quy mô lớn với các ngành nghề đòi hỏi kỹ thuật, công nghệ cao, trong đó phải kể đến dự án Thủy điện Xekaman 1 tại Lào của Công ty Cổ phần Điện Việt- Lào, tổng vốn đầu tư 441,6 triệu USD; hợp đồng thăm dò, khai thác dầu khí tại Angiêri của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam, tổng vốn đầu tư 243 triệu USD; dự án xây dựng nhà máy thủy điện Nậm Mô của Tổng công ty Hợp tác kinh tế Việt – Lào, tổng vốn đầu tư 142 triệu USD; dự án Trung tâm Thương mại Hà Nội – Matxcơva của Công ty Cổ phần Trung tâm Thương mại Hà Nội -Matxcơva, tổng vốn đầu tư 120 triệu USD.

Tính đến hết tháng 7/2008, Việt Nam còn 317 dự án đầu tư ra nước ngoài còn hiệu lực với tổng vốn đầu tư là 2,5 tỷ USD. Tuy nhiên, nếu so với số vốn đầu tư nước ngoài vào Việt Nam đến nay là hơn 130 tỷ USD thì đầu tư ra nước ngoài của Việt Nam còn rất nhỏ bé, chỉ bằng 2% tổng vốn đăng ký của các dự án FDI vào Việt Nam.

Cục Đầu tư Nước ngoài dự báo, trong năm 2008, vốn đầu tư ra nước ngoài của các doanh nghiệp Việt Nam sẽ đạt trên 500 triệu USD, tăng 20% so với năm 2007. Đây cũng sẽ là mức bình quân đầu tư ra nước ngoài hàng năm của doanh nghiệp Việt Nam trong giai đoạn từ 2008 đến 2010.

Còn nhiều vướng mắc cần tháo gỡ

Theo Cục Đầu tư Nước ngoài, đầu tư ra nước ngoài của doanh nghiệp Việt Nam thời gian qua còn nhiều hạn chế do luật pháp chính sách, quản lý của Nhà nước chưa phù hợp, cũng như do tiềm lực của doanh nghiệp Việt Nam. Các doanh nghiệp Việt Nam hoạt động riêng lẻ, manh mún, không có cơ chế liên kết để tăng tiếng nói đối với các cơ quan có thẩm quyền của nước sở tại.

Hiện nay chúng ta chưa có được một kế hoạch tổng thể xây dựng chiến lược đầu tư ra nước ngoài của doanh nghiệp Việt Nam. Chưa có quy định cụ thể về chính sách hay cơ chế đặc thù để hỗ trợ và khuyến khích các doanh nghiệp Việt Nam đầu tư ra nước ngoài. Bên cạnh đó, khuôn khổ pháp lý về đầu tư ra nước ngoài theo hình thức gián tiếp còn chưa rõ ràng, gây hạn chế cho việc đầu tư theo hình thức này.

Theo Thứ trưởng Bộ Kế hoạch Đầu tư Cao Viết Sinh, các cơ quan quản lý nhà nước đang tiếp tục cải tiến thủ tục hành chính đối với đầu tư ra nước ngoài theo hướng đơn giản thuận tiện, mở rộng hơn nữa các dự án thuộc diện đăng ký, giảm bớt sự can thiệp bằng các biện pháp hành chính ngay cả đối với dự án sử dụng vốn nhà nước, tăng quyền chủ động, tự chịu trách nhiệm của doanh nghiệp. Từng bước phân cấp việc cấp giấy chứng nhận đầu tư ra nước ngoài.

Hiện Chính phủ cũng đang đi đến thống nhất nội dung của Hiệp định khuyến khích và bảo hộ đầu tư, Hiệp định tránh đánh thuế trùng của Việt Nam với một số nước đã ký thoả thuận. Đây sẽ là cơ sở cho hoạt động đầu tư của doanh nghiệp Việt Nam khi đầu tư ra nước ngoài.

Nguồn: Báo điện tử Công thương