Xu hướng thị trường điện tử 2009
Người Việt Nam đang lo ngại sâu sắc về USD trong bối cảnh hệ thống tài chính của nước Mỹ tiếp tục ngập sâu trong rắc rối.

Giá bán: cuộc chơi của nhà tư bản

Nhiều người từng trông đợi một “cuộc cách mạng giá bán” các mặt hàng điện tử sau khi Việt Nam gia nhập WTO, nhưng sự thực là giá cả chỉ giảm theo tốc độ chậm dần đều. Trước khi đặt những bước rụt rè vào sân chơi toàn cầu, thị trường trong nước đã được thử thách qua bởi những cam kết thuộc AFTA, với những điều khoản về thuế gần như tương tự WTO, thậm chí chặt chẽ hơn (trong ngành hàng điện tử). Tuy nhiên, đến nay, những kỳ vọng về một đợt giảm sâu trong giá bán không phải là không có lý. Theo Hiệp định đối tác kinh tế Việt – Nhật (VJEPA) có hiệu lực từ đầu 2009, thuế suất nhập khẩu nhiều mặt hàng điện tử từ Nhật Bản (TV, laptop, camera…) sẽ giảm khoảng 2,5 – 4,5%. Bên cạnh đó, thị trường bán lẻ được mở cửa cũng là cơ hội chào mời các nhà phân phối xứ mặt trời mọc.

Dẫu vậy, giá cả hàng điện tử trong năm 2009 có thể sẽ vẫn đi theo lối mòn mà nó đã đi suốt năm 2008. Phản ứng của thị trường với chính sách kinh tế thường có độ trễ nhất định, đặc biệt là trong trường hợp phản ứng đó bắt đầu từ các nhân tố nước ngoài, nên dù thuế có giảm, chính sách có thêm ưu đãi, người tiêu dùng nên đợi thêm nhiều tháng hoặc nhiều năm để giá kịp rẻ. Một số đại gia phân phối cho rằng, giá cả đã xuống đáy, sát hoặc dưới giá vốn. Luận điểm này xem ra có lý, vì nhiều nguồn tin riêng của chúng tôi cho thấy, tình trạng đình trệ sản xuất hàng điện tử đang và sắp diễn ra trong năm 2009. Lịch sử đã chứng minh rằng, các nhà tư bản sẵn sàng đổ sản phẩm xuống biển, chứ không hạ thêm giá bán, hoặc cho không ai đó.

Phân phối: “thực dân kiểu cũ và mới”

Mặc dù kinh tế toàn cầu nói chung và kinh tế Việt Nam nói riêng đang gặp nhiều khó khăn, nhưng với vị thế là một trong những thị trường bán lẻ hấp dẫn nhất thế giới, Việt Nam sẽ vẫn chứng kiến sự ra đời của các trung gian phân phối mới trong năm 2009. Tuy chỉ đến 01/01/2010 các cánh cửa với mảng điện tử mới được mở toang, nhưng từ 2009 cuộc chơi đã có thể bắt đầu. Hai xu hướng đầu tư trực tiếp, và liên doanh – liên kết – mua lại sẽ cùng tồn tại. Một số chuỗi siêu thị điện tử điện máy lớn đã tạo dựng được thương hiệu hứa hẹn là địa chỉ đầu tư của các nhà “thực dân kiểu mới”. Song song, phương thức đầu tư trực tiếp theo kiểu truyền thống cũng diễn ra trên thị trường phân phối hàng điện tử, tương tự như đầu tư của Metro Cash & Carry trong ngành phân phối bán lẻ.

Công nghệ: “phanh” hay “nhấn ga”?

Hàm lượng giá trị trong giá bán sản phẩm điện tử phần lớn nằm trong chi phí nghiên cứu và phát triển sản phẩm, tức là các vấn đề về công nghệ. Sự phát triển vũ bão của công nghệ là động lực chính thúc đẩy quay nhanh vòng đời sản phẩm, đồng nghĩa với cơ hội giảm giá bán. Nghiên cứu – sản xuất – phân phối là một chu trình khép kín, nhưng khi hai mắt xích “phân phối” và “sản xuất” gặp lực cản từ viễn cảnh kinh tế không thuận lợi, thì “nghiên cứu” sẽ đặt ở đâu? Có hai khả năng giải đáp cho bài toán này: hoặc “phanh” lại hoạt động nghiên cứu phát triển do giới hạn ngân sách; hoặc thúc đẩy nghiên cứu theo hướng tiện ích mà chi phí thấp. Phương án thứ hai có vẻ là lựa chọn của nhiều người.

Lợi ích; miếng bánh nhỏ hơn

Khối lợi ích đo lường bằng giá bán được phân chia giữa 4 bên: nhà sản xuất (lợi nhuận), chính quyền (thuế), nhà phân phối (lợi nhuận), và người tiêu dùng (giá trị sử dụng sản phẩm). Ai sẽ phải nhận phần nhỏ trong miếng bánh có nguy cơ bị thu nhỏ so với năm trước? Có lẽ ba bên (ngoài người tiêu dùng) sẽ phải ngồi lại với nhau để tìm được phương án phân chia hợp lý mới thuyết phục được các “thượng đế” – những người đang nghèo đi và thận trọng hơn – ra quyết định chi tiêu.

Trung Nguyên
Nguồn: Báo Điện tử Diễn đàn doanh nghiệp