Xu thế kinh tế thế giới cuối năm 2009
Người Việt Nam đang lo ngại sâu sắc về USD trong bối cảnh hệ thống tài chính của nước Mỹ tiếp tục ngập sâu trong rắc rối.

Phần đông các tổ chức quốc tế cho rằng, trao đổi thương mại toàn cầu sẽ tiếp tục suy giảm trong năm 2009 và đầu năm 2010 do nhu cầu tiêu dùng tại các thị trường lớn chưa phục hồi, tín dụng thương mại giảm mạnh và nguy cơ bảo hộ thương mại ngày càng gia tăng… Tuy nhiên, theo dự báo của Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF), thương mại toàn cầu sẽ hồi phục vào giữa năm 2010 khi đạt mức tăng trưởng 3,2% do sức cầu của nhiều nền kinh tế lớn sẽ tăng trở lại.

Trong lĩnh vực đầu tư, mặc dù luồng vốn đầu tư trưcï tiếp nước ngoài (FDI) có khả năng sẽ tăng trở lại, nhưng sẽ phụ thuộc nhiều vào đà phục hồi của kinh tế thế giới. Dự báo, luồng vốn FDI thế giới có thể phục hồi sớm nhất vào năm 2010, hoặc muộn hơn vào 2011. Như vậy, tình trạng thiếu vốn của các nước đang phát triển sẽ còn diễn ra, tăng trưởng của các nền kinh tế dựa chủ yếu vào FDI sẽ bị ảnh hưởng lớn. Thêm vào đó, các nước có nợ nước ngoài lớn sẽ phải đối mặt với khả năng trả nợ bị giảm nghiêm trọng.

Dự báo, trong các tháng cuối năm 2009, kinh tế thế giới sẽ tiếp tục xoay quanh mức đáy, sau đó sẽ có những bước chuyển tích cực vào đầu năm 2010 và các năm tiếp theo. Đà phục hồi của kinh tế thế giới sẽ phụ thuộc nhiều vào sự phục hồi của kinh tế Mỹ, đặc biệt là lĩnh vực tài chính-tiền tệ và bất động sản tại nước này. Trong thời gian tới, châu Á được đánh giá là khu vực sẽ phục hồi sớm nhất, trong đó đáng chú ý là sự phục hồi của kinh tế Trung Quốc. Trong báo cáo mới nhất, Ngân hàng Thế giới (WB) đã nâng mức dự báo về tốc độ tăng trưởng kinh tế Trung Quốc lên 7,2% trong năm 2009, cao hơn mức dự đoán 6,5% mà WB đưa ra cách đây 3 tháng.

Như vậy, trong bối cảnh kinh tế Mỹ có khả năng phục hồi chậm (dự báo sẽ theo mô hình chữ U có đáy kéo dài); kinh tế châu Á, đặc biệt là kinh tế Trung Quốc có chiều hướng phục hồi sớm hơn dự báo (do châu Á được hưởng lợi tương đối từ việc nới lỏng tiền tệ và do trong quá khứ, sau khi giảm mạnh đà tăng trưởng thì kinh tế châu Á lại phục hồi ở tốc độ cao hơn bởi nhu cầu tăng lên từ các nước phát triển), tình hình kinh tế tại các khu vực còn lại của thế giới khó hồi phục nhanh hơn do các yếu tố sau:

Một là, xuất khẩu của các nước vào Mỹ, EU sẽ không tăng nhanh trở lại, bởi người dân đã biết dè dặt trong chi tiêu; mức độ cạnh tranh giữa các nước có mô hình tăng trưởng dựa vào xuất khẩu sẽ khốc liệt hơn và do đó, các biện pháp bảo hộ sẽ tăng lên.

Hai là, các nước đang phát triển sẽ rơi vào tình trạng thiếu vốn, trước mắt là vào năm 2010. Lãi suất cao tại Mỹ sẽ hút nguồn vốn USD trên toàn thế giới, tốc độ tăng trưởng kinh tế của các nước từng thu hút lượng lớn FDI lớn sẽ bị ảnh hưởng.
Ba là, giá hàng hóa sẽ tăng cao do lạm phát tại Mỹ gia tăng. Khả năng xuất hiện chu kỳ đầu cơ dầu thô, vàng và nguyên liệu khác sẽ gây lạm phát cao trên toàn cầu.

Dự báo các gói kích thích kinh tế và các chính sách tài chính- tiền tệ của các chính phủ sẽ phát huy tác dụng mạnh hơn vào cuối năm 2009 và năm 2010, tác động của đợt cắt giảm thuế, hỗ trợ tiền mặt sẽ rõ nét hơn tại châu Á. Việc các ngân hàng châu Á ở tình trạng tốt hơn so với các khu vực khác trên thế giới cũng tạo điều kiện cho việc sử dụng tốt hơn các gói kích thích kinh tế trong kích cầu nội địa. Tuy nhiên, việc liên tục thực hiện chính sách tiền tệ nới lỏng, tăng mạnh cung tiền có thể dẫn đến nguy cơ lạm phát tại nhiều quốc gia trên thế giới. Bên cạnh đó, thâm hụt ngân sách dự báo sẽ tăng mạnh ở các các nước phát triển và các nước đang nổi do các chính phủ tiếp tục thực hiện các kế hoạch kích thích kinh tế.

Về tính chất, hậu quả, cũng như cơ hội, cuộc khủng hoảng kinh tế lần này có một số điểm đặc biệt sau: Thứ nhất đây không chỉ là khủng hoảng tiền tệ- tài chỉnh như các cuộc khủng hoảng bình thường theo chu kỳ, mà đây là sự đổ vỡ của phương thức quản lý tài chỉnh tiền tệ toàn cầu. Do đó, hậu quả cũng khác, cơ hội cũng khác và không thể khắc phục trong một sớm, một chiều.

Thứ hai, thế giới sau khủng hoảng sẽ có bộ mặt phát triển khác, ở trình độ, mức độ cao hơn. Mô hình kinh tế toàn cầu, cơ cấu kinh tế, cơ cấu tiêu dùng, cơ cấu sản xuất sẽ thay đổi; công nghệ, dịch vụ cao sẽ phát triển mạnh hơn…
Thứ ba, thị trường cũng như ảnh hưởng của các nền kinh tế lớn đối với thị trường thế giới sẽ thay đổi. Mức độ cạnh tranh để chiếm lĩnh thị trường sẽ ngày càng gay gắt hơn. Ngoài ra, những vấn đề lớn sau khủng hoảng toàn cầu sẽ làm thay đổi tư duy, phương pháp nghiên cứu của các nhà kinh tế.

Chịu tác động tiêu cực từ sự suy thoái kinh tế thế giới, từ cuối năm 2008, kinh tế Việt Nam đã gặp nhiều khó khăn. Tuy nhiên, đến nay, đã xuất hiện những tín hiệu tích cực ở hầu hết các lĩnh vực kinh tế. Việc GDP trong quý II/2009 tăng 4,5%, mặc dù mới bằng 79% tốc độ tăng của cùng kỳ năm trước, nhưng vẫn tăng 1,4 điểm phần trăm so với quý I trước đó, cho thấy chúng ta đã vượt qua giai đoạn khó khăn. Tính chung 6 tháng đầu năm 2009, việc GDP của Việt Nam tăng 3,9% so với cùng kỳ năm trước tuy thấp so với những năm gần đây, nhưng nếu xét trong bối cảnh thế giới suy thoái, thì mức tăng này là khả quan.

Trong tình hình hiện nay, để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế trong nước, trước hết chúng ta cần tập trung giải ngân tốt, có chất lượng các nguồn vốn xây dựng cơ bản. Đây là vấn đề rất quan trọng, vì muốn đạt được tốc độ tăng trưởng kinh tế cao trong dài hạn, đồng thời ổn định được các cân đối vĩ mô thì phải nâng cao hiệu quả sử dụng vốn của nền kinh tế. Tiếp đến cần quan tâm mở rộng thị trường trong và ngoài nước.

Thực tế cho thấy, việc chăm lo chất lượng hàng hóa Việt Nam theo tiêu chuẩn quốc tế, giữ thương hiệu và uy tín một số hàng hóa chủ lực, sắp xếp lại cơ cấu hàng hóa chính là chiến lược lâu dài nhằm mở rộng thị trường thế giới. Cuối cùng là suy giảm kinh tế Việt Nam trong thời gian qua không chỉ do ảnh hưởng của cuộc khủng hoảng tài chính thế giới, mà còn do sự yếu kém mang tính cơ cấu trong nền kinh tế. Chính vì vậy, việc tính toán, đưa ra các biện pháp khắc phục hậu quả trước mắt, kết hợp chặt chẽ với chiến lược trung hạn, dài hạn là hết sức quan trọng nhằm tái cơ cấu nền kinh tế Việt Nam.

Cả nước đang tập trung cao độ cho phát triển kinh tế, do vậy việc dự báo và xem xét, đề phòng khi có cảnh báo trước sẽ là không thừa trong sự nghiệp phát triển kinh tế Việt Nam.

TS.Lê Đình Ân
Giám đốc Trung tâm Thông tin và Dự báo kinh tế – xã hội quốc gia.
Nguồn: Báo Điện tử Đầu tư