Xuất khẩu chè năm 2009, liệu có đạt mục tiêu?
Người Việt Nam đang lo ngại sâu sắc về USD trong bối cảnh hệ thống tài chính của nước Mỹ tiếp tục ngập sâu trong rắc rối.

Cây trồng xoá đói, giảm nghèo

Việt Nam được xác định là một trong 8 cội nguồn của cây chè, có điều kiện địa hình, đất đai, khí hậu phù hợp cho cây chè phát triển và cho chất lượng cao. Hiện sản phẩm chè của Việt Nam đã có mặt trên 110 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới, trong đó thương hiệu “CheViet” đã được đăng ký và bảo hộ tại 70 thị trường quốc gia và khu vực. Việt Nam hiện đang là quốc gia đứng thứ 5 trên thế giới về sản lượng cũng như kim ngạch xuất khẩu chè.

Cây chè đang được coi là cây trồng chủ lực góp phần xoá đói giảm nghèo, thậm chí còn giúp cho người dân ở vùng sâu, vùng xa, vùng núi cao làm giàu. Không chỉ vậy, cây chè còn giúp phủ xanh đất trống, đồi trọc và bảo vệ môi trường.  

Hiện Việt Nam có 6 triệu người sống trong vùng chè, có thu nhập từ trồng, chế biến và kinh doanh chè. Theo báo cáo của Bộ Nông nghiệp& PTNT, hiện cả nước có 35 tỉnh trồng chè, với tổng diện tích hơn 131.500 ha. Bình quân năng suất đạt 6,5 tấn búp tươi/ha, cung cấp nguyên liệu cho khoảng 700 cơ sở sản xuất chè khô. 

Năm 2008, mặc dù trong bối cảnh hoạt động sản xuất kinh doanh trong và ngoài nước gặp nhiều khó khăn, nhưng ngành chè vẫn xuất khẩu được 104.000 tấn chè các loại bằng con đường chính ngạch, đạt kim ngạch 147 triệu USD, tăng khoảng 12,4% so với cùng kỳ năm 2007. 

Trong năm 2008, ngành chè Việt Nam cũng đã thiết lập quan hệ hợp tác với Hội Nghiên cứu tà mã cổ đạo, Hội trà Phổ Nhĩ, Hội  Kinh tiêu trà thuộc tỉnh Vân Nam (Trung Quốc). Qua đó, các biện pháp kiểm soát chất lượng chè xuất khẩu, nhập khẩu, bảo đảm vệ sinh, an toàn thực phẩm được tiến hành, các đối tác tin cậy được giới thiệu, các hình thức giao lưu văn hoá chè giữa 2 nước Việt-Trung được triển khai, du lịch sinh thái ở các vùng chè đặc sắc, độc đáo được phát triển. 

Ngành cũng đã phối hợp với Thương vụ Việt Nam tại Iran và các vụ chức năng của Bộ Công thương, Bộ Nông nghiệp& PTNT, Đại sứ quán Iran tại Hà Nội, mời đoàn Cơ quan Quản lý thực phẩm và thuốc, Cục Quản lý vệ sinh các sản phẩm thực phẩm và đồ uống nội địa  của Iran đến Việt Nam kiểm tra điều kiện sản xuất và chất lượng chè Việt Nam, làm cơ sở cho việc cấp các loại giấy cần thiết cho phép doanh nghiệp Việt Nam được xuất khẩu chè trực tiếp vào thị trường này…

Cần nâng cao năng suất và chất lượng

Theo kế hoạch, năm 2009, ngành chè Việt Nam dự kiến xuất khẩu 117 ngàn tấn, với kim ngạch phấn đấu đạt khoảng 167 triệu USD (tăng 13,6% so với năm 2008). Đây là một trong những mặt hàng của ngành Nông nghiệp mà chỉ tiêu tăng trưởng được đưa ra cao hơn năm trước.

Theo Thứ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Thành Biên, nếu ngành chè thực hiện được mục tiêu trên, thì đây là thành tích của ngành, bởi bối cảnh chung hiện nay các mặt hàng khác đều đưa ra chỉ tiêu giảm so với năm trước… Đơn cử, toàn ngành nông nghiệp đưa ra kim ngạch xuất khẩu năm 2009 đạt 12,5 tỷ USD, giảm 3,7 tỷ USD so với năm 2008. 

Tuy nhiên, theo Thứ trưởng Bộ Công thương, để đạt được kế hoạch trên, ngành chè cần phối hợp chặt chẽ với các doanh nghiệp, địa phương, các Bộ, Ngành có hướng đột phá nâng cao chất lượng chè Việt Nam và vệ sinh an toàn thực phẩm. Bởi đây là vấn đề hết sức quan trọng để ngành chè vươn ra thị trường thế giới. 

Bên cạnh việc tiếp tục giữ vững thị trường hiện có, ngành chè cần mở ra các thị trường mới, như: Đức, Hà Lan, Ba Lan, Ả Rập Xê út… Mặt khác, ngành chè cần sớm khôi phục lại thị trường Irắc.  

Theo chủ tịch Hiệp hội Chè Việt Nam Nguyễn Kim Phong, hiện ngành chè đang nỗ lực với một chiến lược bền vững, bao gồm: hiện đại hoá công nghiệp chế biến, nâng cao năng suất và chất lượng, mở nhiều lớp đào tạo giúp người dân nâng cao kỹ thuật chăm sóc chè để sản xuất và tiêu thụ các sản phẩm chè có chất lượng cao và giá cả hợp lý, hấp dẫn người tiêu dùng. 

Ngành chè cũng sẽ tăng cường năng lực nghiên cứu để tạo, chọn và nhân các giống chè mới thích nghi với đất đai, khí hậu của từng địa phương. Cải tiến khâu chăm sóc, thu hái, không để dư lượng hoá chất độc hại trong búp chè tươi. Ngành chè cũng luôn đổi mới dây chuyền và công nghệ chế biến bảo đảm chất lượng, tìm hiểu khẩu vị, thị hiếu của người tiêu dùng…

Ông Nguyễn Kim Phong cho biết thêm, ngoài ra để nâng cao vị thế của ngành chè Việt Nam trên thương trường trong nước và quốc tế, các sản phẩm mang biểu tượng chè thương hiệu quốc gia chè Việt Nam bắt buộc phải đạt tiêu chuẩn quốc gia.  

Bên cạnh đó, tiếp tục đẩy mạnh việc nghiên cứu và tổ chức sản xuất các loại chè cao cấp có sức cạnh tranh cao, như: các loại chè ướp hương  hoa quả; các loại nước chè đóng hộp; các loại chè thuốc, bao gồm: chè dưỡng thọ cho người già, chè chống sỏi thận, chè đắng và các loại chè thảo mộc khác. 

Đức Hải
Nguồn: Báo Hà Nội mới