Xuất khẩu gạo: Không nên nôn nóng!
Người Việt Nam đang lo ngại sâu sắc về USD trong bối cảnh hệ thống tài chính của nước Mỹ tiếp tục ngập sâu trong rắc rối.

Giá thu mua giảm mạnh

Theo báo cáo của Bộ NN &PTNT, đến ngày 8.8, diện tích lúa hè thu các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long đã thu hoạch được khoảng 950.000 ha, chiếm 46% diện tích trồng toàn vùng. Thực trạng hiện nay theo phản ánh của các địa phương giá thu mua lúa đang giảm mạnh. Nếu như tháng 5, tháng 6, giá lúa còn ở mức 5.500 – 6.500 đồng /kg thì từ đầu tháng 7 đén nay giá lúa giảm dần xuống mức bình quân hiện này là 4.300 – 4.500 đồng /kg. Giá lúa giảm, trong khi vụ hè thu đang thu hoạch rộ, nông dân trong vùng phần lớn không có điều kiện tích tích trữ lúa nên việc lo tiêu thụ lúa càng trở nên “nóng”.

Theo tính toán chung, giá thành sản xuất lúa hè thu vụ này phổ biến ở mức 3.200 – 3.600 đồng /kg, có nơi giá thành sản xuất lúa là 3.900 đồn /ha. Với giá thành này, nếu theo chỉ đạo của Chính phủ là phải đảm bảo cho người trồng lúa có lãi khoảng 40% thì giá thu mua lúa thấp nhất cũng khoảng 5.500 đồng /kg. Tuy nhiên, Giám đốc Sở NN &PTNT Tiền Giang cho biết, thực tế dưới ruộng những ngày mưa nông dân phải bán lúa với giá 2.500 -3.100 đồng /kg, mà cũng chủ yếu chỉ bán được cho thương lái nhỏ mua với số lượng cầm chừng.

Nguyên nhân giá lúa gạo trong nước giảm mạnh ngoài lý do giá gạo thế giới giảm 300-400 USD/tấn nên giá lúa gạo trong nước giảm theo là điều tất yếu, thì thị trường lúa gạo trong nước cũng bị nhiều sức ép khác. Thứ nhất do đang thu hoạch hơn 2/3 diện tích lúa hè thu, sản lượng đạt khá lớn (khoảng 4 triệu tấn lúa), nhưng mưa nhiều nên khó xử lý độ ẩm, trong lúc thương nhân không thể mua lúa với số lượng lớn, vì về sấy cũng không kịp, làm tiến độ bị chậm. Thứ hai là tình hình tài chính tiền tệ khó khăn, lãi suất ngân hàng tăng cao, doanh nghiệp không dám mua lúa hàng hóa để dự trữ như những vụ trước mà chỉ mua và chế biến đến đâu xuất khẩu đến đó. Với lãi suất cao hiện nay, nếu mua lúa trữ vào kho mỗi tháng phải chi thêm 12-15USD/tấn. Hơn nữa, doanh nghiệp hiện không được vay ngoại tệ mua lúa mà phải vay tiền đồng. Thứ ba, rơi vào thời điểm áp dụng chính sách đánh thuế xuất khẩu gạo. Những yếu tố đó tạo áp lực nặng nề dẫn đến tốc độ giảm giá lúa gạo và tiến độ mua càng mạnh hơn. Vì thế, nhiều doanh nghiệp muốn bán nhanh lượng gạo đã mua dự trữ trước đó, khách hàng nước ngoài nắm được tình hình này nên ép giá.

Không nên vội bán gạo với giá thấp

Mặc dù lượng tồn kho còn lớn, nguồn vốn khó khăn nhưng ngay sau công điện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ thu mua 400.000 – 500.000 tấn gạo trong tháng 8 nhằm giải quyết ách tắc trong khâu tiêu thụ lúa của nông dân, Hiệp hội Lương thực Việt Nam đã đề nghị các doanh nghiệp mua vào tổng số là 660.000 tấn gạo. Trong đó, Tổng Công ty Lương thực miền Nam được giao mua 300.000, Tổng Công ty Lương thực miền Bắc 200.000, các công ty lương thực địa phương mua 160.000 tấn.

Tính đến ngày 31.7, lượng gạo tồn kho trong các doanh nghiệp là 700.000 tấn, cộng với việc mua thêm 660.000 tấn gạo lần này, số gạo trong các doanh nghiệp sẽ lên tới 1, 36 triệu tấn. Hiệp hội Lương thực Việt Nam cho rằng với lượng tồn kho lớn, nếu tiếp tục thu mua trong điều kiện lãi suất cao như hiện nay thì rủi ro là rất lớn. Do đó, việc cấp thiết hiện nay là phải xúc tiến ký được hợp đồng xuất khẩu, giải quyết được đầu ra ngay trong tháng 8, 9. Tổng Công ty Lương thực miền Nam cũng đề xuất, Chính phủ cần thay đổi hạn mức xuất khẩu 3, 5 triệu tấn trong quý 3, tạo điều kiện để doanh nghiệp chủ động ký kết hợp đồng.

Để tạo điều kiện cho doanh nghiệp thu mua lúa gạo ở mức tối đa, bà Phạm Kim Yên – Phó Chủ tịch UBND tỉnh An Giang đề nghị cần xem xét cho doanh nghiệp vay vốn trước khi có được hợp đồng xuất khẩu và hỗ trợ lãi suất vay cho doanh nghiệp trong thời gian 3 tháng. Với 260.000 tấn lúa hàng hoá cần tiêu thụ trong tháng 8, đại diện tỉnh Tiền Giang cho rằng, ngoài việc thu mua của doanh nghiệp xuất khẩu, Chính phủ nên có chính sách riêng để mua tạm trữ. Bên cạnh đó, có thể cho doanh nghiệp vay vốn bằng ngoại tệ. Về lâu dài, có ý kiến cho rằng nên có quỹ bình ổn lương thực để các ngân hàng có thể hỗ trợ doanh nghiệp và nông dân trong những múc như thế này. Về phía người trồng lúa, nhiều địa phương kiến nghị Nhà nước nên gia hạn nợ và tiếp tục cho vay đối với những hộ chưa bán được lúa hiện nay họ yên tâm hơn và chuẩn bị tốt cho các vụ lúa tiếp sau.

Phát biếu tại cuộc giao ban trực tuyến, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Nguyễn Văn Giàu cam kết sẽ đảm bảo đủ vốn vay mua lúa gạo cho các doanh nghiệp lương thực, kể cả đối với các doanh nghiệp chưa có hợp đồng xuất khẩu. Hiện nay, hầu hết các ngân hàng thương mại đã áp dụng khung lãi suất ở mức thấp nhất hiện nay đối với việc cho vay thu mua lúa gạo (phổ biến là 19,5 – 19,8%/năm). Đối với nông dân, trong trường hợp chưa tiêu thụ được lúa, Ngân hàng sẵn sàng cho gia hạn nợ, đồng thời tiếp tục cho vay để bà con yên tâm sản xuất.

Trước những cam kết của doanh nghiệp, ngân hàng, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Cao Đức Phát đã đưa ra khuyến cáo: nông dân không nên vội vã bán lúa với giá thấp. Các doanh nghiệp cũng cần xem xét trong việc ký kết hợp đồng, tránh việc bị ép giá vì thực tế tổng nhu cầu của thị trường lúa gạo thế giới vẫn còn cao. Hiện nay một số khách hàng thấy tình hình trong nước như vậy đã làm áp lực để giảm giá gạo chứ không phải giá gạo thế giới sẽ giảm nữa.

Nguồn: Báo Đời sống và pháp luật  điện tử