Xuất khẩu gạo: Nghịch lý cung – cầu
Người Việt Nam đang lo ngại sâu sắc về USD trong bối cảnh hệ thống tài chính của nước Mỹ tiếp tục ngập sâu trong rắc rối.

Tại Philipines, giá gạo trên thị trường tự do đã tăng gấp 3 lần giá trần nhà nước qui định. Còn Việt Nam, nước XK gạo lớn thứ 2 trên thế giới đang đặt ra bài toán: đẩy mạnh sản xuất, an ninh lương thực đón đầu cơ hội XK.

Nhiều quốc gia “thắt” nguồn XKThị trường gạo châu Á, nguồn cung gạo cho XK chiều hướng hạn hẹp tại những nước XK lớn như Thái Lan, nước XK gạo lớn thứ nhất thế giới, sản lượng lúa vụ 2 ước chỉ đạt 6,5 triệu tấn, giảm 4,2% so với cùng kỳ năm 2007, vì vậy XK cả năm chỉ đạt khoảng 8,7 triệu tấn, giảm 7% so với năm 2007.

Ấn Độ, nước sản xuất lúa lớn trên thế giới đã quyết định cấm XK gạo Non-basmati để kiểm soát giá lương thực trong nước tăng vọt và quyết định đưa giá gạo thơm basmati XK cũng tăng lên 1.200 USD/tấn nhằm giảm bớt lượng XK. Đồng thời Ấn Độ còn giảm thuế NK xuống bằng 0 đối với tất cả các mặt hàng lương thực.

Đối với Ai Cập cũng thông báo cấm XK gạo từ tháng 4 cho tới tháng 10/2008, khi vụ mới được thu hoạch. Quốc gia láng giềng Việt Nam là Campuchia cuối tháng 3 quyết định hạn chế XK, do hàng ngày một lượng lớn gạo nước này đã xuất qua biên giới. Trung Quốc, quốc gia hàng đầu thế giới về sản xuất gạo, một mặt áp đặt hạn ngạch khống chế và tăng thuế XK gạo, mặt khác cũng bỏ thuế NK nhóm lương thực cơ bản. Lần thứ 2 trong năm nay nước này tăng mức giá thu mua tối thiểu đối với gạo và lúa mỳ, nhằm khuyến khích nông dân sản xuất lương thực và khống chế tình trạng lạm phát.

Trong tháng 3, gạo Thái Lan tăng từ 90 – 95 USD/tấn, gạo Việt Nam tăng từ 140 – 145 USD/tấn. Tại thời điểm hiện nay so với đầu năm 2007, giá chào gạo XK Thái Lan tăng 242 – 250 USD/tấn, của Việt Nam tăng 220 – 250 USD/tấn, đây là mức giá cao nhất trên 30 năm trở lại đây. Dự báo, giá gạo thế giới từ nay đến cuối năm khả năng sẽ còn tăng tới 40%, đạt ngưỡng 1.000 USD/tấn.

Thực lực của Việt Nam, theo Bộ NN&PTNT, tại các tỉnh phía Bắc, có khoảng 22.000ha sẽ chuyển từ trồng lúa sang cây khác. Do thời tiết vừa qua rét đậm, rét hại kéo dài nên thời vụ gieo cấy lúa đông xuân bị đẩy lùi từ 15 – 20 ngày, cộng thêm chi phí đầu vào tăng cao, tình hình này đã tác động tới giá lương thực tăng mạnh ở nhiều nơi.Tại các tỉnh phía Nam, sản lượng lúa vụ đông xuân dự kiến đạt khoảng 11,5 triệu tấn, tăng khoảng 200.000 tấn so với vụ đông xuân trước. Tuy nguồn cung lương thực trên thị trường được bổ sung từ vụ thu hoạch mới, nhưng giá lúa gạo không ngừng lên cao do nhu cầu gạo cho XK và giá XK tăng cao.Ba tháng đầu năm, các doanh nghiệp XK được gần 930.000 tấn, đạt 394 triệu USD, tăng 14% về lượng và 53,5% về giá trị.

Thị trường NK gạo chủ yếu của Việt Nam thời gian qua là Philipines, chiếm 60% lượng gạo XK của Việt Nam. Do thiếu lương thực trầm trọng, giá gạo bán trên thị trường tự do của Philipines tăng gấp 3 lần giá trần nhà nước qui định. Chính phủ Philipin quyết định mỗi người dân chỉ được mua 3kg giá ưu đãi. Khả năng Philipines phải NK 2,4 triệu tấn gạo, trong đó hiện đang đặt mua 1,5 triệu tấn gạo từ Việt Nam.

Mới đây, Chính phủ Việt Nam đã hạ chỉ tiêu XK gạo 10 tháng đầu năm nay xuống còn 3,5 triệu tấn, tức sản lượng gạo XK giảm 22% so với cùng kỳ năm ngoái. Bộ Công Thương đã giao Hiệp hội Lương thực Việt Nam điều hành tiến độ XK gạo từng quý trong khoảng: quý I/2008 từ 700.000 – 800.000 tấn; quý II từ 1,3 – 1,5 triệu tấn; quý III từ 1,3 – 1,4 triệu tấn và quý IV từ 700.000 – 800.000 tấn. Hiệp hội Lương thực Việt Nam đã có văn bản chỉ đạo các doanh nghiệp XK tạm ngừng ký các hợp đồng XK gạo có thời hạn giao hàng trong tháng 3 và tháng 4/2008.Mới đây, tại Hội nghị gặp gỡ Chủ tịch 32 tỉnh, thành phố phía Bắc về các biện pháp kiềm chế lạm phát và tiếp tục thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội năm 2008, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng phát biểu, trong bối cảnh giá gạo trên thế giới tăng cao, nếu Việt Nam XK được 4 – 5 triệu tấn gạo thì sẽ thu về nguồn kim ngạch lớn.

Tuy nhiên, với thời tiết khắc nghiệt vừa qua, miền Bắc chưa biết sẽ được mùa hay thất bát, cộng thêm dự phòng cho các vùng thiên tai bão lũ, bài toán đặt ra đối với Việt Nam bây giờ chính là: giữ vững sản xuất; ổn định giá góp phần quan trọng trong kiểm soát tình hình lạm phát; cân đối đảm bảo an ninh lương thực và cuối cùng là nghiên cứu kỹ nguồn cung – cầu trong nước để cân đối lượng hàng cho XK.

Nguồn: Báo điện tử Công thương