Xuất khẩu gạo quý II: Luẩn quẩn giá, hẹp cửa thị trường
Người Việt Nam đang lo ngại sâu sắc về USD trong bối cảnh hệ thống tài chính của nước Mỹ tiếp tục ngập sâu trong rắc rối.

Theo Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA), kim ngạch XK (XK) gạo trong tháng 3 đạt gần 585.000 tấn, trị giá FOB đạt 256.184 triệu USD, tăng 77,7% về lượng và 75,42% về giá trị so với tháng 2.
Tuy nhiên, tính chung quý I, lượng gạo XK đạt hơn 1,2 triệu tấn, với trị giá 529,77 triệu USD, giảm 15,41% về lượng và 9% về giá trị.
Giá vẫn giảm mạnh
Ông Huỳnh Minh Huệ – Phó chủ tịch VFA đánh giá, mức sụt giảm đáng kể trong quý I đã ảnh hưởng lớn đến mục tiêu XK gạo của cả năm.
Hiện, chính sách thu mua, tạm trữ 1 triệu tấn gạo của Chính phủ đã được triển khai, với lượng thu mua tính đến đầu tháng 4 đã đạt đến 50% kế hoạch. VFA cho biết, nhờ tác động của chương trình tạm trữ, giá lúa nguyên liệu đã tăng bình quân 300 đồng/kg, với giá lúa khô mua tại ruộng thấp nhất đạt 4.750 đồng/kg (loại hạt dài) và 4.450 đồng/kg (loại thường).
Tuy nhiên, ông Huỳnh Văn Giành – Giám đốc Sở Công Thương Kiên Giang, cho biết chủ trương triển khai thu mua tạm trữ dù có giúp giá lúa tăng lên khoảng từ 200 – 300 đồng/kg, song đây chỉ là mức tăng hơn so với thời điểm giá lúa sụt giảm sâu nhất, chứ không phải tăng so với thời điểm trước đây. Chưa kể, với lượng thu mua là 1 triệu tấn gạo, cũng chưa “thấm tháp” vào đâu so với lượng lúa gạo cần tiêu thụ tại Đồng bằng sông Cửu Long là 4,5 triệu tấn. Đơn cử như tại Kiên Giang, lượng lúa gạo cần tiêu thụ là 1,2 triệu tấn, song chỉ tiêu thu mua chỉ được 86.000 tấn, khiến cho việc tiêu thụ gạo vẫn gặp rất nhiều khó khăn.
Trong khi việc tiêu thụ cho nông dân vẫn gặp không ít khó khăn và giá lúa gạo chưa có sự phục hồi tích cực, thì chủ trương kiểm tra xe quá khổ, quá tải mà Bộ GTVT đưa ra từ đầu tháng 4 càng khiến cho hoạt động XK gạo gặp nhiều khó khăn.

Được biết, với hơn 1,2 triệu tấn gạo XK trong quý I, lượng gạo XK sang Trung Quốc khá nhiều, với khoảng gần 200.000 tấn XK chính thức và 400.000 tấn XK qua đường tiểu ngạch. Ông Huệ cho biết, sau khi gạo được vận chuyển từ miền Nam ra Cảng Hải Phòng và được đưa lên cửa khẩu Lào Cai để xuất sang Trung Quốc, do các tỉnh phía Bắc lập trạm cân tải trọng xe, nên hàng hóa XK qua biên giới bị “ách tắc”, khiến giá lúa vừa “nhích” lên đã sụt giảm mạnh.
Chưa thấy đầu ra
“Từ Hải Phòng vận chuyển lên Lào Cai phải qua 7 tỉnh, tức qua 7 trạm cân, nên chi phí tăng và các phương tiện không thể vận chuyển được. Nhiều xe phải sửa thùng lại và nâng cấp lên, bình thường chở 60 – 70 tấn, mà giờ chỉ cho phép chở 20 tấn thôi, nên hầu hết các xe đều không đủ tiêu chuẩn để vận chuyển, khiến cho việc XK gạo qua biên giới sang Trung Quốc bị ngưng lại. Hiện giờ, hàng đang tồn đọng ở Hải Phòng, các tàu chở hàng từ Cần Thơ ra cũng đang nằm chờ, khiến cho giá lúa sụt giảm rất mạnh, vừa tăng được 300 đồng/kg nhờ tạm trữ, giờ lại tụt xuống 500 đồng/kg, chủ yếu do ách tắc vận tải”, ông Huệ cho biết.
VFA đánh giá, hoạt động XK gạo trong quý II có ý nghĩa quan trọng để đạt mục tiêu XK trong năm nay, do đó, kim ngạch XK tối thiểu cần đạt được phải là 2 triệu tấn. Tuy nhiên, theo nhận định của VFA, mục tiêu này cũng đang là bài toán khó với các doanh nghiệp XK, khi lượng gạo XK trong quý II có thể giảm hơn so với cùng kỳ. Bởi theo phân tích của VFA, ngoài 30% lượng gạo XK đến từ các hợp đồng tập trung của Philippines được ký từ năm trước, XK gạo bị lệ thuộc rất nhiều Trung Quốc, chiếm đến 40% thị phần, trong khi đây là thị trường luôn chứa đựng nhiều rủi ro, đặc biệt khi có biến động về tỷ giá, XK gạo sẽ bị ảnh hưởng nghiêm trọng và không đảm bảo được mục tiêu đề ra.
Đặc biệt, hiện các thị trường phi truyền thống ở Đông Nam Á cũng chưa ký được hợp đồng nào, trong khi đó, gạo Việt Nam lại chịu sự cạnh tranh gay gắt từ Thái Lan, khiến cho thị trường châu Phi – đối tác nhập khẩu gạo lớn thứ hai của Việt Nam đã chuyển sang mua hàng của nước này. Theo VFA, trong quý I, thị trường châu Phi chỉ chiếm khoảng 7% thị phần trong cơ cấu kim ngạch XK gạo của Việt Nam. Do đó, XK gạo hiện chỉ “trông chờ” vào việc Philippines sẽ mở thầu 800.000 tấn gạo, song theo ông Huệ, thực chất đây là cuộc chiến của các nhà XK gạo Thái Lan và Việt Nam. Cuộc cạnh tranh này cũng sẽ hình thành nên mặt bằng giá mới, chứa đựng nhiều yếu tố may rủi, bởi theo VFA, việc cạnh tranh có thể làm tụt giá và gây bất lợi XK gạo của Việt Nam.
Trước tình hình XK gạo giảm cả về lượng và giá, bà Phan Thị Diệu Hà – Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) cho biết, hiện Bộ đang phối hợp cùng Bộ NN&PTNT, VFA có biện pháp sát sao với việc tìm kiếm thị trường XK gạo, xúc tiến thương mại. Theo đó, Bộ đã có 7 thỏa thuận về Hiệp định lúa gạo với Indonesia, Bangladesh, Philippines… với tổng lượng 4,2 triệu tấn, cũng như đang xúc tiến đàm phán với Malaysia và Trung Quốc. Ngoài ra, Bộ cũng đang phối hợp chặt chẽ với Tổ công tác điều hành XK gạo để có biện pháp tích cực nhằm củng cố thị trường truyền thống, mở thị trường mới.
Được biết, ngày 1/4 vừa qua, Bộ Công Thương đã ban hành Chỉ thị nhằm tăng cường công tác thông tin thị trường, kết nối các đơn vị để giải quyết khó khăn, thúc đẩy và mở rộng thị trường XK gạo…

Linh An
Nguồn: 
http://thoibaokinhdoanh.vn/441/news-detail/1339894/lang-kinh/xuat-khau-gao-quy-ii-luan-quan-gia-hep-cua-thi-truong.html