Xuất khẩu gạo Việt Nam đón nhận tín hiệu tốt từ Philippines
Người Việt Nam đang lo ngại sâu sắc về USD trong bối cảnh hệ thống tài chính của nước Mỹ tiếp tục ngập sâu trong rắc rối.

Ông Angelito T.Banayo, người điều hành Cơ quan lương thực quốc gia Philippines (NFA) cho biết, thời hạn ký kết biên bản thỏa thuận cung cấp gạo giữa hai Chính phủ Philippines và Campuchia (MOU) đã hết hiệu lực vào ngày 31/5/2012.  “Như vậy, trong tuần này chúng ta sẽ chuyển đơn đặt hàng 20nghìn tấn gạo cho Việt Nam”, ông Angelito T. Banayo xác nhận.

Cũng theo ông Banayo, vào tuần trước Cơ quan lương thực quốc gia đã trình lên Ủy ban cấp giấy phép đề nghị mua 100.000 tấn gạo của Việt Nam sau khi đã xem xét các điều khoản và giá chào của hai nước Việt Nam và Thái Lan thì giá chào và các điều khoản của Việt Nam là tốt hơn.

Trong thời gian tới, thương vụ mua 120 nghìn tấn gạo theo thỏa thuận giữa hai Chính phủ sẽ phải được hoàn thành, do Campuchia không ký được thỏa thuận cung cấp 20 nghìn tấn gạo như Philippines mong muốn sẽ có 3 nước chào hàng thì giá cả sẽ cạnh tranh hơn.

Cơ quan lương thực quốc gia NFA thuộc Bộ Nông nghiệp Philippines (DA) đảm bảo nguồn cung về gạo trong thời gian tới sẽ là rất phong phú và Philippines trong năm nay sẽ mua tổng cộng là 500 nghìn tấn gạo.

Theo dự kiến, tất cả các đơn hàng nhập khẩu sẽ cập cảng vào cuối tháng này.

Năm ngoái Philippines nhập khẩu 860 nghìn tấn gạo. Trong đó, khối các doanh nghiệp tư nhân nhập khẩu 660 nghìn tấn và NFA chỉ nhập khẩu phần còn lại là 200.000 tấn.

Trong khi đó, theo Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA), tính đến 31/5/2012, tổng sản lượng xuất khẩu gạo đã đạt 2,5 triệu tấn. VFA nhận định: Theo quy luật hàng năm, tháng 5 thường là tháng xuất khẩu gạo cao đỉnh điểm và năm 2012 cũng không ngoại lệ. Trong tháng 5/2012, sản lượng xuất khẩu đạt gần 788,3 nghìn tấn với kim ngạch xuất khẩu cao hơn 12% so với cùng kỳ năm 2011 và cao hơn khoảng 11% so với tháng 5/2010.

Với đà tăng mạnh sản lượng xuất khẩu trong 2 tháng qua đã giúp Việt Nam tiếp tục kỳ vọng có thể đạt mục tiêu xuất khẩu gạo 6,5 triệu tấn trong năm 2012. Tuy nhiên, giá xuất khẩu gạo trung bình của Việt Nam trong năm 2012 vẫn thấp hơn giá trung bình trong năm 2011và liên tục giảm trong những tháng đầu năm.

Bên cạnh đó, bất chấp cảnh báo của các cơ quan chức năng khi thị trường gạo quốc tế đang có nhu cầu thấp đối với gạo chất lượng thấp, nông dân Việt Nam vẫn tiếp tục gieo trồng trên diện rộng giống lúa chất lượng thấp nhưng cho năng suất cao.

Trong nỗ lực xây dựng thương hiệu gạo Việt Nam chất lượng cao, Chính phủ đã và đang kêu gọi nông dân hạn chế sản xuất loại gạo chất lượng thấp như IR50404, giới hạn chỉ ở mức 20% tổng sản lượng lúa, nâng tỷ trọng các loại gạo chất lượng cao chiếm 60 – 70% tổng sản lượng và 10 – 20% gạo thơm chất lượng cao.

Tuy nhiên việc tăng mạnh kim ngạch xuất khẩu đã giúp đẩy giá gạo chất lượng thấp IR50404 trong vài tháng gần đây càng tiếp thêm động lực cho nông dân sản xuất loại gạo chất lượng thấp trong năm 2012. Nông dân cho biết, họ sẽ tiếp tục trồng loại lúa chất lượng thấp do năng suất cao, chi phí sản xuất thấp và không có giống chất lượng cao thay thế.

Theo báo cáo giám sát của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội về đầu tư cho “tam nông”, hiện nay nếu tính nhu cầu giống để sản xuất cho 3,8 triệu ha đất lúa thì hệ thống sản xuất giống chưa đáp ứng được yêu cầu giống đạt tiêu chuẩn. Phần lớn nông dân là tự làm giống do đó chất lượng sản phẩm chưa cao, đây là một trở ngại lớn cho việc xây dựng nguồn nguyên liệu có năng suất, chất lượng cao và sức cạnh tranh của gạo Việt Nam khi ra thị trường thế giới.

Do đó, thời gian tới Chính phủ cần chỉ đạo các ngành, địa phương, đặc biệt là khu vực ĐBSCL tập trung đầu tư đúng mức về vốn, công nghệ kỹ thuật cao để phát triển các loại giống lúa có năng suất, chất lượng đáp ứng tốt yêu cầu xuất khẩu, phù hợp điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng của từng vùng./.


Nguyễn Tiến Dũng (tổng hợp)
Nguồn: Báo điện tử Báo Đối ngoại Vietnam – Economic News