Xuất khẩu hàng thủ công mỹ nghệ sang Nhật Bản: Nhiều vấn đề về mẫu mã, chất lượng
Người Việt Nam đang lo ngại sâu sắc về USD trong bối cảnh hệ thống tài chính của nước Mỹ tiếp tục ngập sâu trong rắc rối.

Với tiềm năng về nguyên liệu, hơn 2.000 làng nghề và trên 10 triệu lao động làm nghề, cho thấy nếu Việt Nam biết tận dụng khai thác thì mặt hàng TCMN sẽ có thể đáp ứng được nhiều đơn hàng với nhiều chủng loại mẫu mã. Hiện những sản phẩm đang có vai trò quan trọng XK vào Nhật Bản là: mây, tre, cói, thảm chiếm 31%; sản phẩm gốm, sứ (cả gốm sứ xây dựng) chiếm 44%; sản phẩm đá quý và kim loại quý chiếm 25%.

Theo đánh giá của chuyên gia Nhật Bản, nhu cầu của người Nhật về hàng TCMN rất đa dạng, yêu cầu các mặt hàng phải thay đổi nhanh sao cho phù hợp với các mùa trong năm. Vòng đời của một sản phẩm rất ngắn, đòi hỏi các nước XK hàng TCMN phải nhanh nhạy đáp ứng những nhu cầu đó.

Đối với một sản phẩm TCMN, người tiêu dùng Nhật Bản luôn quan tâm đến 3 yếu tố: thứ nhất, sản phẩm được làm bằng nguyên liệu gì; thứ hai, nhà sản xuất sử dụng phương pháp gì để tạo ra sản phẩm; thứ ba, sản phẩm thể hiện tính truyền thống như thế nào. Trong đó, yếu tố thứ 3 là quan trọng nhất, được người Nhật đặc biệt quan tâm, bởi họ luôn đòi hỏi sản phẩm làm ra phải có “hồn”, thể hiện tâm tư, tình cảm của người lao động và mang nét độc đáo riêng.

Tuy nhiên, trên thực tế thì hàng TCMN của Việt Nam còn bộc lộ nhiều hạn chế như: kiểu tư duy cũ là chỉ bán những sản phẩm mình có mà chưa quan tâm tới nhu cầu của từng nước; trình độ ngoại ngữ, kỹ năng giao tiếp quốc tế của các DN còn hạn chế; đa phần DN nóng vội, chưa kiên nhẫn trong việc nghiên cứu và thâm nhập sâu vào thị trường. Chính vì vậy, chỗ đứng của hàng TCMN Việt Nam chưa có độ vững chắc. Ví dụ, đối với sản phẩm túi xách các loại, vốn là mặt hàng NK lớn của thị trường Nhật Bản. Trước đây, khách hàng Nhật rất ưa chuộng sản phẩm túi xách của Việt Nam, nhưng nay thì 70% sản phẩm túi xách cao cấp được Nhật Bản NK từ EU với những thương hiệu nổi tiếng. 30% còn lại là sản phảm túi xách thông thường được nhập chủ yếu từ Trung Quốc và một số nước ASEAN. Sở dĩ XK túi xách vào Nhật Bản của Việt Nam bị giảm sút là bởi sản phẩm đã mất tính hấp dẫn, không còn bắt mắt người tiêu dùng. Cục Xúc tiến thương mại, Bộ Công Thương phân tích, các DN Việt Nam do chưa am hiểu về văn hóa, thị hiếu thị trường Nhật Bản nên không nắm bắt được giá cả, nhu cầu, xu hướng phát triển của thị trường dẫn đến việc XK các mặt hàng “lệch pha” so với nhu cầu của khách, vì thế vô hình chung mất đi sức cạnh tranh với các đối thủ khác…

Vì vậy, để có thể chiếm lĩnh thị trường Nhật Bản, các DN Việt Nam cần phải tập trung sản xuất những sản phẩm đảm bảo chất lượng, đúng với sở thích của người Nhật đòi hỏi và phải có giá trị sử dụng cao trong cuộc sống hàng ngày. Hàng hóa sản xuất ra nên phát triển theo hướng đa dạng hóa sản phẩm bằng cách đa dạng hóa chủng loại, giảm về số lượng thành phẩm.

Bên cạnh đó, các DN cần phải đảm bảo sự cân bằng giữa chất lượng và giá thành sản phẩm, bởi người Nhật quan niệm “hàng rẻ là hàng kém chất lượng”. Họ sẵn sàng trả giá cao cho những sản phẩm chất lượng tốt.

Thông thường trong kinh doanh, các DN luôn quan tâm đến những khách hàng lớn. Tuy nhiên, các DN không nên nản lòng khi khách hàng Nhật chỉ mua một lượng hàng rất nhỏ vì nhiều khi chỉ từ một lượng hàng nhỏ cũng có thể hình thành cả một trào lưu tiêu thụ hàng TCMN thông qua sự giới thiệu của khách hàng đó với người thân, bạn bè. Điều này rất có lợi cho việc thúc đẩy XK hàng TCMN của Việt Nam vào thị trường Nhật Bản.

Các chuyên gia của Nhật Bản khuyến cáo DN, cơ sở sản xuất hàng TCMN của Việt Nam nếu muốn thâm nhập sâu hơn vào thị trường Nhật Bản cần lưu ý mộ số điểm quan trọng, đó là thiết kế phải chuyên nghiệp hơn; sử dụng thích hợp các chất liệu, vật liệu sản xuất sản phẩm; có kèm theo thông tin hướng dẫn cụ thể về tính năng, công dụng, cách sử dụng sản phẩm; sản phẩm phải hài hòa với nhu cầu sử dụng của người Nhật…

Nguồn: Báo Thương mại