Xuất khẩu – một năm suy giảm
Người Việt Nam đang lo ngại sâu sắc về USD trong bối cảnh hệ thống tài chính của nước Mỹ tiếp tục ngập sâu trong rắc rối.

Nhiều mặt hàng xuất khẩu chủ lực giảm mạnh

Trong ba nhóm hàng xuất khẩu của thành phố, kim ngạch nhóm hàng nông, lâm, thủy sản giảm đến 24,7% so với cùng kỳ khi chỉ đạt khoảng 4,16 tỷ USD. Trong nhóm này, các mặt hàng xuất khẩu chủ lực lại giảm rất mạnh như gạo (giảm 51,3%), cao su (giảm 22,9%), cà phê (giảm 22,8%), thủy sản (giảm 12,2%)… Một số mặt hàng nông sản khác có tăng nhưng mức tăng nhẹ như hạt điều (tăng 15,9%), hạt tiêu (tăng 11,7%)… Nhóm hàng công nghiệp cũng có mức tăng nhẹ 4% so với cùng kỳ. Nhóm các mặt hàng còn lại tăng trưởng 33,1% so với cùng kỳ, tuy nhiên nhóm này chỉ chiếm tỷ trọng 7,3% trong tổng kim ngạch xuất khẩu nên không đủ sức kéo được tăng trưởng xuất khẩu của thành phố. Theo ông Lê Văn Khoa, Phó Giám đốc Sở Công thương TP Hồ Chí Minh, kim ngạch xuất khẩu trong năm không đạt kế hoạch đề ra (mục tiêu đề ra là tổng kim ngạch xuất khẩu tăng 13,5% so với năm 2012) là do xuất khẩu dầu thô giảm mạnh cả về lượng (7,7%) lẫn về giá (giảm 6,1%) làm tổng kim ngạch giảm hơn 1 tỷ USD. Giá xuất khẩu nhiều mặt hàng nông sản giảm mạnh như cao su (giảm 14,6%), gạo (giảm 6,2%), hạt tiêu (giảm 3,7%)… Lý giải về sự sụt giảm mạnh của mặt hàng gạo, ông Khoa cho biết ngoài nguyên nhân khó khăn của thị trường khiến xuất khẩu giảm còn do các đầu mối xuất khẩu gạo của thành phố bị ngừng xuất khẩu do không đạt điều kiện về chủ sở hữu xay xát và có kho chứa gạo (năm 2012 TP Hồ Chí Minh có 31 doanh nghiệp xuất khẩu gạo nhưng đến thời điểm tháng 10-2013 chỉ còn 13 doanh nghiệp đủ điều kiện được kinh doanh xuất khẩu gạo).
Ngoài các nguyên nhân trên, theo một số chuyên gia kinh tế, xuất khẩu của TP Hồ Chí Minh giảm còn do xuất khẩu khu vực đầu tư nước ngoài (FDI), vốn là thế mạnh của thành phố năm 2013 giảm, chưa kể đang bị hút dần về các khu vực lân cận như Đồng Nai, Bình Dương… Mặt khác, hạ tầng chưa đồng bộ cũng là rào cản cho xuất khẩu nên hàng xuất khẩu trước đây chỉ tập trung về các cảng của TP Hồ Chí Minh thì nay “chia sẻ” cho các cảng khác như Đồng Nai, Vũng Tàu…

Chuyển dịch cơ cấu hàng xuất khẩu

Năm 2014, TP Hồ Chí Minh đặt mục tiêu kim ngạch xuất khẩu đạt 29,23 tỷ USD, tăng 10% so với năm 2013, trong đó, cơ cấu mặt hàng xuất khẩu tiếp tục được hỗ trợ chuyển dịch theo hướng tăng tỷ trọng sản phẩm công nghiệp, hàng đã qua chế biến có hàm lượng giá trị gia tăng lớn; giảm tỷ trọng xuất khẩu sản phẩm thô, hàm lượng giá trị gia tăng thấp. Theo ông Lê Văn Khoa, định hướng đến năm 2015, nhóm hàng công nghiệp sẽ chiếm tỷ trọng 54,4% trong tổng kim ngạch xuất khẩu của thành phố, trong đó sản phẩm công nghệ cao và công nghệ phần mềm sẽ trở thành sản phẩm chủ lực; nhóm hàng nông, lâm, thủy sản chiếm tỷ trọng 23,1% và nhóm hàng hóa khác chiếm 22,5% tổng kim ngạch xuất khẩu của thành phố. Theo các chuyên gia kinh tế, TP Hồ Chí Minh đang trong giai đoạn chuyển hướng dần sang dịch vụ và ngành công nghiệp có gia tăng cao, giảm dần các ngành thâm dụng lao động, nhưng chưa được như ý muốn. Hiện, lợi thế cạnh tranh của thành phố so với các địa phương đang ngày càng thu hẹp lại, vì vậy để thu hút các nhà đầu tư lớn, thành phố cần phải xem lại chính sách trong thu hút các nhà đầu tư các nước cũng như tạo điều kiện thuận lợi hơn cho doanh nghiệp xuất khẩu.

Nói về vấn đề xuất khẩu giảm, ông Lê Hoàng Quân, Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh đã thẳng thắn nhìn nhận trách nhiệm và cho biết trong thời gian tới thành phố sẽ tập trung đầu tư hoàn thiện hệ thống hạ tầng, hoàn thiện hơn chính sách thu hút các nhà đầu tư và hỗ trợ cho doanh nghiệp tháo gỡ các vướng mắc trong xuất khẩu để đạt mục tiêu trong nhiều năm tới, tiếp tục giữ vai trò là trung tâm xuất khẩu của cả nước.

Theo Hà Nội mới