Xuất khẩu năm 2008: Cần tạo những “cú hích”
Người Việt Nam đang lo ngại sâu sắc về USD trong bối cảnh hệ thống tài chính của nước Mỹ tiếp tục ngập sâu trong rắc rối.

Năm 2008, chỉ tiêu XK mà Chính phủ giao tăng trưởng tới 22% so với năm 2007 đòi hỏi Bộ Công Thương, các hiệp hội, ngành hàng phải biết tạo những “vận hội mới” ngay từ chính những giải pháp đã đưa ra.

Năm 2007 – Tăng trưởng ấn tượng

Năm 2007, kim ngạch XK cả năm đạt 48 tỉ USD, tăng 20,5% so với năm 2006, vượt 3,1% so với kế hoạch Chính phủ đặt ra là 17,4% (46,76 tỉ USD). Trong đó, kim ngạch của khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (ĐTNN) chiếm 56,9% kim ngạch XK cả nước, đạt 27,3 tỉ USD, tăng 18,6%; khu vực DN 100% vốn trong nước tăng 23,1% so với năm 2006.

Về giá trị, kim ngạch XK năm 2007 tăng 8,2 tỉ USD. Trong đó, kim ngạch XK nhóm hàng nông, lâm, thủy sản tăng 1,7 tỉ USD; nhóm nhiên liệu, khoáng sản tăng 0,2 tỉ USD; nhóm công nghiệp và TCMN tăng 3,7 tỉ USD và nhóm hàng khác tăng 2,6 tỉ USD. Mười mặt hàng và nhóm hàng có kim ngạch trên 1 tỉ USD là thủy sản, gạo, cà phê, cao su, dầu thô, dệt may, giầy dép, điện tử và linh kiện máy tính, sản phẩm gỗ và nhóm sản phẩm cơ khí. Trong đó, những mặt hàng chủ lực có lượng XK tăng khá so với năm 2006 là cà phê (22,3%); nhân điều (22,2%); chè (11,7%)… Những mặt hàng chủ lực có trị giá XK tăng cao gồm: gạo (16%); cà phê (50%); hạt tiêu (73%); nhân điều (30,8%); dệt may (32%); sản phẩm nhựa (45,8%)… Riêng nhóm sản phẩm cơ khí đạt 2,2 tỉ USD, tăng trưởng trên 120% so với năm 2006.

Như vậy có thể thấy, qui mô và tốc độ tăng trưởng kim ngạch XK tiếp tục được duy trì ở mức cao, các chỉ tiêu được đặt ra về XK đều đã được thực hiện đạt và vượt; cơ cấu hàng hóa XK đã có những chuyển dịch tích cực theo hướng tăng dần tỉ trọng nhóm hàng chế biến, chế tạo. Nhóm hàng có tốc độ tăng trưởng XK cao và giá trị XK lớn thuộc loại hàng công nghiệp và chế biến như: thủy sản, dệt may, hàng điện tử và linh kiện điện tử, sản phẩm gỗ…

Năm 2008 “khoán” chỉ tiêu xuất khẩu cho 4 thị trường trọng điểm

Là năm thứ 2 trở thành thành viên của WTO, có nghĩa Việt Nam tiếp tục phát huy những lợi thế về thị trường cũng như mức thuế XK thấp hơn với một số mặt hàng. Mặt khác, vào WTO, Việt Nam có một hệ thống pháp luật đổi mới và phù hợp với chuẩn mực quốc tế; những cải cách quan trọng về cơ chế, chính sách điều chỉnh các hoạt động XNK theo hướng thông thoáng hơn.

Với những nguồn vốn được huy động (kể cả trong nước và nước ngoài) năng lực sản xuất chung của nền kinh tế đã được cải thiện trên nhiều lĩnh vực, đặc biệt là trong lĩnh vực hợp tác kinh tế – thương mại. Đây là nhân tố quan trọng trực tiếp tác động đến khả năng sản xuất và XK của Việt Nam trong thời gian tới.

Tuy nhiên bên cạnh những thuận lợi đó, cũng cần nhìn nhận một cách khách quan về những khó khăn, tồn tại mà năm 2008 phải đối mặt. Đó là, năng lực cạnh tranh quốc gia chưa được cải thiện rõ rệt; chuyển dịch cơ cấu diễn ra chậm và thiếu chủ động dẫn đến đầu tư dàn trải, hiệu quả không cao; lợi thế so sánh về chi phí nhân công thấp đang giảm dần; hệ thống cơ sở hạ tầng phục vụ XK còn nhiều hạn chế… Chính vì vậy, vừa qua Bộ Công Thương đã tiến hành khẩn trương Hội nghị “Triển khai kế hoạch XK năm 2008”. Tại Hội nghị này, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải cũng như đại diện một số Bộ, ngành, địa phương, hiệp hội cơ bản nhất trí với 4 phương hướng chung mà Bộ Công Thương đưa ra. Trong đó, Bộ Công Thương xác định rõ chỉ tiêu kế hoạch cho 4 khu vực thị trường trọng điểm: khu vực thị trường châu Á và châu Đại Dương, kế hoạch XK năm 2008 là 24,5 tỉ USD, tăng 16,7%; khu vực thị trường châu Âu, dự kiến XK 11,7 tỉ USD, tăng 22,9%; khu vực thị trường châu Mỹ là 14,6 tỉ USD, tăng 25,2%; khu vực thị trường châu Phi Tây Nam Á làø 2,8 tỉ USD, tăng 53,8% so với năm 2007.

Tạo “vận hội mới” ngay trong giải pháp

Trong 6 giải pháp bổ trợ cho việc thực hiện kế hoạch XK năm 2008 (bao gồm giảm chi phí giao dịch, kinh doanh cho DNXK; hoàn thiện hệ thống chính sách tài chính, tín dụng và đầu tư phục vụ XK; nâng cao hiệu quả của công tác xúc tiến XK; hỗ trợ đào tạo phát triển nguồn nhân lực cho một số ngành sản xuất hàng XK; xây dựng các đề án XK cụ thể cho từng mặt hàng, từng địa bàn; vai trò của các hiệp hội ngành hàng), nhiều vấn đề được đưa rất rất chi tiết cụ thể, như tại giải pháp thứ nhất, hầu như những vướng mắc khó khăn về nguyên phụ liệu trong những năm trước đều được đưa ra giải quyết theo hướng triển khai xây dựng các trung tâm cung ứng nguyên phụ liệu, đóng vai trò là đầu mối tổ chức NK và cung ứng nguyên phụ liệu cho các DN sản xuất hàng XK trong nước. Cũng tại giải pháp này, cải cách hành chính đi đôi với việc tăng cường hợp tác phối hợp giải quyết vụ việc liên quan giữa các bộ ngành, giữa các cơ quan quản lý với hiệp hội ngành hàng cũng được đề cập.

Giải pháp là vậy, nhưng như đã phân tích ở trên, năm 2008 không phải là năm đầu tiên Việt Nam gia nhập WTO, các cơ hội, cam kết thuận lợi chưa có gì “đột biến” so với năm 2007, trong khi đó nền sản xuất trong nước cũng chưa có những đột phá, điều đó cho thấy việc thực hiện kế hoạch XK cần phải có những “cú hích”, hoặc tạo “vận hội” ngay trong chính các giải pháp đã đưa ra.

Tại Hội nghị “Triển khai kế hoạch XK năm 2008”, không ít ý kiến đặt ra: khi mà hầu hết các mặt hàng nông lâm thủy hải sản đều đến “ngưỡng” về sản lượng dành cho XK thì rất nhiều mặt hàng khác lại đang có lợi thế. Vậy thì: “Tại sao chúng ta chỉ thống kê 21 mặt hàng XK có kim ngạch ít nhất cũng hàng trăm triệu USD trở lên mà không phải là những mặt hàng có kim ngạch từ 50 triệu USD?”. Đây quả là một gợi mở rất hay, bởi nhiều năm qua, không ít mặt hàng XK có tiềm năng nhưng vẫn nghiễm nhiên bị liệt kê gọn trong nhóm “hàng hóa khác”. Điều đáng chú ý, riêng năm 2007, cái nhóm “hàng hóa khác” này lại đạt tới con số trên 7,3 tỉ USD, cộng thêm với nhóm sản phẩm cơ khí đạt 2,2 tỉ USD như vậy là đã chiếm tới gần 20% tổng kim ngạch XK của cả nước. Vậy nhưng để xác định thị trường trọng điểm hay đơn giản, nhất là cập nhật về sự tăng trưởng của các mặt hàng đó hầu như chưa cóù.

Vì vậy, việc Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải đưa ra thành lập những nhóm nghiên cứu từng ngành hàng, mặt hàng để xây dựng đề án, dự án cụ thể là thực sự cần thiết. Theo Phó Thủ tướng có thể chính nhờ cái đó, các mặt hàng này mới có “vận hội” để bứt phá tăng trưởng XK. Tại diễn đàn bàn về XK năm 2008, một lĩnh vực nữa cần đề cập đó là khai thác thị trường. Rất nhiều ý kiến nhấn mạnh phải tận dụng khai thác triệt để những thị trường trọng điểm, thị trường truyền thống, thị trường có thể tăng trưởng XK lớn đó là Trung Quốc và thị trường tiềm năng là châu Phi Tây Nam ÁÙ. Nói như Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải thì dường như các DN Việt Nam khi nhắc tới Trung Quốc đều “ngại” vì qui mô và các loại sản phẩm hàng hóa của nước bạn. Nếu có những tư vấn, nghiên cứu khách quan thì không đâu xa, đây chính là điểm xúc tiến thương mại đầu tiên. Tiếp nữa là khu vực thị trường châu Phi Tây Nam Á, năm 2007 tăng trưởng là 23%, tuy chỉ đạt 1,82 tỉ USD, nhưng năm 2008, chỉ tiêu cho khu vực thị trường này là 2,8 tỉ USD, tăng tới 53,8% (cao nhất so với các khu vực thị trường khác), điều đó cho thấy, một thị trường cực tiềm năng cho nhiều mặt hàng XK của Việt Nam, nhất là Iraq – sẽ là điểm “đột phá” lớn cho các DN.

Nguồn: Báo Thương mại