Xuất khẩu năm 2008: Làm gì để đạt tốc độ tăng trưởng 20 – 22%?
Người Việt Nam đang lo ngại sâu sắc về USD trong bối cảnh hệ thống tài chính của nước Mỹ tiếp tục ngập sâu trong rắc rối.

Mặc dù năm 2007, tổng kim ngạch XK của cả nước ước đạt khoảng 48 tỉ USD, tăng 20% so với năm 2006, song để đạt được con số này không phải dễ dàng. Đã có những thời điểm, ngành thương mại và các cơ quan chức năng lo rằng, việc thực hiện chỉ tiêu XK 46,75 tỉ USD mà Chính phủ giao cho khó có khả năng đạt được, chưa nói tới chỉ tiêu mà Bộ Thương mại trước đây đưa ra để phấn đấu là 47,5 tỉ USD, bởi kết thúc quí II, kim ngạch XK hầu như ít chạm tới ngưỡng 4 tỉ USD/tháng. Tuy nhiên, về những tháng cuối năm, sự bứt phá của nhiều mặt hàng, đặc biệt là yếu tố tăng giá đã khiến kim ngạch XK không chỉ dừng ở con số kế hoạch “cứng” mà còn vượt cả con số đưa ra.

Một trở ngại lớn là khả năng cung ứng nguồn hàng cho XK. Trong 4 nhóm mặt hàng XK (khoáng sản; nông lâm, thủy hải sản; công nghiệp và công nghiệp chế biến; nhóm hàng hóa khác) thì 2 nhóm mặt hàng: khoáng sản và nông lâm thủy hải sản đặt ra nhiều tình huống khó khăn. Tại Hội nghị Thương mại toàn quốc tháng 2/2007, nguyên Bộ trưởng Bộ Thương mại Trương Đình Tuyển đã cảnh báo về một số các mặt hàng chủ lực như: dầu thô, than đá, gạo, cà phê, thủy sản… đã bắt đầu báo hiệu tới “ngưỡng” về sản lượng cung cấp cho XK. Thực tế thì điều này đã được bộc lộ rất rõ trong quá trình thực hiện các hợp đồng XK trong năm nay. Ví như, mặt hàng dầu thô, năm 2007 nếu như 3 tháng cuối năm không có sự tăng mạnh về giá thì chỉ tiêu kim ngạch XK không đạt như mong muốn do sản lượng không đạt. Trước thực tế đó, chỉ tiêu năm 2008 sẽ phải điều chỉnh thấp hơn để phù hợp với khả năng khai thác.

Tiếp theo là mặt hàng gạo, mặc dù thị trường, giá XK trong năm 2007 rất tốt, nhưng sản lượng dành cho XK chỉ có thể duy trì ở con số 4,5 triệu tấn (cả gạo nếp và thơm). Nhìn vào con số sản lượng gạo XK giảm dần theo các năm (năm 2005: 5,2 triệu tấn; năm 2006: 4,65 triệu tấn; năm 2007: 4,5 triệu tấn), Tổ điều hành XK gạo cho rằng, con số 4,5 triệu tấn gạo XK sẽ là mức tối đa được duy trì trong năm 2008. Đối với mặt hàng cà phê, do giá XK cao nên 3 tháng cuối năm nay, các DN XK tương đối nhiều, vì thế sản lượng XK dành cho năm 2008 chỉ có thể ở con số 1 – 1,1 triệu tấn khó có thể kỳ vọng 1,5 triệu tấn. Mặt hàng thủy sản, mặc dù vẫn duy trì tốc độ tăng trưởng, nhưng năm 2007 cũng chỉ tăng hơn 11%. Theo dự báo của ngành thủy sản, hoạt động khai thác hải sản ngày càng khó khăn, nuôi trồng trong nước còn phụ thuộc nhiều yếu tố thời tiết, dịch bệnh… đặc biệt là rào cản kỹ thuật từ các nước NK ngày càng thắt chặt hơn nên kế hoạch XK năm 2008 cũng chỉ có thể đưa lên ở mức 4,25 tỉ USD… Ngoài ra, còn một số mặt hàng khác đang có những diễn biến không thuận lợi về thị trường XK như: giày dép, xe đạp… cũng đều gặp nhiều lực cản đối với sự tăng trưởng XK.

Tuy nhiên, theo Vụ XNK Bộ Công Thương, trên cơ sở tăng trưởng kim ngạch XK qua các năm 2005, 2006, 2007 luôn ở mức trên 20%, nhất là khi Việt Nam đã là thành viên của WTO, thuận lợi lớn nhất mang lại từ tư cách thành viên này là mở rộng thị trường XK và tăng nhanh kim ngạch XK đối với một số nhóm hàng. Vì lẽ đó, các ý kiến cũng thống nhất quan điểm cho rằng, các DN cần phải khai thác sâu hơn nữa về lợi thế đã ký kết của các hiệp định, thỏa thuận ưu đãi với các nước khu vực, đặc biệt là với các thị trường lớn như; Hoa Kỳ, EU, Nhật Bản… Mặt khác, cần phải thiết lập các thị trường mới tiềm năng như Iraq, châu Phi, Tây Á…

Đối với một số mặt hàng XK chủ lực đã đến “ngưỡng”, ngoài việc nâng cao giá trị gia tăng thì phải nhanh chóng có hướng đầu tư nhiều hơn nữa đến nhóm hàng công nghiệp – công nghiệp chế biến và nhóm “hàng hóa khác”. Bộ trưởng Bộ Công Thương Vũ Huy Hoàng nhấn mạnh: “Để đạt được con số tăng trưởng 22% và giảm được sự chênh lệch giữa XK và NK, một trong số 8 biện pháp quan trọng nhằm đẩy mạnh XK trong năm 2008, là phải xây dựng những thị trường mới, nhóm hàng mới và khai thác triệt để nhóm hàng tiềm năng”. Bộ trưởng dẫn ra một số mặt hàng cụ thể như: hàng điện tử và linh kiện máy, máy tính; sản phẩm nhựa; dây điện và cáp điện… đó là những mặt hàng tiềm năng đang có tốc độ tăng trưởng đáng kể. Riêng với nhóm “hàng hóa khác”, với sự tăng trưởng đầy ấn tượng trong mấy năm qua, trong đó năm 2007 tăng trưởng trên 23% với hàng chục tỉ USD, nhiều mặt hàng cũng đã được nhìn nhận như: cơ khí, gang thép, đóng tàu…; tuy vậy, để quan tâm đầu tư thì thực sự còn khá khiêm tốn. Thậm chí công tác thống kê về tốc độ tăng trưởng, thị trường XK, cũng như những định hướng mang tính chiến lược hầu như còn bỏ ngỏ.

Với những khó khăn và hạn chế nêu trên, Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng yêu cầu, thời gian tới các vụ chức năng phải có sự phối hợp với các hiệp hội ngành hàng để xây dựng từng chuyên đề cho từng ngành hàng, mặt hàng cụ thể, qua đó mới đưa ra được định hướng chiến lược và chính sách cụ thể phục vụ cho hoạt động XK bền vững trong năm 2008 và những năm tiếp theo.

Nguồn: Báo Thương mại