Xuất khẩu nông lâm thủy sản đã đạt 22,6 tỷ USD
Người Việt Nam đang lo ngại sâu sắc về USD trong bối cảnh hệ thống tài chính của nước Mỹ tiếp tục ngập sâu trong rắc rối.

Tính chung cả 11 tháng, giá trị xuất khẩu nông, lâm và thuỷ sản đã đạt khoảng 22,6 tỷ USD, tăng 30,6% so với cùng kỳ năm 2010, trong đó kim ngạch các mặt hàng nông sản chính có tốc độ tăng trưởng ngoạn mục, thu về 12,3 tỷ USD, tăng tới 36,6%; các mặt hàng lâm sản chính đạt 3,8 tỷ USD, tăng 14,2% và mặt hàng thuỷ sản đạt 5,6 tỷ USD, tăng 24,9%. Sự tăng trưởng khá về giá trị xuất khẩu chủ yếu là do đà tăng giá mạnh của các mặt hàng nông lâm thuỷ sản.

Cụ thể, đối với mặt hàng gạo, trong tháng 11/2011 xuất khẩu gạo đạt 450 ngàn tấn, với kim ngạch 260 triệu USD, đưa sản lượng gạo xuất khẩu trong 11 tháng lên 6,8 triệu tấn, với giá trị xuất khẩu đạt gần 3,5 tỷ USD, so với cùng kỳ năm trước tăng 7,1% về lượng và 16,7% về giá trị. Theo nhận định của các chuyên gia, nhu cầu và giá gạo thế giới hiện nay vẫn đang trên đà tăng, có lợi cho Việt Nam đẩy nhanh tiến độ xuất khẩu, ngoài ra các nước trong khu vực lại gặp phải thiên tai nên cũng ảnh hưởng đến nguồn cung và giá gạo trên thế giới. Theo đó, giá gạo bình quân 10 tháng năm nay đạt khoảng 505 USD/tấn, tăng 8,1% so với cùng kỳ năm ngoái.

Mặc dù nhập khẩu gạo của Philippines có sụt giảm mạnh so với cùng kỳ năm trước (giảm 34,6% về lượng và 50,3% về giá trị) nhưng thị trường này vẫn là thị trường lớn thứ hai sau Indonesia. Riêng tỷ trọng giá trị của hai thị trường này đã chiếm gần 40% giá trị xuất khẩu gạo của Việt Nam. Một số các thị trường khác đều có sự tăng trưởng mạnh cả về lượng và giá trị so với năm 2010 là Senegan (gấp hơn 2 lần) và Trung Quốc (xấp xỉ 3 lần)…

Đối với ngành hàng cà phê, trong tháng 11 cả nước đã xuất khẩu khoảng 30 ngàn tấn, với kim ngạch 70 triệu USD. Như vậy khối lượng xuất khẩu cà phê 11 tháng đầu năm chỉ tăng nhẹ so với cùng kỳ năm ngoái, đạt 1,1 triệu tấn nhưng về giá trị lại tăng gấp 1,5 lần, đạt 2,3 tỷ USD. Về giá, tính bình quân cả 10 tháng, giá cà phê xuất khẩu đạt 2.210 USD/tấn, tăng gấp 1,5 lần so với cùng kỳ năm ngoái với ba thị trường lớn nhất, lần lượt là Hoa Kỳ (chiếm 11,3%), Đức (9,7%), Bỉ (8,5%). Mặc dù khối lượng tiêu thụ ở một số thị trường có giảm từ 10 – 24% nhưng giá trị xuất khẩu sang các thị trường lớn đều tăng.

Riêng đối với cao su, việc xuất khẩu vẫn phụ thuộc lớn vào thị trường Trung Quốc khi thị trường này chiếm tới gần 60% tỷ trọng xuất khẩu. Mặc dù vậy giá cao su xuất khẩu bình quân 10 tháng vẫn đạt 4.263 USD/tấn, tăng 50% so với cùng kỳ năm 2010. Riêng trong tháng 11, xuất khẩu cao su đạt khoảng 60 ngàn tấn với giá trị 225 triệu USD, đưa sản lượng cao su xuất khẩu trong cả 11 tháng đạt 651 ngàn tấn, thu về 2,7 triệu USD, so cùng kỳ năm trước giảm 4,7% về khối lượng  nhưng giá trị lại tăng tới 37,5%…

Xuất khẩu tăng trưởng mạnh, nhưng nhập khẩu vật tư và nông lâm thủy sản cũng tăng mạnh không kém. Kim ngạch nhập khẩu vật tư nông lâm thủy sản trong tháng 11 “ngốn” khoảng 1,3 tỷ USD, nâng tổng giá trị nhập khẩu cả 11 tháng lên 14,4 tỷ USD, tăng 33,4% so với cùng kỳ năm trước. Đáng chú ý nhất là mặt hàng phân bón với lượng phân bón các loại nhập khẩu trong cả 11 tháng ước đạt 3,9 triệu tấn, trị giá 1,6 tỷ USD. So với cùng kỳ năm 2010, nhập khẩu phân bón đã tăng 27,6% về lượng và tăng tới 55,2% về giá trị do khối lượng và giá trị nhập khẩu của tất cả các loại phân bón đều tăng. Nguồn nhập khẩu phân bón chủ yếu vẫn là từ thị trường Trung Quốc, chiếm 41,6% khối lượng. Nhập khẩu nhiều loại vật tư khác cũng tăng cao: thức ăn gia súc và nguyên liệu tăng gần 20% (tốn tới 2 tỷ USD); gỗ nguyên liệu tăng 16,2% (chi phí tới 1,2 tỷ USD)…/.

Nguyễn Tiến Dũng
Nguồn: Báo điện tử Báo Đối ngoại Vietnam – Economic News