Xuất khẩu rộng mở với doanh nghiệp sản xuất phân bón
Người Việt Nam đang lo ngại sâu sắc về USD trong bối cảnh hệ thống tài chính của nước Mỹ tiếp tục ngập sâu trong rắc rối.

Sản xuất phân bón trong năm 2011 được đẩy mạnh ngay từ đầu năm do nhu cầu trong nước tăng cao. Nông dân được mùa, hầu hết các loại nông sản được giá nên diện tích đầu tư được mở rộng, thâm canh tăng vụ và tăng lượng phân bón cho cùng một đơn vị diện tích. Thị trường xuất khẩu được mở rộng, nhóm sản phẩm phân bón NPK có tốc độ tăng trưởng xuất khẩu cao nhất do các đơn vị quan tâm đầu tư xúc tiến các hoạt động xuất khẩu, đầu tư cải tiến công nghệ, áp dụng tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất phân bón NPK để có sản phẩm đáp ứng yêu cầu của nhà nhập khẩu. Tổng sản lượng phân bón năm 2011 của Tập đoàn Hóa chất Việt Nam (Vinachem) đạt gần 4 triệu tấn, tăng 12% so với năm 2010, trong đó xuất khẩu đạt 127 nghìn tấn, tăng 35%. Giá trị xuất khẩu đạt 88,5 triệu USD, tăng 61% so với năm 2010. Giá trị xuất khẩu tăng cao một phần do giá phân bón tăng so với năm trước và do các đơn vị đã đầu tư nâng cao chất lượng. Vinachem cũng đang tập trung đầu tư mở rộng sản xuất phân bón để trở thành doanh nghiệp xuất khẩu các sản phẩm phân bón vào năm 2015 khi công suất đạm urê của Vinachem đạt 1,1 triệu tấn, công suất lân chế biến đạt 2 triệu tấn/năm, NPK đạt 4 triệu tấn/năm.

Trước dự báo về nhu cầu trong nước sẽ bão hòa, Chủ tịch HĐQT, Tổng giám đốc công ty TNHH Nhà nước MTV phân đạm và hóa chất Hà Bắc Nguyễn Anh Dũng cho biết, công ty đã tiến hành giao dịch với bạn hàng để xúc tiến xuất khẩu sản phẩm. Lĩnh vực sản xuất và kinh doanh Urê của Tập đoàn Hóa chất có 2 nhà máy, Tập đoàn Dầu khí có 2 nhà máy đi vào sản xuất. Lượng sản xuất trong nước tương đối lớn và có thể đáp ứng đầy đủ nhu cầu, có dư, cần thiết xuất khẩu. Công ty đã xuất phân đạm Urê qua bạn hàng đến các nước trên thế giới, mở ra tiềm năng mới khi thị trường trong nước bão hòa…

Theo Chủ tịch HĐQT, kiểm Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Phân bón miền Nam Nguyễn Tấn Đạt cho biết, với giá bán phân bón thấp hơn các nước khoảng 3-5%, năm 2011, sản lượng phân bón xuất khẩu của Công ty là hơn 80 nghìn tấn, chiếm tới 24% sản lượng sản xuất, đem lại kim ngạch 30 triệu USD. Năm 2012, Công ty sẽ nâng lượng xuất khẩu lên 30% để đảm bảo đầu ra ổn định cho sản xuất. Hiện các thị trường xuất khẩu chính của Công ty là Thái Lan, Malaysia, Indonesia, Newzeland và Nhật Bản. Châu Phi cũng là thị trường tiềm năng cho xuất khẩu phân bón bởi nhu cầu tiêu thụ rất lớn.

Mặc dù cơ hội thị trường xuất khẩu khá rộng mở, nhưng Chủ tịch HĐQT, Tổng giám đốc công ty cổ phần phân bón Bình Điền Lê Quốc Phong cho rằng, xuất khẩu phân bón của doanh nghiệp Việt Nam sẽ bị cạnh tranh gay gắt với các nước trong khu vực như Thái Lan, mỗi năm sản xuất hàng chục triệu tấn NPK, hoặc một số nước đi trước chúng ta về sản xuất, xuất khẩu. Vì thế cần đẩy mạnh liên kết giữa các doanh nghiệp để tăng sức cạnh tranh.

Năm 2011, xuất khẩu phân bón của công ty cổ phần phân bón Bình Điền sang Lào, Campuchia, Australia… tăng 62%, đóng góp vào sản lượng tăng 37%, lợi nhuận tăng 45%. Thương hiệu phân bón Đầu Trâu của Công ty được xác lập tại các thị trường này. Mục tiêu của Công ty là xuất khẩu phải gắn với làm thương hiệu để có được thị phần vững chắc.

Anh Tú
Nguồn: Báo điện tử Đại biểu nhân dân