Xuất khẩu thủy sản: Càng giành giựt nhau, giá càng rớt
Người Việt Nam đang lo ngại sâu sắc về USD trong bối cảnh hệ thống tài chính của nước Mỹ tiếp tục ngập sâu trong rắc rối.

Giá xuất khẩu ngày càng giảm

Tại hội thảo đánh giá tác động hội nhập của ngành thủy sản sau hai năm Việt Nam gia nhập WTO diễn ra cuối tuần qua tại TP.HCM, nguyên Thứ trưởng Bộ Thủy sản Nguyễn Thị Hồng Minh bức xúc về trình trạng “mạnh ai nấy làm” của các doanh nghiệp thủy sản.

Do cạnh tranh không lành mạnh, giá thủy sản ngày càng giảm. Theo số liệu của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) thì giá xuất khẩu cá tra năm 1997-1998 là 4,93 USD/kg, năm 2007 giá xuất khẩu đạt mức 3,25 USD/kg nhưng trong năm 2008 chỉ còn 2,28 USD/kg.

Việc giá cá tra xuất khẩu ngày càng giảm được coi là không hợp lý bởi giá thức ăn chăn nuôi nói chung và thủy sản nói riêng ngày càng tăng cao cùng với khó khăn về tài chính của doanh nghiệp thủy sản gặp phải.

Số liệu thống kê của Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) cho thấy hiện nay, cả nước đang có 168 doanh nghiệp xuất khẩu cá tra nhưng chỉ có 57 doanh nghiệp có nhà máy chế biến. Tuy chỉ chiếm thị phần xuất khẩu rất nhỏ (7% xuất khẩu) nhưng hơn 100 doanh nghiệp “mua đi bán lại” này được xem là nguyên nhân làm rối loạn thị trường.

Để giành được mối hàng, các doanh nghiệp “mua đi bán lại” sẵn sàng hạ giá bán cá tra xuống mức thấp nhất. Đơn cử, giá cá tra bán vào thị trường Hà Lan cao hơn giá bán vào Ukraina tới 382%, nghĩa là doanh nghiệp khi xuất khẩu vào Ukraina đã hạ giá xuống tới mức bất bình thường.

Có hạn chế được doanh nghiệp bán phá giá?

Thủy sản Việt Nam đã từng đối mặt với tình trạng chống bán phá giá tại một số nước mà doanh nghiệp Việt Nam xuất khẩu với lượng hàng lớn. Trên thực tế, trước đây các doanh nghiệp thủy sản đã phải bỏ ra nhiều triệu USD lo chi phí, thuê luật sư để đối phó với các vụ kiện phá giá, điển hình là vụ kiện cá da trơn đến từ Mỹ năm 2001.

Mới đây, EU đã cảnh báo về khả năng sẽ kiện bán phá giá đối với cá tra Việt Nam vì nhiều doanh nghiệp đã bán các sản phẩm cá tra vào thị trường này với giá quá thấp.

Theo bà Minh, rất khó kiểm soát hay hạn chế tình trạng cạnh tranh không lành mạnh giữa các doanh nghiệp. Nếu Bộ NN & PTNT quản lý bằng cách khống chế về giá thì mặt hàng thủy sản sẽ rơi vào tình trạng “phi thị trường”. Đến nay, VASEP mới chỉ dừng lại ở việc kêu gọi, vận động doanh nghiệp đừng phá giá bởi chưa được trao công cụ quản lý trong tay.

Bà Minh cho biết để hạn chế tình trạng cạnh tranh không lành mạnh của doanh nghiệp, Bộ NN&PTNT nên trao quyền quản lý cho VASEP. Cụ thể, cần phải có quy định doanh nghiệp kinh doanh cùng ngành hàng bắt buộc phải tham gia hiệp hội. Tiếp theo đó, hiệp hội cần có chiến lược, kế hoạch về sản lượng, giá cả cụ thể báo cáo lên cơ quan quản lý. Cần phải tránh tình trạng doanh nghiệp thích mở rộng bao nhiêu thì mở rộng, đầu tư bao nhiêu thì đầu tư mà không ai giám sát, quản lý được.

Thực tế sự yếu kém về quản lý đã được thể hiện khi một số tỉnh tại đồng bằng sông Cửu Long do chạy đua thành tích đã cho phép doanh nghiệp xây dựng nhà máy chế biến thủy sản tràn lan khi chưa có thống kê về nguồn nguyên liệu xem có đủ hay không. Điều này dẫn đến tình trạng thừa thiếu nguyên liệu diễn ra thường xuyên, ảnh hưởng tới giá thu mua cá trong dân và giá xuất khẩu thủy sản.

Đã từng có cơ hội tìm hiểu mô hình các cộng đồng, hiệp hội thủy sản lớn trên thế giới, bà Minh cho rằng những cộng đồng, hiệp hội nào có sự liên kết, chia sẻ thông tin trong doanh nghiệp thì ngày càng phát triển bền vững. Ngược lại, cộng đồng nào mà cứ mạnh ai nấy làm thì ngày càng mai một.

Nguồn: Báo Pháp luật TP HCM