Xuất khẩu thủy sản: “Khát” đầu vào, bí đầu ra
Người Việt Nam đang lo ngại sâu sắc về USD trong bối cảnh hệ thống tài chính của nước Mỹ tiếp tục ngập sâu trong rắc rối.

Lợi nhuận giảm, mức chiết khấu hàng hóa nhập vào siêu thị tăng cao, “khát” nguyên liệu đầu vào… khiến các doanh nghiệp thủy sản đang gặp khó ngay chính trên sân nhà và trong xuất khẩu.

Báo cáo từ các doanh nghiệp thủy sản cho biết, nửa đầu năm 2016 doanh thu và lợi nhuận giảm so với cùng kỳ. Đặc biệt, ngay trong thị trường nội địa, lượng hàng tiêu thụ cũng bắt đầu có dấu hiệu sụt giảm.

Thực tế Công ty cổ phần tập đoàn Thủy sản Minh Phú cho thấy, nửa đầu năm 2014 đơn vị này thu hơn 509 tỷ đồng, thì cùng kỳ năm 2015 lợi nhuận trước thuế âm gần 23 tỷ đồng. Bước dang năm 2016, tình hình không mấy khả quan khi kết thúc quý I/2016, doanh thu giảm 3% so với cùng kỳ năm ngoái. Công ty cổ phần Thực phẩm Phước Bình đang rơi vào tình cảnh lượng nguyên liệu chế biến là 7.547 tấn, bằng 110% so với cùng kỳ năm 2015, nhưng doanh thu chỉ bằng 95% so với cùng kỳ.

Đại diện các công ty này nhận định, tình hình sẽ còn khó khăn hơn khi hệ thống siêu thị Big C từ đầu năm tới nay tăng chiết khấu hàng hóa nhập vào từ 10% lên tới 20%, thậm chí là 25%. Điều này khiến doanh nghiệp thủy sản không có lời khi  đưa hàng vào hệ thống siêu thị này.

Theo thống kê của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn , tình trạng hạn hán, xâm nhập mặn kéo dài tại khu vực Đồng bằng sông Cửu Long đã tác động trực tiếp đến sản lượng, chất lượng nhiều loại thủy, hải  sản. Ví dụ, tỉnh Bạc Liêu có diện tích nuôi tôm hơn 124.000 ha, nhưng đến nay, diện tích thả chỉ đạt khoảng 20% kế hoạch. Tại Cà Mau, tổng sản lượng tôm 3 tháng đầu năm 2016 chỉ đạt hơn 85% so với cùng kỳ. Riêng tỉnh Tiền Giang, diện tích nuôi tôm nước lợ đạt khoảng 50%.  Từ thực tế này, các doanh nghiệp đang lâm vào tình cảnh “khát” nguồn nguyên liệu đầu vào phục vụ sản xuất.

Một khó khăn nữa mà các doanh nghiệp thủy sản đang phải đối mặt, theo ông Trương Đình Hòe, Tổng thư ký Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam là vấn đề tỷ giá. Các nước có cùng mặt hàng xuất khẩu thủy sản với Việt Nam đã giảm giá đồng tiền của họ so USD để thúc đẩy xuất khẩu. Chính vì thế, thủy sản Việt Nam vẫn bị cạnh tranh khốc liệt về giá bán ở những thị trường truyền thống.

Một tín hiệu mừng cho xuất khẩu thủy sản, chính là Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP). Ưu thế lớn nhất mà ngành thủy sản hưởng lợi là hầu hết các nước phát triển trong TPP cam kết cắt giảm thuế quan, các hàng rào phi thuế quan đối với hàng hóa cũng như các chính sách hạn chế thương mại với một số loại hàng nông thủy sản ngay khi hiệp định có hiệu lực. Một lợi thế nữa là các nước thành viên tham gia Hiệp định TPP đều là những đối tác quan trọng của thủy sản Việt Nam.

Ông Trương Đình Hòe cũng cho rằng, khi Hiệp định TPP có hiệu lực, những sản phẩm tôm tươi/đông lạnh xuất khẩu sang Nhật Bản, Hoa Kỳ thời gian tới sẽ có thuế 0% giúp doanh nghiệp có lợi thế hơn các đối thủ như Argentina, Thái Lan, Ấn Độ… Riêng các doanh nghiệp xuất khẩu, cơ hội Nhật Bản bãi bỏ thuế nhập khẩu đối với sản phẩm cá ngừ, cá hồi… cũng là một lợi thế.

Đón cơ hội này, ông Trương Quang Hùng, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Thực phẩm Phước Bình cho biết, Công ty đã vay thêm vốn, nhập máy móc đầu tư xây dựng vùng nguyên liệu ổn định. Theo ông Hùng, trước tình hình tiêu thụ sản phẩm thủy sản trong nước và một số nước trong khu vực gặp khó khăn, Công ty quyết định tìm đường xuất khẩu hàng hóa với trọng tâm là thị trường tại 11 thành viên còn lại của TPP.

Bên cạnh đó, nhiều công ty khác cũng coi xuất khẩu là trọng tâm phát triển. Ví dụ, Công ty cổ phần Chế biến và Xuất nhập khẩu thủy sản Cadovimex 2 từ đầu năm 2016 đã đầu tư dây chuyền chế biến, xuất khẩu, áp dụng tiêu chuẩn thực hành thủy sản tốt nhất, sẵn sàng đáp ứng yêu cầu khắt khe của các nhà nhập khẩu khó tính.

Công ty cổ phần Hùng Vương trước đó đã thành lập liên doanh ở Nga với số vốn 30 triệu USD và sắp tới mua 51% vốn một đơn vị chuyên kinh doanh, phân phối, bán lẻ thủy sản ở Nga. Đơn vị này sẽ đầu tư thêm vùng nguyên liệu và quy mô sản xuất để tiếp tục đẩy mạnh xuất khẩu sản phẩm vào thị trường Nga.

Từ việc tìm đường xuất khẩu qua các nước TPP để hưởng lợi thay vào thị trường nội địa hay thị trường truyền thống, ông Hòe nhận định, tổng kim ngạch xuất khẩu thủy sản năm 2016 sẽ đạt khoảng 7,07 tỷ USD, tăng hơn 6% so với năm 2015. Tuy nhiên, nhiều chuyên gia cho rằng, các doanh nghiệp vẫn phải chú trọng thị trường nội địa và các thị trường truyền thống. Bởi đó là cách đa dạng hóa thị trường, thúc đẩy đầu tư sản xuất, từng bước tăng sức cạnh tranh trên thị trường quốc tế.

Gia Huy
Nguồn: Báo Công thương điện tử